CEO HSBC tại Việt Nam: Cần kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" sáng ngày 17/9, Ông Tim Evans, CEO HSBC cho biết Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.

CEO HSBC tại Việt Nam: Cần kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" sáng ngày 17/9, Ông Tim Evans, CEOHSBC cho biết Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.

Ông Tim Evans, CEOHSBC: Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Tim Evans, CEOHSBC tại Việt Nam: Chúng ta đang sống trong giai đoạn khó khăn. Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu vẫn tiếp tục với dữ liệu toàn cầu tháng 8 gần đây cho thấy giá hàng hóa chủ chốt bao gồm năng lượng tăng mạnh.

Được dẫn đầu bởi Fed, các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thực hiện các biện pháp thắt chặt và điều này được cho là sẽ dẫn đến suy thoái từng phần và không đồng đều ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Dự kiến GDP của Anh, các nước vùng dùng đồng tiền euro và kể cả Hoa Kỳ sẽ giảm. Có một sự chuyển dịch nhu cầu rõ ràng từ hàng hóa sang dịch vụ cùng với việc dự trữ hàng tồn kho cho thấy xuất khẩu từ châu Á sang phương Tây đang chậm lại. Điều này đặc biệt được ghi nhận trong lĩnh vực điện tử, nơi chúng ta nhận thấy nhu cầu đối với cả điện tử tiêu dùng và điện tử công nghiệp đều giảm trong nửa đầu năm 2022. Giá lương thực chiếm tới 25% trong CPI của nhiều nước châu Á. Tính không ổn định đang tác động đến chi tiêu đầu tư. Tuy nhiên, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn. Các diễn giả trước đã nói rất nhiều về sự quản lý hiệu quả của Chính phủ, về những chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam. Quan trọng hơn là các khoản FDI mà Việt Nam nhận được là một minh chứng cho thấy thương hiệu của Việt Nam rất uy tín. Việt Nam đã có thương hiệu trong giai đoạn COVID-19 là đất nước chống dịch tốt. Và bây giờ Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.

Chúng tôi có khuyến nghị cập nhật các khuôn khổ pháp lý về thuế để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam và đưa Việt Nam ra chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy các hoạt động sản xuất chuỗi cung ứng giá trị cao được triển khai tại Việt Nam để có thể đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất của của thế giới. Tỉ trọng FDI trong GDP của Việt Nam thuộc hàng top của thế giới. Chúng ta cần phải duy trì lợi thế này.

Chúng tôi khuyến nghị cho Việt Nam như sau: Cần thúc đẩy trao đổi thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp FDI để làm rõ các quy định và chính sách liên quan đến dòng vốn, tài trợ, việc thành lập doanh nghiệp và các ưu đãi cụ thể theo ngành liên quan đến thu hút FDI. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI tiềm năng và các công ty FDI hiện tại hiểu rõ hơn về môi trường địa phương.

Các nhà đầu tư trung bình cần 6-9 tháng để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trong khi kỳ vọng của họ chỉ có 3 tháng. Các nhà đầu tư tại Việt Nam được hưởng lợi từ 15 hiệp định thương mại tự do FTA đã ký, cho phép tiếp cận 55 thị trường, trong đó có 15 thị trường thuộc khối G20. Việc tích cực quảng bá các FTA này do các Bộ, ngành liên quan thực hiện, sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng. Chúng ta cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới.

Khi Việt Nam tiếp tục thăng hạng giá trị, sự sẵn có của nguồn lao động lành nghề là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tập trung vào phát triển nhiều lao động có kỹ năng hơn sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy và thu hút đầu tư giá trị cao vào các lĩnh vực có giá trị cao như bán dẫn, kỹ thuật ô tô, fintech, logistic…

Các diễn giả cũng đề cập đến cơ sở hạ tầng. Phát triển cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để Việt Nam thu hút được FDI trong thời gian tới.

Là ngân hàng quốc tế hàng đầu với sự hiện diện tại 63 quốc gia, chúng tôi hoạt động mạnh mẽ tại các thị trường là đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông… Chúng tôi có Biên bản ghi nhớ với FIA để cùng hợp tác đưa Việt Nam tới các doanh nghiệp thông qua mạng lưới toàn cầu và qua đó làm nên câu chuyện về tăng trưởng kinh tế và FDI của Việt Nam.

Chủ tịch Amcham: Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất lạc quan về triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022

Ông John Rockhold, Chủ tịch Toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham): Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi rất lạc quan về triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông John Rockhold, Chủ tịch Toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi rất lạc quan về triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022. Trước những khó khăn trên toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả phát triển kinh tế vừa rồi cũng như năng lực rất quan trọng của Việt Nam để chúng ta có thể duy trì được các cán cân về đầu tư và các chỉ số.

Chúng tôi cũng vui mừng vì Việt Nam đã quản lý hiệu quả những thách thức toàn cầu, bao gồm đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, suy thoái kinh tế nghiêm trọng cũng như lạm phát tăng cao trên toàn cầu.

Việt Nam cũng đã triển khai tiêm vaccine toàn diện, kịp thời và mở cửa trở lại, từng bước khôi phục nền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu cũng vẫn còn thách thức nhất định. Bên cạnh đó, chính sách về đầu tư của Việt Nam đang rất cạnh tranh và có thể thu hút nguồn đầu tư rất lớn, cũng như các quy định liên quan đến đầu tư của chúng tôi và nhiều quốc gia khác. Chúng tôi tin tưởng rằng, điều này sẽ cho chúng ta một môi trường đầu tư minh bạch, có thể dự đoán được cũng như tinh giản được các thủ tục về đầu tư, không chỉ thu hút đầu tư mà tiếp tục duy trì phát triển nguồn đầu tư trong nước.

Chúng ta luôn luôn cần có một kế hoạch tổng thể liên quan đến đầu tư để có thể đưa các nguồn đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, trong đó có đầu tư bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.

Chúng tôi cũng rất hoan nghênh những chính sách của Việt Nam có thể giảm thuế cũng như tạo ra các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư.

Chúng tôi đã hoạt động 25 năm tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có sự tham gia của khối tư nhân vì đây là nguồn rất quan trọng để thúc đẩy đầu tư thương mại.

Chính phủ Việt Nam cũng sẽ cần phải phê duyệt một dự án quy hoạch điện 8 mới, minh bạch, hữu dụng, để có thể dọn đường cho việc chuyển sang năng lượng xanh, sạch. Việc sử dụng các turbine gió cũng như các cánh đồng năng lượng mặt trời cũng chưa được đưa vào mạng lưới điện. Chúng tôi không muốn đặt gánh nặng lên nền kinh tế của Việt Nam cũng như làm giá điện ở Việt Nam tăng cao. Chúng tôi chỉ mong rằng chúng ta có một lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi năng lượng. Chúng tôi hy vọng rằng, Chính phủ có thể đưa đại diện khối tư nhân và đại diện khối ngân hàng vào tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển điện xanh và bền vững.

Chúng tôi cũng hoan nghênh việc chuyển đổi số trong nền kinh tế của Việt Nam và để Việt Nam hoàn toàn thực hiện hóa được tầm nhìn này, cần phải có một cách tiếp cận toàn diện để tạo ra một khung chính sách và quy định đảm bảo rằng tất cả người dùng Việt Nam cũng như các nhà cung cấp dịch vụ sẽ được hưởng cơ chế có lợi cho họ.

Amcham cũng đã cung cấp một số phản hồi về một số quy định liên quan đến không gian kinh tế số. Hiện nay, những quy định đang bỏ qua hiệu quả kinh tế do các mô hình kỹ thuật số mang lại. Các doanh nghiệp đang quan ngại liệu các quy định có phù hợp với mục tiêu của Chính phủ và có lợi cho họ không. Chúng tôi hy vọng, Chính phủ sẽ lấy tham vấn của các doanh nghiệp, có bản dự thảo để chúng tôi đóng góp ý kiến.

Chúng tôi hy vọng, ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cũng có thể được cải thiện và chúng tôi cũng mong chúng ta sẽ chấp thuận và phê duyệt cho một số loại thuốc có thể lưu hành cũng như việc cung cấp trang thiết bị cho các bệnh viện ở Việt Nam.

Việc sửa đổi Luật Dược cũng như các quy định rất quan trọng và sẽ làm cho Việt Nam có thể tiếp tục tiến trình hội nhập của mình.

Nhật Quang

FILI