Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, cổ phiếu nhóm nào hưởng lợi?

Tổng mức vốn ngân sách Nhà nước kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã nâng lên 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 44% so với số thực hiện giai đoạn 2016-2020. Mức vốn này đã được Quốc hội thông qua vào ngày 28/7/2021, tập trung vào các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, vành đai 3 TPHCM, vành đai 4 Hà Nội.

NĂM BẢN LỀ ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ CÔNG

Với tốc độ giải ngân chậm năm 2021-2022, ước tính lượng giải ngân đầu tư công bình quân giai đoạn 2023-2025 để hoàn thành kế hoạch cả giai đoạn khoảng 600 – 700 nghìn tỷ đồng. Do đó, năm 2023 sẽ là năm bản lề các dự án đầu tư công được đẩy mạnh sau khi bị đình trệ bởi dịch Covid – 19, giá nguyên vật liệu tăng cao.

Trong năm 2023, Chính phủ nâng tổng vốn đầu tư công lên 700 nghìn tỷ đồng tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Số vốn này đã bao gồm vốn cho các dự án trong Chương trình phục hồi và phát tiển kinh tế xã hội.

Giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH: Chương trình có tổng quy mô 347.000 tỷ đồng với 2 năm thực hiện 2022-2023 và năm 2022 mới chỉ giải ngân được khoảng 20%. Số vốn kỳ vọng sẽ được giải ngân mạnh trong năm 2023, trong đó vốn chi phát triển hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn nhất (33%) trong tổng quy mô nhưng hiện tại vẫn chưa giải ngân được.

Chính phủ cũng đang tập trung dồn lực xây dựng các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm. Mức phân bổ vốn NSNN cho hạ tầng giao thông chiếm gần 50% kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025.

Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, cổ phiếu nhóm nào hưởng lợi? - Ảnh 1

Mới đây, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 5 dự án giao thông trọng điểm (Vành đai 3 TP. HCM, Vành đai 4 TP. Hà Nội, cao tốc Châu Đốc – Trần Đề, Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu trong cuộc họp QH khóa XV nâng tổng dự án đầu tư lên 6 với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Dự kiến sẽ có 4 dự án trọng tâm được triển khai và đẩy mạnh gồm Dự án chuyển tiếp cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1; cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2; cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành; vành đai 3.

Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản giúp thúc đẩy đầu tư công và thành lập các tổ công tác để kiểm tra, đốc thúc giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, việc Quy hoạch phát triển vùng/địa phương đang được tích cực triển khai kỳ vọng sẽ là chất xúc tác mạnh để triển khai dự án mới.

CỔ PHIẾU NHÓM NÀO HƯỞNG LỘC?

Việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics, theo đánh giá của Agriseo.

Trong báo cáo triển vọng nhóm đầu tư công, các chuyên gia phân tích của Agriseo nhấn mạnh, đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động. Theo tính toán của Tổng cục thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.

Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, cổ phiếu nhóm nào hưởng lợi? - Ảnh 2

Nhóm vật liệu xây dựng được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án. Mặc dù vậy, đặc thù của từng ngành khiến mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp là khác nhau.

Với ngành thép, doanh nghiệp cung ứng thép xây dựng được hưởng lợi. Với các ngành mà chi phí vận chuyển tác động lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như xi măng và đá xây dựng, các doanh nghiệp có thị phần lớn và có vị trí gần các dự án đang triển khai sẽ được hưởng lợi tốt hơn phần còn lại của ngành.

Về mức độ cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng (thép, xi măng), biến động chi phí nguyên liệu đầu vào như giá than có thể ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Mặc dù vậy, sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại được dự báo sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho 1 vài nhóm ngành như thép và xi măng.

Trong khi giá thép có thể sẽ dừng đà giàm và dần bước vào chu kỳ tăng giá trở lại, nhu cầu và điều kiện nhập khẩu của clinker của Trung Quốc được cải thiện sẽ làm giảm bớt áp lực dư cung của thị trường xi măng khu vực phía Bắc.

Nhóm thứ hai được đánh giá là hưởng lợi gồm xây dựng hạ tầng kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp khi các dự án đầu tư công trọng điểm đi vào triển khai. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nhu cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, sân bay Long Thành được triển khai sẽ giúp các nhà thầu xây dựng (đặc biệt là những nhà thầu có kinh nghiệm thi công dự án).

Tuy nhiên rủi ro của ngành tới từ việc (1) Giá nguyên vật liệu có thể tăng trở lại, trong bối cảnh Trung Quốc đang mở cửa nền kinh tế làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ thép, (2) Thời tiết giai đoạn đầu năm vẫn có khả năng mưa nhiều, ảnh hưởng tới tiến độ thi công chung, tuy nhiên rủi ro này có thể được tháo gỡ trong nửa cuối năm khi xác suất thời tiết nắng ráo cao hơn bất động sản dân dụng.

Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, cổ phiếu nhóm nào hưởng lợi? - Ảnh 3

Ngành bất động sản có thể được hưởng lợi gián tiếp ngay từ khi quy hoạch của các dự án đầu tư công lớn được thông qua. Điều này sẽ thu hút nhu cầu về bất động sản và nhà ở tại các khu vực, tỉnh thành lân cận với các dự án khi cơ sở hạ tầng được kỳ vọng hoàn thiện.- Các địa phương tiềm năng trong giai đoạn tới có thể kể tới: Miền Bắc (Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh), Miền Nam (tứ giác kinh tế Đông Nam bộ: Tp. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, BR-VT).

Một số doanh nghiệp có dự án lớn tại các khu vực trên: VHM, NVL, KDH, NLG, DIG, HDC, DXG.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bên cạnh đó ngành bất động sản cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro khác như trái phiếu doanh nghiệp, sửa đổi pháp lý, chính sách tín dụng thắt chặt. Việc hưởng lợi gián tiếp từ đầu tư công khó có thể trung hoà được các rủi ro kể trên trong ngắn hạn.

Nhóm Bất động sản Khu công nghiệp kỳ vọng thu hút thêm dòng vốn FDI đầu tư vào khu công nghiệp khi cơ sở hạ tầng giao thông, cao tốc được hoàn thiện sẽ giúp tăng tính liên thông giữa các vùng, các Khu công nghiệp.

Trong năm 2023, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục hưởng lợi từ dòng vốn dịch chuyển nhà máy sản xuất, hiệp định FTAs ký kết, các chính sách thu hút FDI. Tuy nhiên, dòng vốn FDI mới vào Việt Nam khả năng chưa thể phục hồi nhanh được khi kinh tế toàn cầu biến động, lạm phát tăng cao ảnh hưởng dòng vốn đầu tư của các quốc gia.

Do đó, nhóm doanh nghiệp có lợi thế về quỹ đất sẵn sàng cho thuê và năng lực tài chính ổn định kỳ vọng sẽ hưởng lợi.

Ngành logistics kỳ vọng có thể hưởng lợi gián tiếp khi đầu tư công được thúc đẩy, cơ sở hạ tầng được cải thiện. Các tuyến cao tốc sau khi hoàn thiện sẽ khiến hoạt động logistics thuận lợi hơn nhiều, qua đó là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Các đại dự án như Sân bay Long Thành cũng được kỳ vọng sẽ giúp nhóm vận tải hàng hóa, hàng khách khách được hưởng lợi từ gia tăng công suất khai thác.

Xem thêm tại vneconomy.vn