Cáp treo Núi Bà Tây Ninh báo lãi ròng nửa năm giảm hơn 90%

CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (HOSE: TCT) vừa công bố BCTC bán niên 2020 với kết quả kinh doanh ảm đạm. Điều này dường như nằm trong dự đoán khi lượt khách tham gia dịch vụ cáp treo và xe trượt ống của Công ty suy yếu rõ rệt vào quý 2 do tác động của dịch Covid-19. Ngoài ra, việc quyết định tạm dừng hoạt động 2 dịch vụ trên trong tháng 8 cho thấy kết quả kinh doanh của Công ty sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn.

Cáp treo Núi Bà Tây Ninh báo lãi ròng nửa năm giảm hơn 90%

CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (HOSE: TCT) vừa công bố BCTC bán niên 2020 với kết quả kinh doanh ảm đạm. Điều này dường như nằm trong dự đoán khi lượt khách tham gia dịch vụ cáp treo và xe trượt ống của Công ty suy yếu rõ rệt vào quý 2 do tác động của dịch Covid-19. Ngoài ra, việc quyết định tạm dừng hoạt động 2 dịch vụ trên trong tháng 8 cho thấy kết quả kinh doanh của Công ty sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn.

Doanh thu thuần của TCT sau nửa năm đạt gần 37 tỷ đồng, giảm mạnh 73% so với cùng kỳ năm trước, đến từ việc 2 dịch vụ cốt lõi của Công ty là vận chuyển bằng cáp treo và máng trượt vắng khách. Dù vậy, giá vốn của Công ty khó lòng điều chỉnh theo, dẫn đến lãi gộp chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng, cách xa so với mức 89 tỷ đồng cùng kỳ.

Nhờ có sự đóng góp của lãi tiền gửi, lãi cho vay mà doanh thu tài chính của Công ty tăng cao, cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm, giúp lãi thuần từ HĐKĐ nâng lên mức 8 tỷ đồng, nhưng so cùng kỳ vẫn cách biệt rất xa, giảm 92%.  

Kết quả kinh doanh bán niên của Cáp treo Núi Bà Tây Ninh
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC bán niên 2020 của TCT

Hơn nữa, vào ngày 10/08 vừa qua, TCT đã quyết định tạm dừng hoạt động hệ thống cáp treo và xe trượt ống từ ngày 10-31/08/2020 nhằm phòng dịch Covid-19 và tiết kiệm chi phí hoạt động. Có thể thấy, quyết định này là hợp lý trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát triệt để, thậm chí đang nhen nhóm nguy cơ bùng phát mạnh. Trong điều kiện trên, TCT sẽ tiếp tục gặp phải không ít khó khăn.

Tổng tài sản của TCT tại thời điểm cuối quý 2 đạt 372 tỷ đồng, tăng nhẹ 4 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là tài sản ngắn hạn, đạt 308 tỷ đồng, tăng 10% so đầu năm, do phải thu về cho vay ngắn hạn tăng 126%, đạt 226 tỷ đồng và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 74% còn 31 tỷ đồng. Đối với tài sản dài hạn, việc khấu hao tài sản hữu hình là nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm.

Nợ phải trả của Công ty tại ngày 30/06/2020 gần 20 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm và chỉ chiếm 5% tổng tài sản.

Mặc dù kết quả kinh doanh kém lạc quan nhưng lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD sau 6 tháng đầu năm vẫn ghi nhận mức 18 tỷ đồng, gấp 3 lần lãi ròng.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu TCT vẫn đang trượt dài sau khi kết thúc đà tăng vào tháng 3/2018, hiện đang giao dịch tại mức 24,800 đồng/cp (kết phiên 13/08/2020). Khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 6,000 cp/phiên trong 1 năm trở lại đây.

Diễn biến giá cổ phiếu TCT trượt dài từ năm 2018

Như Xuân 

FILI