Doanh nghiệp dệt may khởi động thuận lợi trong quý 1

Ngành dệt may quý đầu năm 2022 đã có những dấu hiệu khởi sắc nhờ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ thị trường xuất khẩu và đơn hàng phục hồi.

Doanh nghiệp dệt may khởi động thuận lợi trong quý 1

Ngành dệt may quý đầu năm 2022 đã có những dấu hiệu khởi sắc nhờ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ thị trường xuất khẩu và đơn hàng phục hồi.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 8.68 tỷ USD, tăng 20.3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1.46 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam lớn nhất với trị giá đạt 4.3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50.3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp theo là thị trường EU với 896 triệu USD, tăng 31%; thị trường Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 7%...

Trong 24 doanh nghiệp dệt may trên sàn công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm 2022, có 18 doanh nghiệp tăng lãi, 3 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ và 1 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.

Tổng doanh thu và lãi ròng của các doanh nghiệp này đạt hơn 17,963 tỷ đồng (tăng 30%) và 1,049 tỷ đồng (tăng 44%).

Doanh nghiệp sàn UPCoM “dậy sóng”

Đứng đầu nhóm bứt phá là Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) với lãi ròng gần 26 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ doanh thu tăng.

Nhu cầu và giá bán của ngành sợi tăng, đồng thời tận dụng được lợi thế về giá nguồn nguyên liệu đầu vào thấp đã giúp lãi ròng Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) tăng gấp 3.5 lần, lên gần 73 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dệt may báo lãi ròng tăng trưởng trong quý 1 (Đvt: Tỷ đồng)

Hay như Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (UPCoM: HSM), May mặc Bình Dương (UPCoM: BDG), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) cũng đồng loạt báo lãi tăng bằng lần.

Trong đó, "ông lớn" Vinatex thu về gần 200 tỷ đồng lãi ròng, gấp đôi so với cùng kỳ. Đơn vị cho biết, nhờ tận dụng được các lợi thế của thị trường từ cuối năm 2021, hầu hết các đơn vị sợi của Tập đoàn đã có được các đơn hàng với giá bán tốt, cộng thêm việc dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị đã đưa ra những quyết sách phù hợp, dự trữ được lượng bông lớn với giá thành rẻ, nhờ đó thu được kết quả rất tích cực. Ngoài ra, đầu năm 2022, các đơn vị may trong Tập đoàn cũng mang lại những kết quả rất tích cực do dịch bệnh đã được kiểm soát, các đơn vị may đã ổn định lao động, ổn định sản xuất với đơn hàng gia tăng.

Một doanh nghiệp khác cũng báo lãi hơn trăm tỷ đồng là Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL) với con số đạt hơn 107 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ nhờ doanh thu tăng và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất bán.

Loạt doanh nghiệp cũng báo lãi ròng tăng so với cùng kỳ như Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), Tổng CTCP Phong Phú (UPCoM: PPH)…

Màu u ám phảng phất

Trong khi phần đông doanh nghiệp lần lượt khoe lãi lớn, một số công ty lại đón kết quả đáng buồn. Lợi nhuận hoạt động tài chính giảm đã kéo lãi ròng Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (UPCoM: SGI) tụt dốc 57%, xuống còn 25 tỷ đồng.

Thê thảm hơn, đơn hàng xuất khẩu giảm trong khi phải chuyển gia công may trong nước và năng suất chưa đạt theo lộ trình đã khiến Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) ôm lỗ hơn 8 tỷ đồng trong quý 1/2022.

Doanh nghiệp dệt may báo lãi ròng giảm và thua lỗ trong quý 1 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Một trường hợp khác, lỗ chồng lỗ 13 quý liên tiếp đã nâng tổng lỗ lũy kế của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) cán mốc 466 tỷ đồng. Đáng chú ý, 50 triệu cp FTM sẽ chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE vào ngày 16/05 tới đây (ngày giao dịch cuối cùng là 13/05/2022) do kinh doanh thua lỗ 3 năm liền và tổ chức kiểm toán có ý kiến đối với BCTC trong 3 năm lỗ liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

* Doanh nghiệp dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022

* Nhà máy mới dần đi vào hoạt động, cổ phiếu dệt may có hấp dẫn?

Tiên Tiên

FILI