CPI tháng 8/2021 tăng do giá thực phẩm tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội tiếp tục tăng

Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19 là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0.25% so với tháng trước và tăng 2.82% so với tháng 8/2020.

CPI tháng 8/2021 tăng do giá thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội

Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19 là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0.25% so với tháng trước và tăng 2.82% so với tháng 8/2020.

CPI tháng 8/2021 tăng 0.25%so với tháng trước và tăng 2.82% so với tháng 8/2020

So với tháng trước, CPI tháng 8/2021 tăng 0.25%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).

Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0.74% (làm CPI chung tăng 0.25 điểm %) do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0.22% so với tháng trước, chủ yếu do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước uống giải khát tăng, trong đó giá nước khoáng tăng 0.1%; nước giải khát có ga tăng 0.05%. Giá thuốc hút tăng 0.6% so với tháng trước do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung giảm.

Nhóm giáo dục tăng 0.04% do giá văn phòng phẩm tăng 0.34%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0.02% so với tháng trước, chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp, các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng chống dịch nên nhu cầu mua các loại thuốc, dụng cụ y tế tăng, trong đó giá thuốc chống dị ứng tăng 0.15%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0.11%; thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 0.1%; thuốc chống nhiễm, điều trị ký sinh trùng tăng 0.07%; thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng 0.07%; thuốc vitamin và khoáng chất tăng 0.03%; dụng cụ y tế tăng 0.13%.

Đối với 4 nhóm hàng giảm giá, nhóm giao thông giảm 0.06% so với tháng trước, chủ yếu do các hãng giảm giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng (lần lượt giảm 0.09% và giảm 0.84%).

Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 8/2021 giảm 0.05% do giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0.16% và phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0.5%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0.03% so với tháng trước, chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0.22%; du lịch trọn gói giảm 0.04%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0.03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0.02% so với tháng trước, tăng 0.98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0.9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1.79%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 8 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tháng 8/2021 giảm so với tháng trước sau khi số liệu thị trường việc làm Mỹ tháng 7/2021 vượt kỳ vọng của các chuyên gia. Tính đến ngày 25/08/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1,789.57 USD/ounce, giảm 0.9% so với tháng 7/2021. Trong khi đó, chỉ số giá vàng trong nước tháng 8/2021 giảm 0.49% so với tháng trước; giảm 1.65% so với tháng 12/2020 và giảm 3.02% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 13.8%.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng giá sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo số lượng việc làm tại Mỹ tháng 7/2021 tăng cao nhất kể từ tháng 8/2020. Tính đến ngày 25/08/2021, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 92.81 điểm, tăng 0.3 điểm so với tháng trước.

Tại Việt Nam, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23,050 VND/USD. Trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài, nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2021 giảm 0.44% so với tháng trước; giảm 0.67% so với tháng 12/2020 và giảm 0.92% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 8 tháng năm 2021 giảm 0.82%.

Thượng Ngọc

FILI