Các Chủ tịch ngân hàng đang sở hữu bao nhiêu vốn?

Vốn dĩ người ngồi ghế Chủ tịch HĐQT thường là chủ doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu lớn nhất. Tuy nhiên, đối với ngân hàng, câu chuyện sở hữu này lại hoàn toàn khác khi vẫn có một số ông chủ thực sự đứng phía sau, chứ không trực tiếp nắm quyền điều hành ngân hàng.

Các Chủ tịch ngân hàng đang sở hữu bao nhiêu vốn?

Vốn dĩ người ngồi ghế Chủ tịch HĐQT thường là chủ doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu lớn nhất. Tuy nhiên, đối với ngân hàng, câu chuyện sở hữu này lại hoàn toàn khác khi vẫn có một số ông chủ thực sự đứng phía sau, chứ không trực tiếp nắm quyền điều hành ngân hàng.

Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2021 của các ngân hàng cho thấy, Chủ tịch HĐQT VPBank – ông Ngô Chí Dũng và những người liên quan nắm giữ đến hơn 500 triệu cp VPB, tương đương 19.78% vốn cổ phần ngân hàng. Chiếu theo thị giá cuối phiên 06/08/2021, khối tài sản này có giá trị gần 30,322 tỷ đồng.

Chỉ riêng sở hữu cá nhân của vị Chủ tịch này đã lên đến 121.69 triệu cp VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu là 4.81%. Đây cũng là số cổ phần lớn nhất trong số các Chủ tịch ngân hàng sở hữu.

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Khi Chủ tịch “làm thuê”

Tại Bac A Bank, tuy là Phó Chủ tịch HĐQT nhưng bà Thái Hương nắm giữ tỷ lệ 4.295% cổ phần Ngân hàng, tương đương hơn 30.43 triệu cp.

Không những thế, bà Thái Hương và người có liên quan cũng nắm giữ hơn 107.09 triệu cp BAB, tương đương sở hữu 15.11% vốn Ngân hàng.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thoảng – Chủ tịch HĐQT Bac A Bank chỉ sở hữu cá nhân hơn 22.56 triệu cp, chiếm 3.18% vốn tại đây. Cả sở hữu của bà Thoảng cùng chồng và con gái chiếm 5.07% vốn Bac A Bank, tương đương gần 35.93 triệu cp.

Tại Saigonbank, Chủ tịch HĐQT Vũ Quang Lãm không nắm cổ phần nào của Ngân hàng. Trong khi đó, 4 cổ đông lớn của Saigonbank bao gồm Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm 18.19% vốn (56.01 triệu cp), Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16.64% (51.25 triệu cp), Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu 14.081% vốn (43.37 triệu cp) và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa chiếm 16.352% vốn (50.36 triệu cp).

Chủ tịch HĐQT thường là người đại diện theo pháp luật, song, Chủ tịch cũng chưa hẳn đã là người nắm giữ nhiều vốn nhất. Pháp luật hiện hành chỉ quy định Chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu ra, nhưng không quy định đó phải là người sở hữu cổ phần ngân hàng nhiều nhất. Cũng vì lẽ đó, chủ sở hữu nhà băng tại Việt Nam rất đa dạng, nhiều “ông chủ” thực sự không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất ngân hàng.      

Áp trần sở hữu của chủ ngân hàng

Căn cứ Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, các cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5%, với tổ chức không vượt quá 15%. Đồng thời, đảm bảo tổng sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông liên quan không vượt quá 20% vốn ngân hàng.

Để đảm bảo quy định trên, các cổ đông lớn của ngân hàng đã bán bớt cổ phần, hoặc “xé” nhỏ số cổ phần, chuyển nhượng lại cho “người thân”  hoặc tổ chức không thuộc diện “bên liên quan” nắm giữ.

Như vậy, sẽ rất khó xác định tổng sở hữu thực sự của cổ đông lớn nếu họ sang tên cổ phần cho những “người thân” theo mối quan hệ rất đa dạng, kể cả  họ hàng không thuộc định nghĩa “người liên quan”. Hoặc cổ đông tổ chức nắm sở hữu lớn nhưng lại không còn là bên liên quan của Chủ tịch, Phó Chủ tịch ngân hàng…

Đơn cử như tại ACB, hồi cuối tháng 2/2019, bên chuyển nhượng là 3 người thân của ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB, đó là: ông Trần Mộng Hùng (ba ruột Chủ tịch), ông Trần Minh Hoàng (em trai Chủ tịch) và bà Trần Đặng Thu Thảo (chị gái Chủ tịch).

Trong đó, ông Trần Mộng Hùng đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu ACB trực tiếp sở hữu (gần 23 triệu cp) cho CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen (Giang Sen).

Bà Trần Đặng Thu Thảo chuyển nhượng hơn 12.7 triệu cp cho CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn (Vân Môn).  Ông Trần Minh Hoàng đã chuyển nhượng số cổ phần còn lại hơn 28.7 triệu cp cho CTCP Đầu tư Thương Mại Bách Thanh (Bách Thanh). Các giao dịch đều được cho biết là nhằm mục đích góp vốn.

Cả 3 pháp nhân nhận chuyển nhượng nêu trên  đã gây nhiều sự chú ý bởi những đặc điểm tương đồng, khi đều đăng ký vốn điều lệ ở mức 5 tỷ đồng, cùng chung địa chỉ trụ sở chính của ACB tại số 480 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 2, Quận 3, TP. HCM.

Và quả thực, việc chuyển nhượng cổ phiếu ACB nêu trên đã giúp tổng tỷ lệ sở hữu của ông Trần Hùng Huy và bà Đặng Thu Thủy (mẹ ruột) chỉ dừng ở mức 4.62% vốn điều lệ của nhà băng này - đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ sở hữu theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ái Minh

FILI