Điểm mặt cổ phiếu bị hủy niêm yết, xuống UPCoM còn bị “treo giò”

Bên cạnh những cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ, cũng có những cổ phiếu buộc rời sàn HOSE và HNX do thiếu minh bạch về công bố thông tin.

Điểm mặt cổ phiếu bị hủy niêm yết, xuống UPCoM còn bị “treo giò”

Bên cạnh những cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ, cũng có những cổ phiếu buộc rời sàn HOSEHNX do thiếu minh bạch về công bố thông tin.

Nguồn: HOSE, HNX

Hủy niêm yết vì không minh bạch

Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có tổng cộng 13 mã cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSEHNX. Trong đó, HOSE hủy niêm yết bắt buộc 4 mã cổ phiếu và còn lại 9 mã phải rời sàn HNX.

Nhìn chung, lý do buộc các cổ phiếu này phải “rời khỏi sàn” là vì doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên hay không minh bạch về công bố thông tin.

Điển hình, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa qua đã quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 16 triệu cp TS4 kể từ ngày 13/09/2021, giá trị cổ phiếu bị hủy niêm yết gần 162 tỷ đồng.

Trước đó, TS4 đã nhiều lần bị nhắc nhở về việc chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, báo cáo thường niên năm 2020, đồng thời bị nhắc nhở việc chậm công bố giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2020 so với năm 2019, chênh lệch trước và sau khi kiểm toán và giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ, nhấn mạnh đối với báo cáo tài chính năm 2020.

Cũng về vấn đề công bố thông tin, cổ phiếu TS4 vào tháng 5/2021 vừa qua bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vì vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo do cùng vi phạm.

Sau đó, TS4 bị đưa vào diện tạm ngưng giao dịch kể từ ngày 23/06 do tiếp tục vi phạm về công bố thông tin. Đến đầu tháng 7, HOSE cho biết TS4 bị đưa vào diện kiểm soát vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 2 năm liên tiếp 2019 và 2020 đều lần lượt âm 9.36 tỷ đồng và 144.28 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2020 âm 147.28 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía TS4 được công bố vào cuối tháng 6, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với việc kinh doanh bán hàng bị sụt giảm, Công ty này đã bắt buộc phải cho 90% cán bộ công nhân viên nghỉ việc ở các chi nhánh và văn phòng tại TP. HCM, các nhân viên còn lại phải đảm nhiệm công việc quá nhiều nên không kịp nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề như tập hợp số liệu, liên hệ với khách hàng để xác nhận công nợ hay các công việc liên quan nên việc cung cấp số liệu cho đơn vị kiểm toán bị chậm trễ và không đúng tiến độ.

Tuy nhiên, dù đã giải trình nhưng TS4 không đưa ra bất kỳ phương án khắc phục cụ thể nào cho việc thiếu minh bạch về việc công bố thông tin của mình. Và một lần nữa Công ty lại bị HOSE nhắc nhở chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021.

Trước sự “chây ì” này, HOSE kết luận rằng TS4 đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.

Bị treo giò sau khi xuống UPCoM

Sau khi bị “lọt sàn”, hệ thống giao dịch UPCoM chính là mái nhà chung đón nhận các cổ phiếu này. Tuy nhiên, trên sàn UPCoM, các cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ bị “treo giò” khi chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần vì hậu quả trước đó chưa được khắc phục.

Nguồn: HOSE, HNX

Điển hình, hơn 5 triệu cp LO5 bị hạn chế giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 13/05 và sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần cho đến khi có thông báo mới.

Nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế giao dịch đến từ kết quả kinh doanh của Công ty khi vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2020 ghi nhận âm gần 15.5 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 05/05/2021, cổ phiếu LO5 đã chính thức bị hủy niêm yết do ghi nhận lỗ ròng 3 năm liên tiếp từ 2018-2020. Ngoài ra, tổng số lỗ lũy kế của Công ty cũng đã vượt quá số vốn điều lệ thực góp ghi tại BCTC kiểm toán 2020.

Tương tự, cổ phiếu HLY sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc vào ngày 19/04/2021 thì lại bị hạn chế giao dịch trên UPCoM do Công ty đang khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa khắc phục được số lỗ lũy kế hơn 14 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu và các cổ đông nhỏ sẽ bị thiệt hại lớn, do hầu hết cổ phiếu trước khi hủy niêm yết đều rơi vào tình trạng thị giá tụt dốc không phanh. Mức giá thường dưới giá niêm yết rất nhiều, thanh khoản èo uột thậm chí nhiều cổ phiếu bị mất thanh khoản nên rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt.

Hoặc ngược lại có không ít trường hợp các cổ phiếu trước thời điểm hủy niêm yết còn xảy ra hiện tượng tăng giá vì có những thông tin đồn đoán về việc có nhà đầu tư mới sẽ tái cấu trúc, được công ty lớn thâu tóm. Điều này khiến cho nhà đầu tư lao vào gom cổ phiếu như con thiêu thân để rồi sau đó phải “ôm hận”.

Để bảo vệ chính mình, cách tốt nhất là đừng bao giờ “đụng” vào cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết khi nhận thấy các dấu hiệu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ nặng nề triền miên (có thể biết được bằng cách phân tích báo cáo tài chính) hoặc cổ phiếu bị Sở Giao dịch Chứng khoán đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Nếu có lỡ sa chân vào vũng lầy, nhà đầu tư được khuyên nên đợi đến khi cổ phiếu của công ty bị hủy niêm yết chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM thì đặt lệnh bán để thu tiền về hay liên hệ Công ty chứng khoán nơi mở tài khoản, để nhờ họ can thiệp giải quyết.

Không đảm bảo cả 2 cách sẽ thành công, nhưng “còn nước thì còn tát”, điều này có thể sẽ giúp nhà đầu tư lấy về được một phần vốn mà không bị mất trắng.

Ái Minh

FILI