Đẩy mạnh tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Đến nay, các tổ chức tín dụng không ngừng nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, tăng vốn điều lệ; đồng thời, chủ động xây dựng phương án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, xây dựng các phương án phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh diễn biến phức tạp bởi thị trường quốc tế và trong nước.

Chính vì vậy, năng lực tài chính của các ngân hàng được củng cố, chất lượng quản trị điều hành từng bước được nâng cao tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đã có 20 ngân hàng thương mại được công nhận áp dụng chuẩn Basel 2, trong đó có 16 ngân hàng công bố hoàn thành cả ba trụ cột Basel 2. Một số ngân hàng đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và có những bước chuẩn bị hướng tới chuẩn Basel 3...

Gia tăng nguồn vốn

Thời gian qua, nhất là giai đoạn cuối năm 2022, thị trường chứng kiến việc nhiều ngân hàng thương mại liên tục thông báo kế hoạch tăng vốn. Cụ thể, VietinBank công bố kế hoạch huy động 9.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Agribank cũng thông báo phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để tăng vốn cấp 2 nhằm tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, cũng như bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Còn Vietcombank, ngân hàng này cũng cho biết sẽ trình Đại hội đồng cổ đông bất thường (dự kiến tổ chức cuối tháng 1/2023) về việc kéo dài thời gian thực hiện phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu.

Trước đó, thị trường ghi nhận nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tăng vốn thành công. Như SHB đã phát hành thành công hơn 400 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%; qua đó nâng vốn điều lệ lên mức 30.674 tỷ đồng. Hay LienVietPostBank vừa được sửa vốn điều lệ ghi trong giấy phép hoạt động lên 17.291 tỷ đồng; đồng thời thông báo chào bán 1.950 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng đợt 1 năm 2022 để tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện cho vay tới khách hàng trong quý I/2023.

Chia sẻ về các kế hoạch tăng vốn, đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết, giúp ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung-dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hằng năm.

Hiện nay, hệ số CAR được tính theo Thông tư 41 năm 2016 tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel 2, được quy định tối thiểu là 8%. Theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến cuối tháng 10/2022, tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng Thông tư 41 là 422.786 tỷ đồng, tăng 15,23% so với đầu năm.

Trong khi đó, tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại cổ phần đã áp dụng Thông tư 41 là 722.854 tỷ đồng, tăng 18,52% so với đầu năm. Tuy nhiên, theo Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", đến năm 2025, tiếp tục đặt ra yêu cầu triển khai thí điểm áp dụng Basel 2 theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng đã hoàn thành áp dụng Basel 2 theo phương pháp tiêu chuẩn; phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ CAR của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025 đạt tối thiểu 11-12%. Mục tiêu này cũng đặt ra thách thức rất lớn cho các ngân hàng phải liên tục tăng vốn tự có, cũng như quản trị chất lượng tài sản hiệu quả.

Nâng cao hệ số CAR

Trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số CAR của các ngân hàng thương mại nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn, nhiều lãnh đạo thuộc khối "Big 4" đã cùng lên tiếng kiến nghị việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính.

Cụ thể, theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Phạm Quang Dũng, cần tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế.

"Vietcombank rất mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 và 2020 sau khi trích lập các quỹ. Trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Đại hội đồng cổ đông tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước," ông Phạm Quang Dũng cho biết.

Đồng quan điểm về vấn đề trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn chia sẻ, do vốn điều lệ thấp nên theo quy định, với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn bảo đảm hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng. Do vậy trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.

"Chính vì thế nên việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là rất cấp thiết để Agribank bảo đảm hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023. Nhằm phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực tam nông, Chính phủ cần tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023", ông Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến việc tăng vốn của Agribank, TS. Nguyễn Quốc Hùng-Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Agribank để bảo đảm đáp ứng hệ số CAR theo quy định, bởi hiện nay với số vốn điều lệ của Agribank đã sát với ngưỡng cho phép nên nếu không tăng vốn điều lệ sẽ hạn chế cả hoạt động huy động vốn lẫn cho vay.

Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022 để tăng nguồn lực tài chính, bảo đảm chỉ số an toàn vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Ông Phan Đức Tú đưa dẫn chứng, theo thống kê, hệ số CAR đến tháng 10/2022 các ngân hàng thương mại nhà nước là 9,04%, ngân hàng thương mại cổ phần là 12,92%, mức này đang rất thấp so với các nước trong khu vực (Philippines 16,29%; Singapore 17,2%; Malaysia 18,3%; Thái Lan 19,3%; Indonesia 23,3%). Mặt khác, trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3, còn Việt Nam mới thực hiện Basel 2.

Theo Hồng Anh/nhandan.vn

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn