Cổ phiếu ngân hàng “xanh mướt”, VN-Index vẫn đỏ
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang giữ nhịp giúp VN-Index chống đỡ áp lực bán từ số lớn các mã còn lại. Trong 10 cổ phiếu đỡ điểm cho chỉ số, lọt vào duy nhất VSH, còn lại toàn ngân hàng. Dù vậy tác động của nhóm này cũng chỉ có thể đỡ rõ hơn ở VN30-Index, còn VN-Index vẫn bị số rất lớn cổ phiếu giảm giá kéo xuống.
VN30-Index chốt phiên sáng còn tăng 0,22% với 14 mã tăng/15 mã giảm nhưng VN-Index giảm 0,11% (-1,41 điểm) với 141 mã tăng/287 mã giảm. Midcap thậm chí giảm tới 0,75%, Smallcap giảm 1,01%. Thực tế nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mới phản ánh đúng giao dịch của thị trường.
Đà giảm rất rộng thể hiện xu hướng bán ra vẫn là chủ đạo. Ban đầu giao dịch không kém, VN-Index tăng cao nhất đầu phiên khoảng 6,3 điểm. Độ rộng thời điểm tốt nhất ghi nhận 212 mã tăng/156 mã giảm. Tuy nhiên lực bán đè giá xuống rất nhanh khiến độ rộng co lại nhanh chóng và từ khoảng 10h15 trở đi VN-Index bắt đầu đỏ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng làm trụ vẫn tăng ở thời điểm đó tới hết phiên.
Tính về ảnh hưởng điểm số, BID tăng 2,65% là mạnh nhất, tiếp đó là VCB tăng 0,57%, CTG tăng 1,23%, TCB tăng 2,42%. Tính về biên độ giá, BVB và VAB mạnh nhất, tăng tương ứng 8,53% và 3% nhưng thanh khoản quá nhỏ và cũng không có ảnh hưởng lan tỏa. Toàn bộ 27 mã ngân hàng ở các sàn chỉ 2 mã đỏ là VPB giảm 0,26%, LPB giảm 0,79%. Tới 13 cổ phiếu trong nhóm ngân hàng tăng vượt 1% so với tham chiếu. Như vậy thị trường không phải là không có nhóm dẫn dắt, thậm chí là kéo điểm, nhưng phản ứng của phần còn lại khá tiêu cực.
Đầu tiên là sự thay đổi trong độ rộng theo thời gian như mới đề cập phía trên. Ngay cả khi nhóm ngân hàng hầu hết vẫn tăng khỏe, nhu cầu bán ở các cổ phiếu khác vẫn xuất hiện rất nhiều. Cổ phiếu ngân hàng có bị ép giá xuống nhưng biên độ không đáng kể. VPB là cổ phiếu duy nhất bị ép đảo ngược xu hướng, từ tăng 0,79% thành giảm 0,26%, tương đương biên độ dao động -1,04%. HDB, STB là hai mã còn lại đáng kể nhất cũng chỉ bị ép xuống khoảng 0,8% so với giá đỉnh. Do đó thị trường điều chỉnh trên diện rộng ở cổ phiếu không phải hiện tượng tác động vào nhóm dẫn dắt.
Thứ hai, biên độ giảm giá ở cổ phiếu khá mạnh. Toàn sàn HoSE có tới 147 cổ phiếu giảm quá 1% so với tham chiếu, trong khi VN-Index giảm hầu như không đáng kể. Số lượng này tương đương 42% tổng số cổ phiếu có phát sinh giao dịch ở HoSE trong buổi sáng. Nhóm này cũng chiếm tới gần 48% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. Trong khi đó thanh khoản HoSE cũng tăng 48% so với sáng hôm qua. Các thống kê này thể hiện diễn biến giảm giá trên diện rộng sáng nay có yếu tố thanh khoản đi kèm.
Rất nhiều cổ phiếu đã bị xả hàng quy mô lớn như MWG giảm 1,25%, giao dịch 516,9 tỷ đồng thanh khoản; DIG giảm 4,37%, giao dịch 424,2 tỷ; HSG giảm 1,03% với 198,3 tỷ; TCH giảm 3,19% với 187,3 tỷ; PDR giảm 3,13% với 159,5 tỷ; POW giảm 1,01% với 152,3 tỷ, VOS giảm 5,75% với 104,7 tỷ… Các mã đầu cơ thanh khoản thấp hơn như QCG, IMP, NHA, SMC, EVG, MIG… vừa rồi tăng khá, sáng nay đều giảm trên 4% giá trị.
Nhóm đi ngược dòng sáng nay chủ đạo vẫn là ngân hàng và số ít các mã giao dịch nhỏ khác. Trong 141 mã còn xanh, chỉ 35 mã tăng hơn 1%. Ngoài ngân hàng, đáng kể là BMP tăng 4,05%, khớp lệnh 44,6 tỷ đồng; TDC tăng 2,68% khớp 13,6 tỷ; DGW tăng 2,03% với 110 tỷ.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết phiên sáng tăng gần 48% so với sáng hôm qua, đạt 10.716 tỷ đồng, cao nhất 6 phiên. Trong đó riêng HoSE khớp 10.030 tỷ đồng. Tính về giá trị tuyệt đối, HoSE tăng thanh khoản khoảng 3.269 tỷ đồng nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ tăng thanh khoản xấp xỉ 590 tỷ. Điều đó nghĩa là giao dịch tăng lên ở nhiều cổ phiếu khác và hiện tượng giảm giá cho thấy đây là lực bán chủ động đã đẩy thanh khoản lên.
Nhà đầu tư nước ngoài giảm cường độ bán ròng đáng kể khi chỉ còn rút đi 176,9 tỷ đồng trên HoSE. Bán nhiều nhất là HPG -48,7 tỷ, MSN -41,2 tỷ, VND -22,3 tỷ. Mua tốt nhất là CTG +28 tỷ, STB +20,7 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND +44 tỷ.
Xem thêm tại vneconomy.vn