Bảo hiểm Quân đội đạt 5,638 tỷ đồng tổng doanh thu năm 2022

Kết thúc năm 2022, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HOSE: MIG) ghi nhận tổng doanh thu đạt 5,638 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc đạt 5,204 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.

Bảo hiểm Quân đội đạt 5,638 tỷ đồng tổng doanh thu năm 2022

Kết thúc năm 2022, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HOSE: MIG) ghi nhận tổng doanh thu đạt 5,638 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc đạt 5,204 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.

Ngày 12/01/2022, tại lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất và Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2022, lãnh đạo MIC cho biết: “Năm 2022, thị trường bảo hiểm diễn biến phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, MIC đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu đạt 5,638 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc đạt 5,204 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Theo đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc của MIC gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ. MIC cũng tiếp tục giữ vị trí top 5 về thị phần ngành bảo hiểm phi nhân thọ”.

Với những kết quả đã đạt được, Bảo hiểm Quân đội đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh và cung cấp sản phẩm đặc thù phục vụ lĩnh vực an ninh quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố Quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội tiền thân là CTCP Bảo hiểm Quân đội, được thành lập ngày 08/10/2007 theo Quyết định số 871/BQP của Quân ủy Trung ương và giấy phép số 43GP/KDBH của Bộ Tài Chính. Chính thức hoạt động từ 08/10/2007, MIC có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, doanh thu năm đầu tiên 100 tỷ đồng. Sau 15 năm, MIC tăng vốn điều lệ lên mức 1,644.5 tỷ đồng. MIC là doanh nghiệp bảo hiểm có hệ thống mạng lưới rộng với 70 công ty thành viên, hơn 467 phòng kinh doanh và 4,200 đại lý bảo hiểm được ủy quyền trên toàn quốc. 

Với xuất thân từ Bộ Quốc phòng, MIC đã phát triển các sản phẩm bảo hiểm đặc thù phục vụ quân đội, chiến sỹ, quân nhân. Đồng thời, MIC cũng mở rộng danh mục với 160 sản phẩm: Bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa, con người,… đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, số hóa các sản phẩm bảo hiểm nhằm mục tiêu đơn giản, thuận tiện cho hàng triệu khách hàng.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến ngày 12/12/2022, thị trường bảo hiểm có 79 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, với tổng tài sản ước đạt 811,312 tỷ đồng, tăng 14.51% so với năm 2021. Trong đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 117,229 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 694,083 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của 79 doanh nghiệp ước đạt 162,814 tỷ đồng, tăng 3.83% so với năm 2021. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 37,392 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 125,422 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251,306 tỷ đồng, tăng 15.09% so với năm 2021.

Cũng trong năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64,018 tỷ đồng, tăng 23.29% so với năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chi trả khoảng 23,418 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả 40,600 tỷ đồng. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 656,423 tỷ đồng (tăng 12.56% so với năm 2021).

Trong năm 2022, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 526,559 tỷ đồng, tăng 14.6% so với năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 32,901 tỷ đồng, các doanh nghiệp nhân thọ ước đạt 493,658 tỷ đồng.

Dựa trên những kết quả đạt được trong năm 2022, Bộ Tài chính dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm đạt khoảng 15% trong năm 2023.

Khang Di

FILI