Công ty con của Viglacera bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

9 năm dài đắm chìm trong thua lỗ đã nâng tổng lỗ lũy kế của CTCP Kính Đáp Cầu (UPCoM: DSG) lên hơn 295 tỷ đồng.

Công ty con của Viglacera bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

9 năm dài đắm chìm trong thua lỗ đã nâng tổng lỗ lũy kế của CTCP Kính Đáp Cầu (UPCoM: DSG) lên hơn 295 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của DSG qua các năm

Kết thúc năm 2021, doanh thu thuần của DSG (Công ty con của Tổng Công ty Viglacera (HOSE: VGC)) giảm 9% so với thực hiện năm trước, xuống còn 50 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến đơn vị phải chịu lỗ gộp gần 14 tỷ đồng và lỗ ròng gần 35 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2021 lên hơn 295 tỷ đồng.

Theo giải trình của DSG, nguyên nhân thua lỗ là do năm 2021 Công ty đã đánh giá lại giá trị thuần có thể thực hiện được của toàn bộ hàng tồn kho gồm thành phẩm, nguyên nhiên vật liệu, công cụ, vật tư và trích lập dự phòng bổ sung vào chi phí kỳ này với số tiền 16.6 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh năm 2021 của DSG đã kiểm toán
Đvt: Tỷ đồng

DSG nói gì về ý kiến ngoại trừ của kiểm toán?

Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 51 tỷ đồng , tổng số nợ quá hạn chưa thanh toán hơn 70 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 295 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Ngoài ra, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc không xác định được có cần thiết phải điều chỉnh giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 31/12/2020 không. Trong năm 2021, Công ty mẹ đã đánh giá để trích lập bổ sung dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị 16.6 tỷ đồng. Kiểm toán viên đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết nhưng không thể xác định được liệu giá trị dự phòng trích lập bổ sung này được ghi nhận toàn bộ vào kết quả kinh doanh năm 2021 có phù hợp hay không.

Giải trình cho vấn đề này, DSG cho biết căn cứ quy định việc trích lập dự phòng tại thời điểm lập báo cáo dựa trên cơ sở tài liệu do doanh nghiệp thu thập chứng minh giá gốc hàng tồn kho cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho thì doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Theo đó, trong năm 2021 Công ty đã thu thập các hồ sơ, tài liệu chứng minh giá gốc tồn kho cao hơn giá trị thuần và đã thực hiện trích lập các khoản chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho gồm nguyên vật liệu, vật tư, thành phẩm tồn kho giá trị 16.6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kiểm toán viên không thể xác định được chi phí dự phòng này được ghi nhận vào chi phí của năm 2021 hay chi phí các năm trước đó nên mới đưa ra ý kiến ngoại trừ về vấn đề này.

Tiên Tiên 

FILI