Cổ phiếu quỹ ‘dậy sóng’ trong năm 2020

Đa phần các doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ sôi động nhất trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2020. Thời gian này cũng là lúc mà diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, khó lường khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dường như đều sụt giảm mạnh.

Cổ phiếu quỹ ‘dậy sóng’ trong năm 2020

Đa phần các doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ sôi động nhất trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2020. Thời gian này cũng là lúc mà diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, khó lường khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dường như đều sụt giảm mạnh.

Lý do để doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ thì vô vàn, có thể do doanh nghiệp thấy giá cổ phiếu trên thị trường đang bị định giá thấp hơn so với giá trị nội tại hoặc đơn giản mua lại chỉ để đầu tư… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chọn cách mua cổ phiếu quỹ để ‘cứu giá’ cổ phiếu trên đà lao dốc.

Theo dữ liệu của VietstockFinance, trong năm 2020, thị trường chứng khoán có tổng cộng 68 thương vụ giao dịch cổ phiếu quỹ, trong đó, có 64 thương vụ của doanh nghiệp và 4 thương vụ từ ngân hàng. Đáng chú ý, trong số đó có những đợt giao dịch cổ phiếu quỹ có giá trị hàng ngàn tỷ đồng.

Các thương vụ gom cổ phiếu quỹ thành công

Xét về khối lượng thực hiện, giao dịch mua cổ phiếu quỹ lớn nhất rơi vào Tổng CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG). Với giá giao dịch bình quân 41,823 đồng/cp, Công ty đã chi ra trên 1.64 ngàn tỷ đồng để hoàn tất thương vụ gom 39.3 triệu cp làm cổ phiếu quỹ. Giao dịch chỉ vừa xảy ra hồi cuối tháng 11/2020.

Thực tế, ông lớn này vẫn chưa gom đủ số cổ phần (44.17 triệu cp) đã đăng ký mua lại trong đợt giao dịch vừa qua. Phía VCG cho biết, do đã dùng tối đa nguồn quỹ đã đăng ký, báo cáo khi mua lại cổ phiếu và đã mua được số lượng cổ phiếu phù hợp. Bên cạnh đó, số dư còn lại không đạt đủ số lượng khớp lệnh tối thiểu 3% khối lượng giao dịch đã đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) .

Đợt mua lại cổ phiếu quỹ của VCG thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi được thực hiện ngay tại vùng đỉnh giá lịch sử của cổ phiếu này. Càng đặc biệt hơn, thị giá của VCG đã bật tăng đột biến ngay trước thềm thông tin về thương vụ cổ phiếu quỹ ngàn tỷ được công bố.

Tương tự, Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) cũng chỉ hoàn tất mua hơn 19.85 triệu cp quỹ từ ngày 15/04-14/05/2020 trong khi trước đó, doanh nghiệp bất động sản này đăng ký mua đến 27 triệu cp. Như vậy, KDH chỉ mua được 74% tổng lượng cổ phiếu đã đăng ký trước đó. Giá mua vào bình quân 21,087 đồng/cp tương ứng tổng số tiền KDH chi ra hơn 418 tỷ đồng.

Top 10 doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ trong năm 2020
Nguồn: VietstockFinance

Với mục đích bình ổn giá cổ phiếu và tối đa hóa lợi ích của các cổ đông và Công ty, Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (HOSE: GEX) đã quyết định đăng ký mua lại 29 triệu cp làm cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, do diễn biến không phù hợp với quy định về giá mua cổ phiếu quỹ đã được HĐQT thông qua nên GEX chỉ mua được 63% tổng lượng đã đăng ký, tương đương hơn 18 triệu cp quỹ. Ước tính với giá bình quân 16,414 đồng/cp, GEX đã chi gần 300 tỷ đồng để thực hiện thương vụ.

Tuy nhiên, mới đây, GEX vừa công bố Nghị quyết của HĐQT về việc bán cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Đây là năm đầu tiên GEX thực hiện chương trình này. Theo đó, 12 triệu cp trong số gần 18.3 triệu cp quỹ của GEX sẽ được bán cho người lao động với giá 12,000 đồng/cp. Giao dịch dự kiến thực hiện trong quý 4/2020 - quý 1/2021 với 144 tỷ đồng dự thu từ các giao dịch này sẽ được bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh của Công ty.

Đáng chú ý, việc bán cổ phiếu quỹ với giá 12,000 đồng/cp cũng đồng nghĩa GEX sẽ ghi nhận một khoản lỗ trong kỳ thực hiện giao dịch, bởi giá mua bình quân các cổ phiếu quỹ là 16,414 đồng/cp.

Hay như Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSENBB) cũng đã chi gần 359 tỷ đồng để mua hơn 15 triệu cp quỹ. Sau giao dịch, NBB đã nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu quỹ từ 7.12% lên 22% (hơn 22 triệu cp). Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu của công ty.

Các doanh nghiệp bán ra cổ phiếu quỹ trong năm 2020

Đầu tiên phải kể đến là Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSEPLX). Nhằm bổ sung vốn kinh doanh và đầu tư phát triển, PLX liên tục xả cổ phiếu quỹ với khối lượng tổng cộng lên tới 28 triệu cp quỹ. Giao dịch được chia làm 2 đợt, đợt 1 bán 15 triệu cp từ ngày 16/06-02/07/2020 và đợt 2 bán 13 triệu cp từ ngày 27/08-15/09. Qua đó, PLX đã giảm lượng cổ phiếu quỹ nắm giữ từ hơn 103 triệu cp xuống còn 75 triệu cp.

Cùng thời gian PLX bán ra 13 triệu cp quỹ, ENEOS Corporation, Tập đoàn đứng đầu về bán lẻ xăng dầu tại Nhật Bản đã gom vào đúng bằng lượng cổ phiếu mà PLX đã “xả hàng”. Trước giao dịch, Tập đoàn này không nắm giữ cổ phiếu PLX nào. Tuy nhiên, Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam - Công ty con của ENEOS Corporation - lại là cổ đông lớn thứ 2 của PLX với khối lượng sở hữu gần 104 triệu cp. Như vậy, sau khi hoàn tất giao dịch, nhóm cổ đông này đã nâng tỷ lệ sở hữu tại PLX từ 8% (104 triệu cp) lên 9% (117 triệu cp).

Top 10 doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ trong năm 2020
Nguồn: VietstockFinance

Cùng chiều bán, nhằm tăng cường dòng tiền để thực hiện kế hoạch đầu tư và phát triển kinh doanh năm 2020, Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HOSEHHS), đã thu về gần 135 tỷ đồng sau khi bán ra 25 triệu cổ phiếu quỹ. Sau giao dịch, HHS không còn nắm giữ cổ phiếu quỹ nào.

Do sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao đã khiến HVG rơi vào vòng xoáy nợ nần, lỗ lũy kế tính đến ngày 30/12/2019 đã cán mốc 1,743 tỷ đồng. Việc thoái toàn bộ 5 triệu cp quỹ hồi đầu năm 2020 đã giúp Hùng Vương (UPCoM: HVG) tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Công ty.

Cũng trong năm 2020, hơn 227 triệu cp HVG phải ngậm ngùi rời khỏi sàn HOSE do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin và chuyển sang niêm yết trên UPCoM vào ngày 13/08/2020. Tuy nhiên, số cổ phiếu HVG này bị hạn chế, chỉ được giao dịch vào ngày thứ Sáu hàng tuần.

MBB ‘dẫn đầu’ top ngân hàng

Từ ngày 30/12/2019-29/01/2020, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) đã hoàn tất bán hơn 21.4 triệu cp quỹ trong tổng số 23 triệu cp đăng ký bán. MB cho biết nguyên nhân không bán được 1.6 triệu cp quỹ do giá chưa đạt mức phê duyệt của HĐQT MB. Hiện, số lượng cổ phiếu quỹ của MB đã giảm từ 47.1 triệu cp xuống còn 25.6 triệu cp.

Được biết, MBB đã sang tay số lượng cổ phiếu quỹ này cho 8 quỹ đầu tư. Đáng chú ý, KIM Vietnam Growth Equity - quỹ thành viên thuộc công ty quản lý quỹ tại Hàn Quốc Korea Investment Trust Management Co. (KITMC) gom mạnh nhất với khối lượng gần 8 triệu cp và Fiera Capital - nhà quản lý quỹ khổng lồ tại Canada gom hơn 5.1 triệu cp MBB.

Bảng thống kê giao dịch cổ phiếu quỹ của các ngân hàng trong năm 2020
Nguồn: VietstockFinance

Ngược lại, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HOSE: HDB) đã gom hơn 18 triệu cp quỹ từ ngày 12/12/2019 - 10/01/2020. Mục tiêu mua cổ phiếu quỹ là để ổn định giá cổ phiếu trên thị trường và tăng tỷ lệ sinh lời trên mỗi cổ phiếu cho nhà đầu tư.

Liền sau đó 2 tháng, HDB đã bán gần 3.3 triệu cp quỹ cho người lao động. Qua đó, số lượng cổ phiếu quỹ của HDB hiện đã giảm từ 18.4 triệu cp xuống còn 15.1 triệu cp, tương ứng số lượng cổ phiếu lưu hành của Ngân hàng đã tăng từ 963 triệu cp lên hơn 966 triệu cp.

Với giá phát hành cổ phiếu quỹ cho người lao động là 10,000 đồng/cp, ước tính, HDB đã thu về gần 33 tỷ đồng. Phía HDB cho biết việc bán cổ phiếu quỹ cho người lao động nhằm ghi nhận sự đóng góp của cán bộ nhân viên của HDB trong thời gian qua. Bên cạnh đó, số tiền thu được từ đợt bán cổ phiếu quỹ sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động cho ngân hàng.

Các thương vụ bất thành

Nhiều doanh nghiệp công bố kết quả giao dịch mua cổ phiếu quỹ trong lúc giá giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lại không mua hết số đăng ký trước đó. Lý do đưa ra phổ biến là vì giá đã bình ổn hay diễn biến thị trường không thuận lợi nên không thể giao dịch như ý.

Mặc dù đăng ký mua 17.5 triệu cp làm cổ phiếu quỹ từ ngày 21/05 - 20/06/2020 nhưng CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSEVNM) lại không thực hiện mua cổ phiếu quỹ nào. Như vậy, lượng cổ phiếu quỹ của VNM vẫn giữ nguyên là 310,099 cp.

Phía VNM đưa ra lý do không thực hiện mua cổ phiếu quỹ là do giá cổ phiếu đã bình ổn và hiện có xu hướng tăng lên theo kết quả kinh doanh của Công ty, nên để thị trường tự điều tiết. VNM sẽ dùng số tiền còn lại để tập trung vào kinh doanh.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 26/06, TGĐ Vinamilk Mai Kiều Liên  chia sẻ: “Mua hay không mua cổ phiếu quỹ đều phải tính đến hiệu quả. Giá cổ phiếu VNM hiện đã tăng khá nhiều so lúc giảm mạnh trong những tháng trước. Do đó, Công ty phải cân nhắc kỹ hơn đối với quyết định mua cổ phiếu quỹ”.

Bảng thống kê các doanh nghiệp đăng ký mua nhưng bất thành
Nguồn: VietstockFinance

Cùng lý do, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) cũng không mua được cổ phiếu quỹ nào trong khi đăng ký mua đến 10 triệu cp. Mặc dù đã gia hạn đến lần thứ 2 (15/5-14/6/2020) vì thời điểm thực hiện mua chưa phù hợp nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái nào về việc gom cổ phiếu quỹ của “ông lớn” ngành xây dựng.

Hay như Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) cũng công bố mua 2 triệu cp từ 28/05 - 26/06/2020. Tuy nhiên, thực tế sau thời gian giao dịch, doanh nghiệp này không mua được cổ phiếu nào. Lý do doanh nghiệp đưa ra là trong thời gian thực hiện, giá cổ phiếu FMC giao dịch trên thị trường với mức giá vượt mức tối đa đã đăng ký với UBCKNN . Được biết, FMC phải dời thời gian phương án mua cổ phiếu quỹ tới hơn 2 tháng vì ở thời điểm lập hồ sơ mua cổ phiếu quỹ, Công ty vẫn đang trong thời hạn hạn chế mua cổ phiếu quỹ (do có đợt phát hành tăng vốn điều lệ hoàn thành vào ngày 22/10/2019).

Diễn biến giá cổ phiếu của FMC từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Tiên Tiên

FILI