CTCP Bến xe miền Tây hồi phục sau đại dịch, EPS năm 2022 trên 11.750 đồng

.
Bến xe Miền Tây hoàn thành gần sát kế hoạch doanh thu và vượt 11% kế hoạch lợi nhuận cả năm

Lợi nhuận hồi phục quý thứ 6 liên tiếp

Kể từ sau quý III/2021 lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây liên tục hồi phục mạnh mẽ và duy trì quý thứ 6 liên tiếp đạt mức lợi nhuận cao hơn quý liền trước.

Riêng trong quý IV/2022, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 28,9 tỷ đồng, gấp 7,7 lần cùng kỳ. Khác với quý IV/2021 chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch và các lệnh giãn cách xã hội, đơn vị khai thác và kinh doanh một trong các bến xe lớn nhất của thành phố Hồ Chí Minh đã  hồi phục mạnh mẽ về cả sản lượng xe và hành khách, kéo theo các dịch vụ phục vụ trong bến cũng tăng  theo.

Các hoạt động phục vụ hành khách dần phục hồi cũng là nguyên nhân khiến thu nhập khác cao gấp 2,8 lần cùng kỳ, đạt 3,66 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính quý IV cũng tăng lên 2,46 tỷ đồng từ mức 1,37 tỷ đồng cùng kỳ.

Tổng chi phí cũng gấp 2,6 lần cùng kỳ do trích trước tiền lương và các khoản chi phí khác. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế quý IV vẫn cao gấp 3,75 lần cùng kỳ, đạt 13,3 tỷ đồng. Đây là kỳ kinh doanh  đạt lợi nhuận cao nhất kể từ quý I/2021. Liên tục trong 6 quý gần đây, lợi nhuận của Bến xe Miền Tây đều cao hơn quý liền trước.

Năm 2022, doanh thu từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 94 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ và hoàn thành 94% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế gấp 3,5 lần năm liền trước. Sau khi trừ đi chi phí thuế, lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 đạt 38,1 tỷ đồng, gấp 3,27 lần cùng kỳ. Dù không hoàn thành kế hoạch doanh thu, Bến xe Miền Tây vượt 11% so với mục tiêu 34,2 tỷ đồng lãi ròng được đề ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên.

84% tài sản là tiền

Bến xe Miền Tây được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 1973, sau năm 1975, Nhà nước tiếp quản, Bến xe tiếp tục hoạt động và trực thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố. Từ ngày 03/5/2006, Bến xe Miền Tây chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần. Sau hơn 16 năm hoạt động, quy mô vốn của doanh nghiệp này vẫn rất khiêm tốn (25 tỷ đồng) tương đương 2,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 11.753 đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 2.283 đồng do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 .  

Dù là doanh nghiệp có mức vốn điều lệ khiêm tốn, quy mô vốn chủ sở hữu của Bến xe Miền Tây đến cuối năm 2022 đạt 191 tỷ đồng, đóng góp 88% tổng nguồn vốn 217,6 tỷ đồng của công ty. Việc tích luỹ thêm lợi nhuận là nguyên nhân chính giúp Bến xe Miền Tây mở rộng quy mô tài sản.

Về cơ cấu tài sản, công ty có tới 183 tỷ đồng dưới dạng tiền, chiếm 84% tổng tài sản. Trong đó, 12,2 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi dưới 3 tháng và 170 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 3-12 tháng. So với thời điểm đầu năm, cơ cấu phân bổ tiền của công ty đã có sự thay đổi đáng kể, từ việc tập trung ở các khoản tiền gửi dưới 3 tháng chuyển sang các kỳ hạn dài hơn. Bến xe Miền Tây hầu hết gửi tiền tại các ngân hàng có vốn nhà nước. Mặt bằng lãi suất tăng giúp lãi tiền gửi ngân hàng tăng 29% lên 7,37 tỷ đồng trong cả năm 2022. Đây cũng là nguồn thu chính đóng góp vào doanh thu tài chính của công ty.

Với tỷ suất sinh lời cao, qua nhiều năm tích luỹ, Bến xe miền Tây từng gây bất ngờ khi chi trả cổ tức cao trong năm 2018 (400%) và 2019 (516%). Hai năm gần đây, dù ảnh hưởng bởi đại dịch, cổ đông của công ty vẫn được nhận cổ tức bằng tiền mặt, duy trì tỷ lệ 20%.

Cổ đông lớn nhất của Bến xe Miền Tây là Tổng Công ty Cơ Khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO)- doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành, trong đó ngành chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí giao thông, vận tải và cung cấp dịch vụ về giao thông, vận tải. Ngoài sở hữu 51% vốn điều lệ Bến xe Miền Tây, SAMCO còn sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH Bến xe Miền Đông.

Năm 2016, dự án Bến xe miền Tây mới được UBND TP.HCM với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV - SAMCO làm chủ đầu tư. Bến xe Miền Tây mới có diện tích khoảng 24ha, trong đó diện tích xây dựng bến xe là 17ha, depot (trạm bảo hành sửa chữa xe) của tuyến buýt nhanh là 4ha. Trong bến xe sẽ có các công trình tổ hợp đa chức năng gồm khách sạn, văn phòng, trung tâm mua sắm. Sau khi hoàn thành bến xe miền Tây mới dự kiến phục vụ mỗi ngày khoảng hơn 30.000 hành khách với gần 1.400 lượt xe xuất bến mỗi ngày, ngày cao điểm lên đến 63.000 lượt hành khách/ngày và 2.200 lượt xe xuất bến/ngày. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án chưa ghi nhận chuyển động mới.

Cũng nằm trong chủ trương chuyển các bến xe ra ngoại thành, dự án Bến xe Miền Đông mới đã được đưa vào khai thác từ tháng 10/2020 sau khi đầu tư giai đoạn 1 với giá trị 740 tỷ đồng. Dù đón lượng khách cao hơn trong dịp Tết Nguyên đán, lưu lượng khách và xe sau khi chuyển sang vị trí mới xa trung tâm hơn đã sụt giảm đáng kể.

Xem thêm tại baodautu.vn