Dịch Covid, vẫn có hàng trăm cổ phiếu tăng bằng lần sau 9 tháng

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng với việc giãn cách gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp nhưng nhìn chung 9 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý là trên 2 sàn HOSE và HNX (không kể UPCoM), có đến 140 mã cổ phiếu tăng giá bằng lần - hơn gần gấp đôi so với 78 cổ phiếu năm 2020.

Dịch Covid, vẫn có hàng trăm cổ phiếu tăng bằng lần sau 9 tháng

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng với việc giãn cách gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp nhưng nhìn chung 9 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý là trên 2 sàn HOSEHNX (không kể UPCoM), có đến 140 mã cổ phiếu tăng giá bằng lần - hơn gần gấp đôi so với 78 cổ phiếu năm 2020.

Kết phiên 30/09, VN-Index dừng tại mức 1,342.06 điểm, tăng 22.28% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, HNX-Index tăng 81.44%, lên 357.33 điểm. Thanh khoản thị trường cũng tăng vọt với tổng giá trị giao dịch bình quân trong 9 tháng đầu năm trên 1 tỷ USD/phiên.

Dẫn đầu mức tăng giá trên 2 sàn là cổ phiếu của CTCP Louis Capital (HOSE: TGG), tăng gần 4,169%, từ 1,170 đồng/cp cuối năm 2020 lên 50,800 đồng/cp (chốt phiên 30/09). TGG tăng sốc cùng với nhiều cổ phiếu thuộc “hệ sinh thái Louis”. Louis Holdings gây chú ý khi liên tục nâng sở hữu tại nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán từ đầu năm và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến hệ sinh thái này đều tăng rất mạnh như BII (tăng hơn 394%), DDV (tăng hơn 288%), AGM (tăng hơn 185%), SMT (tăng gần 146%) và APG cũng đang tăng.

Chín tháng đầu năm là khoảng thời gian tích cực của các cổ phiếu thuộc nhóm ngành cảng biển và vận tải biển. Nhóm cổ phiếu này hưởng lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng vọt trong lúc chuỗi cung ứng toàn cầu sụp đổ dưới sức nặng của đại dịch Covid-19 khiến giá vận chuyển lên cao hơn bao giờ hết. Các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển đều có mức tăng đáng kể, VOS của CTCP Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS) tăng hơn 904%, HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) tăng gần 269%,...

Trước diễn biến leo thang của giá hàng hóa, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành hóa chất (như DGC, BFC) và thép (NKG, TLH, HSG, VGS) cũng tăng cao.

Ngoài ra, nhóm chứng khoán cũng có nhiều cổ phiếu tăng giá bằng lần như FTS (tăng gần 293%), VDS (tăng gần 225%), VND (tăng gần 181%), TVB (tăng hơn 142%), TVS (tăng hơn 138%),  APS (tăng gần 380%), EVS (tăng hơn 290%), WSS (tăng gần 203%), HBS (tăng gần 188%),  MBS (tăng gần 170%), SHS (tăng hơn 119%).

Khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư

Bên cạnh một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, không ít doanh nghiệp thua lỗ hoặc lãi “còi” nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng bằng lần.

Thời gian qua, cổ phiếu TGG tăng giá mạnh dù đã bị HOSE đưa vào diện kiểm soát từ ngày 07/06/2021 để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Sau đó, HOSE cho phép TGG được giao dịch toàn thời gian dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát từ 09/06/2021.

Việc đầu tư vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, an toàn hay cổ phiếu có kết quả kinh doanh thiếu tích cực nhưng biến động giá cao trong thời gian ngắn tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Lưu ý, nhà đầu tư nên tiếp cận các kênh thông tin chính thống, tránh ra quyết định theo thông tin trên những hội nhóm, diễn đàn thiếu sự kiểm chứng để hạn chế rủi ro. Không ít trường hợp cổ phiếu tăng nóng trong một thời gian ngắn dù kết quả kinh doanh bết bát, sau đó liên tục giảm sàn.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở cổ phiếu dưới mệnh giá, vốn hóa nhỏ. Do thị giá thấp, cổ phiếu dễ tăng mạnh, mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, thu hút nhà đầu tư "lướt sóng". Với những cổ phiếu này, nhà đầu tư thường chỉ nắm giữ ngắn hạn và không quan tâm nhiều đến các yếu tố phía sau. Nhà đầu tư không có nhiều kinh nghiệm và không sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao cần cân nhắc khi đổ tiền vào những cổ phiếu này.

Gia Nghi

FILI