ĐHĐCĐ SGS: 'Nếu tính luôn cổ tức từ Công ty thành viên, ước 6 tháng đầu năm đạt 80% kế hoạch lợi nhuận 2020'

Đó là phát biểu của ông Phạm Văn Hưởng - Tổng Giám đốc CTCP Vận tải biển Sài Gòn (UPCoM: SGS) trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 sáng ngày 19/06/2020.

ĐHĐCĐ SGS: 'Nếu tính luôn cổ tức từ Công ty thành viên, ước 6 tháng đầu năm đạt 80% kế hoạch lợi nhuận 2020'

Đó là phát biểu của ông Phạm Văn Hưởng - Tổng Giám đốc CTCP Vận tải biển Sài Gòn (UPCoM: SGS) trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 sáng ngày 19/06/2020.

Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua. Trong đó, đại hội thông qua kế hoạch chi gần 22 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 15% và dự kiến năm 2020 sẽ chi hơn 20 tỷ đồng với tỷ lệ trên 14%.

Theo TGĐ Phạm Văn Hưởng, “Tới thời điểm này, mặc dù chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, lợi nhuận 5 tháng đầu năm của SGS ước đạt gần 60% kế hoạch, vượt 35% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm sẽ có 2 cơ cấu về doanh thu và lợi nhuận. Cơ cấu thứ nhất về doanh thu hoạt động kinh doanh chính và thứ 2 về doanh thu tài chính (từ công ty liên doanh và công ty con). Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm, SGS chưa nhận được khoản doanh thu tài chính nhưng lợi nhuận đã vượt chỉ tiêu 35%. Hết tháng 6 này hoặc đầu tháng 7, khi nhận được cổ tức từ các Công ty thành viên, dự kiến 6 tháng đầu năm, SGS thực hiện được 80% lợi nhuận cả năm”.

Công ty con

+ CTCP Saigonship Đà Nẵng (chiếm 62.2% vốn)

Công ty liên doanh

+ Công ty TNHH Liên doanh Giao nhận Kho vận Bình Minh - JVS (51%)

+ Công ty Liên doanh TNHH Vận tải thủy SEA Sài Gòn (chiếm 51% vốn): Đã dừng hoạt động và đang giải thể.

Đi sâu vào hoạt động 6 tháng đầu năm, ông Hưởng cho biết thêm: “Hoạt động của trung tâm kho vận so cùng kỳ khá tốt về hoạt động bãi, sản lượng bình quân 5 tháng vừa rồi đạt 16,000 TEUs/tháng, trong khi năm trước đạt 13,000 TEUs/tháng”.

Trả lời ý kiến cổ đông liệu SGS có bị ảnh hưởng từ việc Công ty vận tải thủy SEA Sài Gòn phá sản, khi Công ty này còn đang nợ khoản thuế 2.3 tỷ đồng, ông Hưởng cho hay: “Công ty vận tải thủy SEA Sài Gòn đã dừng hoạt động từ năm 2007, SGS có góp vốn liên doanh với đối tác bên Đan Mạch. Nhận định được rủi ro Công ty này sẽ phá sản, Ban điều hành của giai đoạn trước đã thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ nên không tác động đến tình hình tài chính của SGS” .

ĐHĐCĐ thường niên 2020 của SGS diễn ra sáng ngày 19/06/2020

Kế hoạch lãi 2020 gần như đi ngang

Theo ông Hưởng, năm 2020, Ban quản trị SGS nhận định được những bất ổn đến từ đại dịch Covid-19 nên đã đặt ra kế hoạch doanh thu hơn 102 tỷ đồng, vượt thực hiện năm trước và lãi trước thuế hơn 28.5 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 1 tỷ đồng so với năm trước. Ông Hưởng cũng hứa với cổ đông: “Kế hoạch lãi 28.5 tỷ đồng SGS sẽ cố gắng đạt hoặc vượt con số đã đề ra”.

Kế hoạch tổng doanh thu và lãi trước thuế của SGS qua các năm. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance, Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của SGS

SGS dự kiến năm 2020, Trung tâm kho bãi sẽ mang về cho SGS gần 65 tỷ đồng, 8.5 tỷ đồng từ dịch vụ Logistics và gần 2.9 tỷ đồng doanh thu đến từ đại lý tàu biển. Về hoạt động sản xuất kinh doanh các chi nhánh, trong năm 2020, chi nhánh Hải Phòng sẽ đem về hơn 15 tỷ đồng cho SGS.  

Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của SGS
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của SGS

Điều chỉnh dự án “Nâng cấp và mở rộng kho bãi”

ĐHĐCĐ SGS cũng đã thông qua tờ trình về việc điều chỉnh dự án “Nâng cấp và mở rộng kho bãi”.

Ông Hưởng cho biết 2 kho CFS1 và CFS2 đã xuống cấp, 2 kho này tính tới thời điểm hiện tại đã khấu hao hết và tính hữu dụng không được như ban đầu.

Sau khi phân tích, đánh giá những khó khăn trong thời gian thực hiện những dự án và tình hình tài chính hiện tại, SGS dự kiến sẽ điều chỉnh giảm tổng quy mô dự án từ 659 tỷ đồng xuống còn 367 tỷ đồng, điều chỉnh chức năng phân khu A làm bãi, phân khu B làm kho một tầng hình chữ I và bãi.

Đồng thời, SGS điều chỉnh tiến độ giai đoạn phân khu B thực hiện trước, phân khu A thực hiện sau. Điều chỉnh như trên sẽ nâng cao tính khả thi của dự án như sát với quy mô hiện hữu, đáp ứng nhu cầu vốn của từng giai đoạn, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết do kho bãi xuống cấp và tính pháp lý hiện hữu, mức đầu tư phù hợp.

Tổng vốn đầu tư SGS dự kiến cho dự án này hơn 367 tỷ đồng. Trong đó, phân khu A đầu tư hơn 258 tỷ đồng và 109 tỷ đồng cho phân khu B.

Chi tiết về dự án “Nâng cấp và mở rộng kho bãi”
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của SGS

Mua lại phần vốn góp tại JVS

Theo ông Lê Minh - Phó TGĐ SGS, căn cứ vào tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Liên doanh Giao nhận Kho vận Bình Minh (JVS) và tình hình thực tế của SGS, HĐQT SGS nhận thấy việc chuyển nhượng phần vốn góp của đối tác Nhật Bản là phù hợp và khả thi, tránh rủi ro phần vốn góp được bán lại cho các đối tác khác, nhưng không có chung mục tiêu kinh doanh với SGS sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai kế hoạch kinh doanh sau này.

Đại hội lần này cũng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án mua lại toàn bộ phần vốn góp tại JVS của 2 đối tác Nhật Bản. JVS là Công ty liên doanh được thành lập giữa 3 đối tác là SGS (51% vốn – 33.66 tỷ đồng), bên Nhật Bản gồm 2 Công ty là Mitsui & Co Flobal Logistics (ASIA) Ple.Ltd (25% vốn – 16.5 tỷ đồng) và Mitsui - Soko Holding.,Ltd (24% vốn - 15.84 tỷ đồng).  

Hoạt động kinh doanh chính của Công ty này là cung cấp dịch vụ kho bãi, giao nhận hàng hóa trong nước và quốc tế, khai thuế hải quan, vận tải container bằng đường bộ, lưu kho bãi…

Tiên Tiên

FILI