Cổ phiếu ngành cao su đang có những cơ hội sinh lời hấp dẫn

Giá cao su xuống thấp nhiều năm khiến các doanh nghiệp trong ngành điêu đứng. Tuy nhiên, “gió đổi chiều’ khi một đợt tăng giá mạnh quý III vừa qua đã giúp doanh thu của doanh nghiệp đi lên, đua nhau báo lợi nhuận tăng mạnh.

Doanh nghiệp quay lại thời kỳ tăng trưởng

Mới nhất, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) báo cáo quý III với lợi nhuận sau thuế riêng đạt 33 tỷ đồng, tăng đột biến so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm, công ty mẹ Cao su Phước Hòa ghi nhận doanh thu đạt 772 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm tới 76%, còn 62 tỷ đồng, do kết quả kinh doanh ảm đạm trong nửa đầu năm.

-3540-1730279908.jpg

Doanh nghiệp cao su đua nhau báo lợi nhuận tăng mạnh.

Trong khi đó, CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cho biết lợi nhuận sau thuế quý III đạt 73 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã đạt 101 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ 2023 lãi hơn 20 tỷ), vượt qua kỳ vọng lợi nhuận trước đó của ban lãnh đạo doanh nghiệp là 70,5 tỷ đồng cả năm 2024.

CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) cũng công bố báo cáo tài chính quý III với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần riêng quý III đạt 143 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính tăng trong khi chi phí tài chính giảm nhanh cũng là thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp đi lên.

Kết thúc quý III, lợi nhuận sau thuế của Đầu tư Cao su Đắk Lắk đạt 41,7 tỷ đồng, gấp 4 lần kết quả quý III/2023, đây là khoản lợi nhuận theo quý lớn nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2018 đến nay.

Lũy kế 9 tháng, Đầu tư Cao su Đắk Lắk đạt 86 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 72,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.

Còn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) ước tính lợi nhuận sau thuế quý III đạt 801 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp cho biết sau 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 16.207 tỷ đồng, thực hiện được 65% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 2.386 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Nhiều năm qua, giá cao su èo uột khiến các doanh nghiệp trong ngành nhiều nơi phải thu nhỏ quy mô trồng cao su, lấn sân thêm sang các lĩnh vực khác để xoay xở tồn tại.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang thúc đẩy giá cao su tự nhiên thế giới tăng lên, giúp các doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt trong quý III.

Trong đó, tình trạng mưa lũ kéo dài Thái Lan, quốc gia cung ứng cao su tự nhiên lớn nhất thế giới (chiếm 33% tổng sản lượng), khiến sản lượng khai thác sụt giảm. Đồng thời, bệnh rụng lá lan rộng tại nhiều quốc gia sản xuất cao su khác đang tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng mủ. Ngoài ra, ảnh hưởng của bão Yagi làm gián đoạn quá trình thu hoạch vào mùa cao điểm ở Việt Nam cũng như một số quốc gia trong khu vực.

Cơ hội lớn từ xu hướng giá tăng và nhu cầu phục hồi

Hiện, nhiều tổ chức tài chính dự báo triển vọng giá cao su sẽ tiếp tục neo cao và có xu hướng đi lên trong thời gian tới.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, sản lượng cao su thế giới đang bước vào chu kỳ giảm mới với khả năng thiếu hụt nguồn cung trong cả năm 2025 - 2026, nhất là trong bối cảnh Thái Lan đang triển khai lộ trình giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới nhằm trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Những vùng trồng mới tại các nơi khác dự kiến nhanh nhất có thể cho thu hoạch vào năm 2027 - 2028.

Tương tự, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán MBS cho rằng giá cao su xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao cho tới cuối năm bởi nguồn cung thiếu hụt, nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế và diện tích cao su giảm do xu hướng chuyển đổi đất cao su.

Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 600.000 - 800.000 tấn cao su/năm từ nay đến năm 2028. Do đó, giá mủ cao su trên thế giới dự kiến sẽ neo ở mức cao từ nay đến ít nhất là năm 2026.

Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, những yếu tố này sẽ tạo điều kiện tích cực về triển vọng cổ phiếu ngành cao su. Một số mã cổ phiếu đáng chú ý, có tiềm năng là GVR, PHR, TRC…

Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ đà tăng giá cao su. Với diện tích đất cao su lớn và quy mô hoạt động trải rộng, daonh nghiệp được dự báo có lợi nhuận mảng cao su tăng trưởng 40% trong năm 2024.

Cao su Phước Hòa cũng là một doanh nghiệp lớn được dự báo có triển vọng sáng sủa trong năm 2024. Với giá bán cao su bình quân năm nay dự kiến tăng 25%, doanh thu từ mảng cao su ước tính tăng 30% so với năm 2023.

TRC cũng là mã cổ phiếu hưởng lợi nhiều từ xu hướng tăng giá này. Cao su Tây Ninh đang đầu tư mở rộng thêm 4.000 ha đất cao su tại Campuchia, một chiến lược mở rộng nhằm khai thác tiềm năng thị trường khu vực.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nên cân nhắc các rủi ro tiềm ẩn từ biến động giá dầu, rủi ro kinh tế toàn cầu và khả năng tăng cung trong các tháng cuối năm khi mùa thu hoạch cao điểm bắt đầu. Nhà đầu tư nên theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những yếu tố liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn