Doanh nghiệp bất động sản KCN có gần 11.000 tỷ "của để dành", bán hết cổ phiếu GVR, CSM trong quý 4

Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022. Trong kỳ, doanh thu của SIP giảm nhẹ 1% xuống mức 1.440 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí giá vốn giảm mạnh hơn giúp lợi nhuận gộp vẫn tăng gấp đôi cùng kỳ lên 271 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng 45% lên mức 106 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 302 tỷ đồng tăng trưởng 73% so với quý 4/2021. Riêng lợi nhuận công ty mẹ đạt 242 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, giá vốn giảm chủ yếu do giá vốn của dịch vụ cấp điện nước giảm so với cùng kỳ, trong khi doanh thu tài chính tăng tới từ việc tăng nguồn từ bởi lãi tiền gửi và lãi cho vay.

Doanh nghiệp bất động sản KCN có gần 11.000 tỷ của để dành, bán hết cổ phiếu GVR, CSM trong quý 4 - Ảnh 1.

Luỹ kế năm 2022, SIP đạt doanh hu 6.034 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 902 tỷ đồng. Khấu trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng 10% so với thực hiện năm trước lên 909 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 835 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản KCN có gần 11.000 tỷ của để dành, bán hết cổ phiếu GVR, CSM trong quý 4 - Ảnh 2.

Tại ngày 31/12/2022, SIP có tổng tài sản 18.965 tỷ đồng, tăng 1.148 tỷ đồng so với con số đầu năm. Trong đó nợ phải trả của SIP đạt 15.304 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp.

Tài sản sản tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận gần 411 tỷ đồng, giảm hơn 360 tỷ so với đầu năm. Tiền gửi có kỳ hạn lên tới gần 3.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơ cấu nợ phải trả của SIP khác nhiều so với doanh nghiệp khác khi vay nợ thuê tài chính ngắn hạn chỉ gần 690 tỷ đồng còn lại đều là phần doanh thu chưa thực hiện. Cụ thể, SIP có 320 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn và 10.610 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn.

Như vậy, tổng cộng SIP có gần 11.000 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, tăng 600 tỷ so với con số đầu năm. Đây là doanh thu nhận trước của khách hàng thuê đất khu công nghiệp và là "của để dành" để phân bổ dần trong những năm tài chính sắp tới của công ty.

Về hoạt động đầu tư chứng khoán, giá trị ghi nhận cuối quý 4/2022 đạt hơn 126 tỷ đồng, giảm tới 315 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Theo thuyết minh, trong quý 4, SIP đã bán toàn bộ cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (giá gốc 117 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3), CSM của Cao su Miền Nam (giá gốc 127 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3). Hiện doanh nghiệp chỉ còn nắm giữ cổ phần tại Cao su Tây Ninh - TRC (giá gốc 122 tỷ đồng, giá thị trường đạt 121 tỷ đồng, tương ứng lỗ gần 1 tỷ đồng). Ghi nhận trong cả năm 2022, doanh thu từ bán các khoản đầu tư của SIP ghi nhận hơn 45 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty cũng có 999 tỷ đồng đầu tư vào công ty kinh doanh liên kết đó là Công ty cổ phần Khoáng sản Fico Tây Ninh, Công ty Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (752 tỷ đồng) và CTCP Phát triển đô thị và KCN Cao su Việt Nam (220 tỷ đồng).

Doanh nghiệp bất động sản KCN có gần 11.000 tỷ của để dành, bán hết cổ phiếu GVR, CSM trong quý 4 - Ảnh 3.

Hiện công ty đang có danh mục các dự án xây dựng dở dang 2.583 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ so với đầu năm, cụ thể là Dự án KCN - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông Bời Lời với 1.236 tỷ đồng, Dự án KCN Đông Nam 373 tỷ, Dự án KCN Lê Minh Xuân 3 607 tỷ đồng, Dự án KCN Lộc An - Bình Sơn đạt 183 tỷ đồng, Dự án Cảng Thanh Phước 121 tỷ đồng.

SIP có 1.502 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, vốn chủ sở hữu đạt 3.661 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, SIP chốt phiên 31/1 ở mức 90.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá đạt 8.010 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản KCN có gần 11.000 tỷ của để dành, bán hết cổ phiếu GVR, CSM trong quý 4 - Ảnh 4.

Xem thêm tại cafef.vn