CLM báo lãi sau thuế khủng gấp… 37 lần cùng kỳ

BCTC quý 2/2022 của CTCP Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (HNX: CLM) cho thấy doanh nghiệp này có giai đoạn ăn nên làm ra khi đạt lãi sau thuế 274 tỷ đồng, gấp hơn 37 lần cùng kỳ.

CLM báo lãi sau thuế khủng gấp… 37 lần cùng kỳ

BCTC quý 2/2022 của CTCP Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (HNX: CLM) cho thấy doanh nghiệp này có giai đoạn ăn nên làm ra khi đạt lãi sau thuế 274 tỷ đồng, gấp hơn 37 lần cùng kỳ.

Doanh thu quý 2 của CLM tăng đột biến, từ 802 tỷ đồng lên hơn 6.15 ngàn tỷ đồng. Giá vốn hàng bán gấp 7.7 lần cùng kỳ, lên 5.64 ngàn tỷ đồng. Sau khi khấu trừ, Công ty đạt lợi nhuận gộp 506 tỷ đồng, gấp hơn 6.5 lần cùng kỳ.

Trong quý 2, doanh thu từ hoạt động tài chính của CLM gấp 4.4 lần cùng kỳ, đạt hơn 14 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 84%, lên 13.63 tỷ đồng. Các hạng mục như chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt gấp 2.5 lần và 3 lần cùng kỳ, lên gần 116 tỷ đồng và 49 tỷ đồng. Kết quả, CLM báo lãi sau thuế 273 tỷ đồng, gấp 37 lần cùng kỳ.

Báo cáo kết quả HĐKD quý 2/2022 của CLM

Lũy kế 6 tháng đầu năm, CLM ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt gần 6.98 ngàn tỷ đồng và 283 tỷ đồng, gấp 5 lần và 22 lần cùng kỳ.

Theo giải trình của CLM, doanh thu và lợi nhuận vượt trội do nhu cầu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong 6 tháng đầu năm tăng cao, khiến Công ty đẩy mạnh việc nhập khẩu than và pha trộn than. Cùng với đó, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cùng những căng thẳng giữa Úc - Trung Quốc, chiến sự Nga - Ukraine đã khiến giá than thế giới tăng mạnh, qua đó đẩy doanh thu của CLM lên cao.

Một số lĩnh vực kinh doanh khác của CLM như cho thuê văn phòng, xuất khẩu lao động bắt đầu khởi sắc và mang lại lợi nhuận sau thời kỳ kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài ra, CLM cũng chào thành công một số gói thầu quốc tế cung cấp than cho nhà máy luyện thép trong nước, mang lại tỷ lệ lợi nhuận cao.

Tăng trưởng lợi nhuận của CLM quý 2/2022

So với đầu năm, tổng tài sản của CLM tại cuối tháng 6/2022 gấp 2.3 lần, đạt gần 1.83 ngàn tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hạng mục phải thu ngắn hạn tăng mạnh từ 430 tỷ đồng lên 1.2 ngàn tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là việc ghi nhận tăng ở các khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn như Công ty kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin (165 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Long Thuận (214 tỷ đồng), Thailand Anthracite Co Ltd (157 tỷ đồng), Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (260 tỷ đồng) và CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa (219 tỷ đồng). Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ đạt gần 343 tỷ đồng, tăng trưởng 75%.

Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn thời điểm 30/06/2022 gấp 2.3 lần đầu năm, đạt 1.37 ngàn tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán tăng 73%, lên 421 tỷ đồng. Một số khoản mục ghi nhận tăng mạnh, như thuế (gấp 60 lần cùng kỳ, gần 102 tỷ đồng), chi phí phải trả ngắn hạn (gấp 23 lần, đạt 62.2 tỷ đồng), phải trả ngắn hạn khác (gấp 5 lần, lên 261.3 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu tăng gần 260 tỷ đồng, lên 451 tỷ đồng, do ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong kỳ.

Hồng Đức

FILI