Đầu tháng 11, cuộc đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp diễn

Nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục gia nhập đường đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Đầu tháng 11, cuộc đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp diễn

Nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục gia nhập đường đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Từ ngày 03/11, Nam A Bank tăng 0.4-0.6 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, với khoản tiền gửi dưới 500 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0.6 điểm phần trăm lên 7.4%/năm, kỳ hạn 9 tháng lên 7.8%/năm và 24 tháng lên 8.3%/năm.

Tại kỳ điều chỉnh ngày 07/11, BaoVietBank tăng từ 0.1-0.75 điểm phần trăm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng được nâng lên mức 5.65%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 7.6%/năm và 12 tháng là 8.2%/năm.

LPB tăng mạnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 6 tháng trở lên kể từ ngày 01/11. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng được tăng lên 7.6%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng lên 8%/năm.

DongABank tăng mạnh từ 0.5-1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tất cả kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi từ 3 tháng trở xuống được tăng 1 điểm phần trăm lên 6%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng 0.6 điểm phần trăm lên lần lượt 7.4%/năm và 7.5%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0.5 điểm phần trăm lên 7.9%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng tăng 0.6 điểm phần trăm lên 8.3%/năm.

Đến ngày 07/11, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1-3 tháng được nâng lên trong khoảng 4.9-6%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng nằm trong khoảng 6-8%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 6.6-8.8%/năm.

Như vậy, tính đến 07/11/2022, ở kỳ hạn 12 tháng, SCB là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất với 8.8%/năm. Xếp ngay đó là Nam A Bank với mức 8.5%/năm. Thứ 3 là SGB với lãi suất 8.3%/năm.

Ở kỳ hạn 6 tháng, SGB áp dụng lãi cao nhất ở mức 8%/năm, kế đó là NCB với 7.95%/năm. VPBank và Techcombank cùng giữ mức 7.7%/năm.

Theo Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 25/10/2022, trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm.

Một số ngân hàng cũng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức trần 1%/năm như VPBank, Techcombank, SCB

Trước đó, tối 24/10, NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm và các ngân hàng thương mại đã nâng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức kịch trần với kỳ hạn dưới 6 tháng.

Ở nhóm các ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng đã thay đổi biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ cuối tháng 10 với các mức lãi suất gần tương đồng nhau. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-2 tháng được tăng lên mức 4.9%/năm; kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng tăng lên 5.4%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng lên 6%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng lên mức 7.4%/năm.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 07/11/2022

Trước diễn biến của thị trường, chiều 06/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Xét về bình diện toàn hệ thống, thanh khoản các TCTD vẫn đang tốt và hiện có dư thừa. Riêng tháng 10 vừa qua thị trường chịu tác động chủ yếu bởi yếu tố tâm lý và diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện NHNN đã thực hiện vai trò điều tiết thông qua triển khai các công cụ giải pháp đưa tiền ra hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

“Với vai trò điều hành, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả cho các TCTD, đặc biệt là dịp cuối năm”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Cát Lam

FILI