Các ông lớn ngành dược phẩm có quý kinh doanh khả quan

Bức tranh kinh doanh quý 3/2021 của nhóm doanh nghiệp dược phẩm có gam màu sáng với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt xấp xỉ 10% nhờ sự dẫn dắt của các ông lớn trong ngành như DHG, TRA hay DVN.

Các ông lớn ngành dược phẩm có quý kinh doanh khả quan

Bức tranh kinh doanh quý 3/2021 của nhóm doanh nghiệp dược phẩm có gam màu sáng với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt xấp xỉ 10% nhờ sự dẫn dắt của các ông lớn trong ngành như DHG, TRA hay DVN.

Trong 23 doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên công bố BCTC quý 3/2021, đã có 14 đơn vị báo lãi tăng, 7 đơn vị sụt giảm lãi và 2 doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ (tính trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM). Tổng lãi ròng đạt trên 608 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so cùng kỳ.

Các ông lớn đều báo lãi tăng trưởng

Trong quý vừa qua, Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) đã đem về 944 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so cùng kỳ. Công ty cho biết đã tập trung bán các sản phẩm chủ lực và sản phẩm cần thiết để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch bệnh Covid-19. Lãi gộp đạt 459 tỷ đồng, tăng 16%. DHG báo lãi ròng 201 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ.

Kết thúc giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, DHG ghi nhận doanh thu đạt 2,910 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ và hoàn thành 73% kế hoạch năm; trong đó doanh thu hàng sản xuất chiếm 2,499 tỷ đồng. Công ty báo lãi trước thuế 675 tỷ đồng và lãi ròng 606 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ và thực hiện 82% kế hoạch. Biên lãi gộp giai đoạn 9 tháng đầu năm của DHG ghi nhận 47.2%, thấp hơn so với 48.9% cùng kỳ. Biên lãi gộp thu hẹp trong năm 2021 do xu hướng giá nguyên vật liệu tăng.

Đại diện nhóm đông dược, Traphaco (HOSE: TRA) ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2021 đạt 568 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ. Đây là động lực cho kết quả lãi ròng tăng 34% của doanh nghiệp dược phẩm, đạt 65 tỷ đồng. TRA cho biết trong quý vừa qua, Công ty đã có chính sách bán hàng hợp lý, hệ thống phân phối ổn định giúp doanh thu thuần tăng 24%, đạt 568 tỷ đồng. Lãi gộp thu được 296 tỷ đồng, tăng 19%. Nhờ đó, TRA báo lãi ròng quý 3/2021 gần 65 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ.

Nguồn: VietstockFinance

Đóng vai trò gạo cội trong ngành, Tổng Công ty Dược Việt Nam (UPCoM: DVN) cũng có quý kinh doanh khả quan với lãi ròng 45 tỷ đồng, tăng 49% so cùng kỳ. Kết quả của DVN chủ yếu nhờ việc tiết giảm chi phí, nhất là chi phí tài chính thu hẹp 88% về chỉ còn chưa đầy 6 tỷ đồng.

Đến cuối quý 3, DVN đang có 4 công ty con và 8 công ty liên kết. Tỷ lệ sở hữu tại 4 công ty con dao động từ 60-65%, bao gồm: Dược phẩm Trung ương CPC1 (UPCoM: DP1), Dược Trung ương 3 (UPCoM: TW3), Dược phẩm Trung ương Codupha (UPCoM: CDP) và Công ty TNHH Dược phẩm Codupha Lào.

Nói về con số tương đối, ấn tượng nhất chính là Dược phẩm Trung Ương 1- Pharbaco (UPCoM: PBC) với tỷ lệ tăng lãi đến gần 1,600 lần. Doanh thu tăng gấp rưỡi giúp PBC đem về 7 tỷ đồng lãi ròng, khác biệt so với con số khiêm tốn 4 triệu đồng trong quý 3 năm trước.

Kết quả kinh doanh quý 3/2021 của một số doanh nghiệp dược phẩm. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó trước dịch Covid

Ở góc nhìn bi quan, ngành dược đã ghi nhận 6 đơn vị báo sụt giảm lãi 2 chữ số và 2 đơn vị thua lỗ.

Như trường hợp của Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường bị ngưng trệ làm cho doanh thu sụt giảm, chi phí đầu vào tăng. Lãi ròng quý 3/2021 theo đó giảm 38% so cùng kỳ, đem về 31 tỷ đồng.

Hay Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (HNX: PMC), Công ty phải tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của Thành phố HCM, nên doanh thu quý 3/2021 giảm 59% và lãi ròng giảm 84% so cùng kỳ.

Dược phẩm TW 25 (UPCoM: UPH) và Dược Lâm Đồng (HNX: LDP) là 2 đơn vị báo lỗ đầu tiên, lần lượt với 3 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.

UPH ghi nhận doanh thu giảm mạnh 33% do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển lưu thông hàng hóa cũng như sức tiêu thụ các mặt hàng của Công ty. Về phần LDP, kết quả trúng thầu năm nay thấp hơn năm trước và việc thực hiện giãn cách xã hội khiến doanh thu hàng thương mại bị sụt giảm.

PME kinh doanh đi ngang trước thềm hủy tư cách công ty đại chúng

Một diễn biến khác, mới đây ngày 21/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có thông báo hủy tư cách công ty đại chúng đối với Pymepharco (HOSE: PME) theo nguyện vọng của đơn vị này. UBCKNN đề nghị PME thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin cho tới thời điểm hủy tư cách công ty đại chúng theo quy định.

Trong 2 năm trở lại đây, lượng cổ phiếu PME lưu hành dần bị cổ đông ngoại Stada Service Holding B.V. thâu tóm. Hiện Statda đã nắm 99.53% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại PME và tiếp tục chào mua nốt 0.47% còn lại trôi nổi trên thị trường với giá 85,000 đồng/cp. Đây là bước đi đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2021. Mục đích nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông khi PME thực hiện hủy tư các đại chúng cũng như hủy niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Về tình hình kinh doanh, PME kinh doanh đi ngang trong quý 3/2021 với doanh thu 468 tỷ đồng và lãi ròng 79 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Công ty báo lãi ròng đạt 244 tỷ đồng, tăng 12%.

Ít hưởng lợi từ câu chuyện vaccine

Theo báo cáo cập nhật tháng 10/2021 của SSI Reasearch, rất ít doanh nghiệp ngành dược trong nước được hưởng lợi từ hoạt động nhập khẩu vaccine hoặc thuốc điều trị Covid. Mặc dù nhiều công ty dược Việt Nam đã thông báo được Chính phủ cho phép nhập khẩu vaccine, nhưng đến nay chỉ có VNVC thực hiện được do quy trình nhập khẩu rất phức tạp trong khi nguồn cung vaccine khan hiếm. Đối với việc sản xuất và nhập khẩu thuốc điều trị Covid, hầu hết nguồn cung đều được kiểm soát chặt chẽ bởi các công ty nhà nước, trừ trường hợp của Stellapharm (công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do Stada sở hữu) được chọn là công ty tư nhân đầu tiên sản xuất Molnupiravir (thuốc điều trị Covid chính) với quy mô lớn trong nước.

Có một số ít công ty khác trong nước như Traphaco (TRA) hoặc Phytopharma thì được hưởng lợi gián tiếp thông qua việc cung cấp các thực phẩm chức năng và đông dược, có tác dụng làm dịu đi các triệu chứng Covid như Xuyên tâm liên (giảm ho, giảm đờm), vitamin, nước muối sát khuẩn…

Đà tăng trưởng bất ngờ có thể đến vào năm 2022

SSI Research nhận định nhu cầu rất thấp trong năm 2021 sẽ là động lực cho tăng trưởng bất ngờ trong năm 2022 của ngành dược. Năm 2021, Việt Nam đã trải qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng với các đợt giãn cách xã hội liên tiếp kéo dài gần 4 - 6 tháng ở một số tỉnh, các chuyên gia ước tính có thể khiến doanh thu dược phẩm giảm mạnh so với năm 2018. Trong năm 2022, với khả năng cao mở cửa trở lại một phần hoặc toàn bộ, cùng với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng mở rộng trong toàn dân Việt Nam, các công ty dược sẽ đạt được kết quả lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ và có thể đạt mức trước dịch Covid.

Duy Na

FILI