Chuyên gia VinaCapital bật mí nhóm cổ phiếu kỳ vọng

Nhà đầu tư cá nhân “cân” khối ngoại

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu tại thị trường tại VinaCapital vừa chia sẻ góc nhìn về thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính tới cuối tháng 7/2024, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 10% do kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết và do các nhà đầu tư trong nước mua mạnh cổ phiếu – trái ngược với việc bán ròng mạnh của khối ngoại trong năm nay.

Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng đa số trong khối lượng giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, chiếm trung bình 90% giá trị giao dịch hàng ngày trong năm nay. Do đó, lực mua của các nhà đầu tư cá nhân đã bù lại được lượng cổ phiếu trị giá 2,4 tỷ USD mà các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kể từ đầu năm tới nay (sau khi đã bán ròng 1 tỷ USD trong năm ngoái).

Diễn biến chỉ số VN-Index

Diễn biến chỉ số VN-Index

Theo chuyên gia VinaCapital, khối ngoại bán ròng diễn ra chủ yếu bởi việc chốt lời và lo ngại về mức trượt giá khoảng 4% từ đầu năm tới nay của tiền đồng. Đồng thời, một số nhà đầu tư nước ngoài đang áp dụng phương pháp “chờ và theo dõi” trước các diễn biến chính trị gần đây trong nước.

Một phần tư khối lượng bán ra của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra thông qua việc rút vốn ETF, bao gồm việc giải thể quỹ ETF Frontier của Blackrock iShares vào tháng 6 (đây cũng là tháng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục). Sau đợt bán ra của khối ngoại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.

“Tuy nhiên, chuỗi bán ra liên quan đến việc giải thể quỹ ETF Frontier đã kết thúc. Theo chúng tôi được biết, một số nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng điều này để tăng cường các khoản đầu tư chiến lược dài hạn của họ vào Việt Nam, ví dụ như Capital Group, Fidelity và các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khác được cho là đã mua một lượng lớn cổ phần trong ACB, ngân hàng bán lẻ hàng đầu của Việt Nam vào đầu năm nay”, ông Michael Kokalari chia sẻ.

Triển vọng tích cực nửa cuối 2024 và năm 2025

VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ tăng từ mức 9% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024 lên 33% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2024, một phần nhờ vào sự hồi phục của thị trường bất động sản. Hoạt động giao dịch bất động sản ước tính đã tăng vọt khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu giao dịch bị dồn nén trong thời gian dài và việc Chính phủ gần đây đã đưa ra nhiều quyết sách để khôi phục thị trường.

“Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các nhà phát triển bất động sản (ngoại trừ Vinhomes) sẽ tăng 80% trong năm nay. Hơn nữa, một thị trường bất động sản lành mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng bằng cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giảm bớt lo ngại về chất lượng tài sản/chi phí tín dụng. Cuối cùng, sự hồi phục của bất động sản Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục tăng tốc vào năm tới, cũng là một trong những lý do khiến chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của VN-Index sẽ tăng thêm 17% vào năm 2025”, ông Michael Kokalari cho biết.

Diễn biến giá cổ phiếu theo ngành biến động và phân hoá đáng kể trong năm nay. Chẳng hạn, VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của FPT sẽ tăng hơn 20% trong năm nay. Giá cổ phiếu FPT đã tăng 53% từ đầu năm đến nay và tăng 103% trong 2 năm vừa qua, nhưng cổ phiếu đã từng tăng tới 180% trong vòng 2 năm trước khi bị các nhà đầu tư nước ngoài chốt lời.

Giá cổ phiếu ngành tiêu dùng không thiết yếu cũng tăng trong năm nay và lợi nhuận của các công ty này được kỳ vọng tăng 55% trong năm 2024.

Trong khi đó, tại ngành bất động sản, lợi nhuận của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam – Vinhomes (VHM) có thể giảm 12% trong năm nay do thời điểm ghi nhận doanh thu của một số dự án nhất định. Điều này cùng với các yếu tố khác đã khiến giá cổ phiếu của Vinhomes giảm 14% từ đầu năm tới nay, kéo theo toàn bộ ngành.

Diễn biến giá cổ phiếu theo ngành biến động và phân hoá đáng kể

Diễn biến giá cổ phiếu theo ngành biến động và phân hoá đáng kể

Nhắc tới yếu tố rủi ro, chuyên gia VinaCapital cho biết, giá trị của tiền đồng đã giảm khoảng 4% từ đầu năm tới nay, vì vậy Ngân hàng Nhà nước bán ra ước tính hơn 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm nay để ổn định tỷ giá. Đồng USD mạnh là yếu tố chính tác động lên giá trị của VND, nhưng USD mạnh hiện không có lợi cho chính phủ Mỹ vì nhiều lý do khác nhau. Bộ Tài chính Mỹ đã sử dụng một số công cụ để ngăn đồng USD tiếp tục tăng giá. Do đó, khả năng VND tiếp tục mất giá giảm bớt.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn