API, PLX, VHC và SHB liệu có khả quan?

Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị mua API nhờ động lực tăng trưởng từ các dự án đang triển khai trong giai đoạn 2021-2022; khả quan với PLX do tăng trưởng sản lượng đáng khích lệ, nhờ thắt chặt kiểm soát buôn lậu xăng dầu; mua VHC do kết quả kinh doanh phục hồi từ mức nền thấp; SHB kém khả quan do giá mục tiêu được dự phòng thấp hơn giá hiện tại.

API, PLX, VHC và SHB liệu có khả quan?

Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị mua API nhờ động lực tăng trưởng từ các dự án đang triển khai trong giai đoạn 2021-2022; khả quan với PLX do tăng trưởng sản lượng đáng khích lệ, nhờ thắt chặt kiểm soát buôn lậu xăng dầu; mua VHC do kết quả kinh doanh phục hồi từ mức nền thấp; SHB kém khả quan do giá mục tiêu được dự phòng thấp hơn giá hiện tại.

Mua API với giá mục tiêu 69,000 đồng/cp

Theo CTCK Châu Á Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) đang triển khai một loạt các dự án bất động sản (BĐS) và đã ghi nhận khoản người mua trả tiền trước lên đến 1,141 tỷ đồng, chiểm 48% tổng nguồn vốn và gấp 2.3 lần tổng doanh thu năm 2020.

Cơ cấu doanh thu năm 2020 của API
Nguồn: APS

Năm 2021 dự kiến sẽ là một năm tăng trưởng vượt bậc cả về doanh thu lẫn lợi nhuận ròng của API do Công ty thực hiện ghi nhận doanh thu từ các dự án đang triển khai. Các nhà thầu thi công dự án của API đều là những đơn vị uy tín và có năng lực thi công tốt, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. 

Các dự án Apec Royal Park Huế, Apec Royal Park Bắc Ninh, Apec Aqua Park Bắc Giang, Apec Mandala Wyndham Phú Yên sẽ là động lực tăng trưởng chính của API trong năm 2021 do đã đầy đủ về mặt pháp lý.

Riêng dự án Apec Royal Park Huế, đây là dự án mang đầy tham vọng của tập đoàn API, và cũng là dự án có quy mô lớn nhất tại Huế tính đến thời điểm hiện tại. Dự án này đã bán được 555 căn ở khu B, C, D và sẽ lên kế hoạch để triển khai khu A. Công ty ước tính có thể ghi nhận từ dự án này khoản lợi nhuận 315 tỷ đồng trong năm 2022 và 175 tỷ đồng trong năm 2023.

Đối với giai đoạn 2022-2023, API sẽ tiếp tục triển khai một số dự án khác như Apec Golden Palace Lạng Sơn với kỳ vọng mang về 87.5 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022 và 125 tỷ đồng trong năm 2023; Apec Dubai Tower Ninh Thuận ước mang về 50 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023; KCN Apec Đa Hội dự kiến mang về mức lợi nhuận 42 tỷ đồng trong năm 2022 và 140 tỷ đồng trong năm 2023.

APS dự báo doanh thu của API trong năm 2022 sẽ đạt 2,010 tỷ đồng và lợi nhuận thu về sẽ ở mức 455 tỷ đồng.

Do đó, APS khuyến nghị mua API với giá mục tiêu sau 1 năm là 69,000 đồng/cp, tương đương mức lợi nhuận 215% kể từ ngày lập báo cáo (27/05).

Xem thêm tại đây

PLX khả quan với giá mục tiêu 67,000 đồng/cp

Theo CTCK SSI, bất chấp đợt bùng phát dịch Covid-19 trong tháng 1/2021, tăng trưởng sản lượng của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) vẫn duy trì tích cực ở mức 4.7% so với cùng kỳ , đạt 2.27 triệu m3. Trong đó, sản lượng trong nước đạt 1.4 triệu m3, tăng 6.6% và thực hiện hơn 25% kế hoạch năm. Cần lưu ý rằng kênh bán lẻ tuy chỉ chiếm khoảng 55%-60% sản lượng tiêu thụ của PLX nhưng lại đóng góp khoảng 80% lợi nhuận.

Ban lãnh đạo PLX cho biết sản lượng tiêu thụ trong tháng 4 tăng đáng kể 28% so với cùng kỳ, chủ yếu do mức cơ sở thấp trong tháng 4/2020, và tăng 13-14% so với mức trung bình tháng thông thường. Sản lượng nửa đầu tháng 5 có thể tốt hơn nữa. Kết quả kinh doanh ấn tượng đầu quý 2/2021 nhờ các biện pháp gần đây của Chính phủ nhằm giải quyết nạn buôn lậu xăng dầu, đặc biệt là ở khu vực miền Nam.

Ngoài ra, trong số 80 trạm xăng dầu mở mới trong năm 2021, Công ty đã mở 20 trạm trong quý 1, tương đương 1% tổng số trạm xăng dầu đang hoạt động. Điều này cũng giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ chung.

Đối với các mảng khác, lợi nhuận trước thuế mảng nhiên liệu máy bay giảm 75% so với cùng kỳ, xuống còn 35 tỷ đồng từ mức cao trong quý 1/2020 – thời điểm ngành hàng không chưa chịu tác động đáng kể từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, lợi nhuận từ LPG và hóa dầu hồi phục mạnh, tương ứng tăng 100% và 44% so với cùng kỳ. Điều này chủ yếu có thể là do nhu cầu phục hồi và sự ổn định của giá dầu cũng như tỷ giá.

Bên cạnh kinh doanh, việc bán cổ phiếu quỹ giúp củng cố vị thế tiền mặt của PLX. Cụ thể, khoản tiền thu được từ việc bán khoảng 53 triệu cp quỹ trong 12 tháng qua đã giúp PLX có cân đối tiền mặt dương (tiền mặt + đầu tư ngắn hạn – tổng nợ vay) là 3.6 ngàn tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2021, đối lập với mức âm 1.14 ngàn tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2020. Điều này giúp giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu từ 0.74x còn 0.57x trong kỳ và giảm 30% chi phí lãi vay còn 144 tỷ đồng trong quý 1/2021.

Cần lưu ý rằng, PLX đang dự kiến bán 50 triệu cp quỹ còn lại, tương ứng 4% số lượng cổ phiếu đang lưu hành trong năm 2021. Công ty đã đăng ký bán 25 triệu cp quỹ trong giai đoạn 24/5-26/6/2021. ENEOS, cổ đông lớn thứ hai đã đăng ký mua 25 triệu cp. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của cổ đông này tại PLX sẽ tăng từ 10.94% lên 12.9%.

Trong năm 2021, PLX dự định sẽ hoàn tất việc thoái vốn (40% cổ phần) tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGB). Ban lãnh đạo cho rằng kế hoạch chuyển nhượng cổ phiếu PGB cho đối tác khác sẽ khả thi hơn nhiều so với kế hoạch M&A cũ với HDB. PLX đang làm việc với đơn vị tư vấn để ước tính giá hợp lý cho PGB nhưng giá thoái vốn sẽ không thấp hơn giá thị trường do hiện nay thị giá cổ phiếu PGB đang cao hơn 27% so với giá trị sổ sách.

Với những triển vọng trên, SSI khuyến nghị PLX khả quan với giá mục tiêu 67,000 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Mua VHC với giá mục tiêu 47,000 đồng/cp

Theo CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) có kết quả kinh doanh quý 1/2021 tiếp tục suy giảm về lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu của VHC ghi nhận 1,788 tỷ đồng, tăng 9.3% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt 131 tỷ đồng, giảm 13.5%, tương đương mức thực hiện 20.7% và 18.7% kế hoạch cả năm.

Ba tháng đầu năm 2021, sản phẩm phi lê cá tra của VHC chưa cho thấy sự phục hồi khi doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ (1%), đạt 1,199 tỷ đồng. Nguyên nhân là do VHC tăng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dù giá bán thấp hơn thị trường Mỹ. Đồng thời, sản phẩm Collagen và Gelatin có tốc độ tăng trưởng chậm so với quá khứ khi nhu cầu tiêu thụ Gelatin chưa hồi phục.

Cước phí vận chuyển tăng mạnh cũng gây trở ngại cho Công ty khi làm tăng chi phí vận chuyển, lưu kho trong kỳ lên 76 tỷ đồng, tương ứng tăng 181% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, BSC kỳ vọng xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi mạnh mẽ vào 6 tháng cuối năm nhờ nhu cầu hồi phục khi cuộc sống dần quay trở lại bình thường sau khi việc triển khai vắc xin Covid-19 đạt được hiệu quả, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Doanh thu tháng 4 của VHC đạt 799 tỷ đồng (tăng 61% so với cùng kỳ) với mức tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Mỹ (với 289 tỷ đồng doanh thu, tương ứng mức tăng 130%) và Trung Quốc (với 158 tỷ đồng doanh thu, tăng 246%) do doanh thu cùng kỳ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid–19.

Ngoài ra, nhu cầu hồi phục trong bói cảnh nguồn cung cá tra khó có thể mở rộng trong ngắn hạn, giúp VHC có khả năng tăng giá bán khi nhu cầu tăng trưởng trở lại.

Từ triển vọng trên, BSC khuyến nghị mua VHC với giá mục tiêu 47,000 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

SHB kém khả quan với giá mục tiêu 25,050 đồng/cp

Theo CTCK SSI, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) có kết quả kinh doanh quý 1/2021 rất khả quan, với tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế đạt 2.6 ngàn tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ) và 1.7 ngàn tỷ đồng (tăng 113.5%). Lợi nhuận trước thuế đã thực hiện được 28.6% kế hoạch năm 2021 (5.83 ngàn tỷ đồng), nhờ tăng trưởng mạnh mẽ về thu nhập lãi thuần (tăng 32%), thu nhập ngoài lãi (tăng 98%), CIR giảm mạnh về mức 34.9% từ mức 58% trong quý 1/2020.

Tuy nhiên, NIM không còn duy trì mức cao trong quý 4/2020. Cụ thể, từ đầu năm 2021, SHB đã triển khai một số gói cho vay có lãi suất ưu đãi 5.9%-7.7% đối với vay sản xuất và kinh doanh và 8.5%-9.2% đối với vay mua ô tô. Tuy nhiên, lãi suất này chỉ áp dụng cho 3-6 tháng đầu tiên của khoản vay và sẽ tăng lên từ 10% - 12% tùy theo mục đích và kỳ hạn vay. Do đó, lợi suất cho vay đã giảm khá mạnh trong quý 1/2021.

Mặt khác, lãi suất huy động của ngân hàng này hầu như không đổi trong quý 1/2021, nhưng chi phí lãi vay tăng 22% so với quý trước. SHB cho biết mặc dù tổng huy động và chứng chỉ tiền gửi tại thời điểm 31/3/2021 giảm 0.8% tính từ đầu năm nhưng số dư tiền gửi bình quân quý 1/2021 tăng khá mạnh, khiến chi phí lãi tăng. Nguyên nhân khác là do CASA giảm từ 9.7% còn 8.6%.

Trong kỳ, chi phí hoạt động của SHB giảm 17% so với cùng kỳ giúp CIR quý 1/2021 giảm xuống 34.9% (so với 57.9% trong quý 1/2020). Hoàn nhập từ xử lý nợ xấu trong quý 1/2021 tăng lên 70 tỷ đồng – gấp 7 lần quý 1/2020. Sau NII, chi phí hoạt động giảm và hoàn nhập từ xử lý nợ xấu tăng là 2 yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 tăng 113.5%. SHB đặt kế hoạch CIR giảm còn 34.7% (từ 35.2% trong 2020) trong 2021.

SSI ước tính lợi nhuận trước thuế 2021 của SHB sẽ đạt 6.06 ngàn tỷ đồng (tăng 85.5% so với năm 2020). Mức dự phòng này tăng 7% so với ước tính trước của SSI. CTCK này giải thích việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho SHB và giảm nhu cầu huy động vốn.

Trong năm 2022, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của SHB sẽ đạt 7.4 ngàn tỷ đồng (tăng 22.6% so với dự phóng của năm 2021), dựa trên tăng trưởng tín dụng và huy động là 20% và 18% so với cùng kỳ. NIM ước tính giảm 4 điểm % còn 3.11% và CTCK này cũng ước tính SHB sẽ xử lý hết trái phiếu VAMC và tài sản tồn đọng vào cuối năm 2022.

Dự phóng kết quả kinh doanh của SHB giai đoạn 2021-2022
Nguồn: SSI

Dựa trên các dự phóng, SSI đưa ra giá mục tiêu 1 năm của SHB là 25,050 đồng/cp, tăng 25% so với giá mục tiêu trước nhưng lại thấp hơn 22.7% so với giá ngày lập báo cáo (03/06). Do đó, SSI khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu SHB.

Xem thêm tại đây

Hà Lễ 

FILI