Cổ phiếu giảm giá áp đảo, VCB tiếp tục kéo xanh chỉ số

Đà tăng bùng nổ của VCB sáng nay một lần nữa giúp đổi màu chỉ số. Tăng 2,04%, VCB kéo tới 2,3 điểm cho VN-Index dù tổng thể chỉ số này chỉ tăng 1,21 điểm. Độ rộng tiếp tục xác nhận đà giảm áp đảo.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuy được dẫn dắt bởi VCB nhưng cũng không thật sự mạnh. TCB tăng 1,66%, BID tăng 0,58%, ACB tăng 1,02%, MBB tăng 0,81% là các mã khác trong nhóm này lọt vào Top 10 mã kéo chỉ số khỏe nhất.

Chỉ số VN30-Index vẫn chưa thể vượt qua tham chiếu, đang giảm 0,08% cũng thể hiện sự hạn chế trong sức mạnh của nhóm ngân hàng. Thực tế VNM mới là cổ phiếu mạnh nhất đẩy VN30, tăng 1,71%. Dù vậy độ rộng khá tốt với 15 mã tăng/13 mã giảm, cho thấy nhóm blue-chips khá ổn định và đang nỗ lực giữ nhịp chung.

Phần còn lại của thị trường phân hóa và khá yếu. HoSE kết phiên sáng với 162 mã tăng/205 mã giảm. Phía giảm có 71 mã giàm trên 1% và phía tăng có 73 mã tăng trên 1%. Về cơ bản đó là trạng thái dao động hẹp trên nền thanh khoản thấp, không bên nào thật sự muốn chiếm ưu thế.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng gần 7%, đạt 3.795 tỷ đồng, HoSE chỉ tăng 5%, đạt gần 3.395 tỷ đồng. Giao dịch đáng chú ý nhất là NVL khi đạt mức thanh khoản thứ hai thị trường với 203,1 tỷ đồng và giá tăng mạnh 3,01%. NVL sau quãng thời gian lao dốc nặng nề 3 tháng cuối năm ngoái, đã đi ngang suốt từ đầu năm 2023. Điểm bất lợi ở NVL là giá trị vốn hóa giảm quá nhiều nên ngay cả khi giá tăng mạnh cũng khó có đóng góp đủ lớn cho chỉ số.

Nhóm tăng giá mạnh tương tự NVL rất hiếm và phần lớn là thanh khoản rất nhỏ. Các cổ phiếu tầm trung lại chiếm ưu thế. KHG tăng kịch trần với thanh khoản 30,8 tỷ; TCH tăng 3,95% thanh khoản 30,7 tỷ; IDI tăng 3,83% thanh khoản 22,8 tỷ; HAH tăng 2,87% thanh khoản 35,1 tỷ; LCG tăng 2,39% giao dịch 41,8 tỷ...

VN30-Index vẫn chưa vượt được tham chiếu.
VN30-Index vẫn chưa vượt được tham chiếu.

Việc chỉ số VN-Index vẫn đang phát tín hiệu đi ngang tạo cảm giác thị trường giằng co nhưng không thực sự phản ánh đúng giao dịch. Rất nhiều cổ phiếu trong 3 phiên gần đây đã điều chỉnh rõ hơn nhiều. Điểm lợi là rất nhiều nhà đầu tư vẫn đánh giá thị trường dựa trên biến động của chỉ số đại diện, nên trạng thái đi ngang này góp phần ổn định tâm lý.

Dòng tiền duy trì ở mức thấp cũng là tín hiệu hỗ trợ tốt, vì mức lỗ chưa đến ngưỡng tạo sức ép nhiều. Nhà đầu tư không sẵn sàng bán bằng mọi giá. Tuy vậy thị trường sẽ chỉ thực sự biết được nếu như trải qua các nhịp rung lắc mạnh.

Sáng nay tuy về mặt số lượng, các mã giảm chiếm áp đảo, nhưng về thanh khoản thì không. Cụ thể, giao dịch ở nhóm giảm giá trên HoSE chỉ chiếm 31,3% tổng giá trị khớp của sàn này, trong khi giao dịch ở nhóm tăng giá chiếm 51,8%. Khi cung có phần yếu thì dù dòng tiền mua hạn chế, thị trường vẫn có thể cân bằng ở từng thời điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giảm mua trên HoSE tới 27% so với sáng phiên cuối tuần trước. Tổng thanh khoản thị trường lại tăng, điều đó nghĩa là nhà đầu tư trong nước giao dịch mạnh hơn. Vốn ngoại vào ròng mới đạt trên 91 tỷ đồng và không có giao dịch vượt trội nào. Phía mua ròng chỉ có STB +31,3 tỷ đồng ròng, VNM +24,9 tỷ đồng là đáng kể. Phía bán ròng có DPM -41,3 tỷ là duy nhất đáng chú ý.

Xem thêm tại vneconomy.vn