Doanh nghiệp cao su quý 1: Covid-19 kìm doanh thu, thu nhập khác cứu lợi nhuận

Sau một năm khó khăn vì thương chiến, việc kinh doanh mủ cao su tiếp tục bị chặn đầu trong 2020 khi Covid-19 xuất hiện và bào mòn nhu cầu tiêu thụ. Điểm sáng là doanh nghiệp cao su vốn sở hữu nền tảng tài chính lành mạnh, và một số đang rẽ hướng sang mảng kinh doanh béo bở hơn là khu công nghiệp.

Doanh nghiệp cao su quý 1: Covid-19 kìm doanh thu, thu nhập khác cứu lợi nhuận

Sau một năm khó khăn vì thương chiến, việc kinh doanh mủ cao su tiếp tục bị chặn đầu trong 2020 khi Covid-19 xuất hiện và bào mòn nhu cầu tiêu thụ. Điểm sáng là doanh nghiệp cao su vốn sở hữu nền tảng tài chính lành mạnh, và một số đang rẽ hướng sang mảng kinh doanh béo bở hơn là khu công nghiệp.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su đạt 227,000 tấn, trị giá 331 triệu USD, giảm 33% về lượng và giảm hơn 26% về giá trị so với cùng kỳ 2019.

Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo nhu cầu cao su toàn cầu sẽ giảm 8.2% trong tháng 4 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dự báo trên còn chưa tính đến việc điều chỉnh giảm nhu cầu tại Ấn Độ, cũng như giảm xuất khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia khi các nước này đang đối mặt tình trạng khẩn cấp và lệnh phong tỏa.

Giá cao su trên thị trường thế giới phiên 01/04 chạm mức thấp nhất 11 năm. Nhu cầu cao su trên toàn cầu giảm do dịch Covid-19 khi hàng loạt nhà máy ô tô buộc phải tạm dừng sản xuất (đặc biệt là tại Trung Quốc), làm giảm nhu cầu lốp xe, trong khi giá dầu thô giảm mạnh.

Theo các BCTC đã công bố, doanh thu của nhóm doanh nghiệp cao su thiên nhiên đa phần đều sụt giảm, phản ánh sự bấp bênh của mảng kinh doanh cốt lõi. Tuy vậy, thành tích lợi nhuận phân hóa khi Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC), Phước Hòa (HOSE: PHR), Thống Nhất (HOSE: TNC) ghi nhận tăng trưởng vượt bậc, Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) sụt giảm nặng nề, còn Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRG), Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI) và Cao su Công nghiệp (UPCoM: IRC) ngậm ngùi báo lỗ.

Các mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2020 của doanh nghiệp không đến từ việc kinh doanh mủ cao su. Lãi ròng TRC tăng mạnh nhờ thanh lý tài sản cố định; đối với PHR là nguồn thu tiền đền bù đất dự án khu công nghiệp lên đến 156 tỷ đồng; trong khi đó, TNC lãi gấp 17.3 lần cùng kỳ nhờ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia.

Với RTB, dù việc sụt giảm lợi nhuận quý 1/2020 có phần đóng góp của sự suy yếu doanh thu và biên lãi gộp co lại, tuy nhiên, khác biệt lớn trong kết quả cuối cùng so với quý 1/2019 là việc không có nguồn thu 19.8 tỷ đồng từ thanh lý vườn cây.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su trong quý 1/2020
Đvt: Tỷ đồng

Quý khởi đầu 2020 vẫn là bức tranh tiếp nối tình hình những năm gần đây của doanh nghiệp cao su, khi các hoạt động “ngoài luồng” cứu cánh lợi nhuận.

Năm nay, mảng kinh doanh mủ cao su sẽ còn bị nhận chìm bởi đại dịch Covid-19.  Theo chia sẻ từ DRG, giá bán cao su giảm trong quý 1, lượng khách hàng quan tâm đến sản phẩm thấp, đặc biệt là đối với sản phẩm dùng cho ngành công nghiệp săm lốp. Thậm chí, việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ cao su cũng gặp khó khăn. Trong quý 1/2020, DRG chưa thanh lý được cây cao su và đành báo lỗ ròng gần 6.9 tỷ.

Những ngày đầu tháng 4 tiếp diễn không mấy thuận lợi. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 ngày đầu tháng, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt vẫn ở mức thấp, dù đã tăng trở lại. Nhiều chuyên gia nhận định giá sẽ còn duy trì như hiện tại hoặc thậm chí giảm nữa trong tháng 4 này.

Hoạt động cốt lõi tổn hại, tuy nhiên, Covid-19 cũng mở ra một cơ hội dài hơi cho các doanh nghiệp cao su, vốn là những đơn vị quản lý hàng ngàn ha đất.

KHÓA HỌC ONLINE

Chứng khoán Cơ bản

  • Khai giảng: 25/5/2020
  • Ưu đãi 50% ++

Hotline: 0908 16 98 98

>>Đăng ký ngay

Theo báo cáo mới đây của VinaCapital, khủng hoảng chuỗi cung ứng gây nên bởi dịch bệnh sẽ thôi thúc hơn nữa các nhà sản xuất dịch chuyển cơ sở ra khỏi Trung Quốc. Việc chứng kiến chuỗi cung ứng đóng băng những ngày quốc gia tỷ dân bị phong tỏa là động lực thậm chí còn mạnh hơn so với làn sóng dịch chuyển nhằm tránh thuế quan trong chiến tranh thương mại.

Đến nay, một số doanh nghiệp cao su đã có những bước rẽ sang lĩnh vực màu mỡ bất động sản khu công nghiệp (KCN). Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) đang triển khai chuyển đổi diện tích trồng cao su sang KCN tại PHR, DPR, Cao su Dầu Tiếng, Bà Rịa, Mang Yang, Krông Buk.

Trước mắt, DPR sẽ mở rộng thêm 317 ha đối với KCN Bắc Đồng Phú và xin quy hoạch 480 ha mở rộng KCN Nam Đồng Phú cho giai đoạn 2025-2030.

Đối với PHR, sẽ có 5 KCN được triển khai trong tương lai dài hơi. Theo chuyên viên phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), các khu công nghiệp của PHR đều tọa lạc tại những vị trí đắc địa của Bình Dương, do đó, giá thuê kỳ vọng sẽ ở mức cao. Trong năm 2020, thành tích lợi nhuận của PHR cũng phụ thuộc nhiều vào hoạt động chuyển nhượng đất, như đã thấy trong quý 1. Hiện, Công ty đang làm việc với Nam Tân Uyên (HOSE: NTC) và VSIP về tiến độ chi trả tiền hỗ trợ đền bù đất đai.

Một doanh nghiệp cao su nữa là HRC cũng đã có chủ trương hợp tác với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Khu Công nghiệp (Becamex) đầu tư dự án KCN , dịch vụ, tái định cư lên đến 2000 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thừa Vân

FILI