Doanh nghiệp hàng không hồi phục sau cơn bạo bệnh

Hình ảnh sân bay đông đúc trở lại những ngày gần đây cho thấy ngành hàng không đã hồi phục trở lại sau giai đoạn dịch bệnh, đồng thời vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng hơn trong tương lai.

Doanh nghiệp hàng không hồi phục sau cơn bạo bệnh

Hình ảnh sân bay đông đúc trở lại những ngày gần đây cho thấy ngành hàng không đã hồi phục trở lại sau giai đoạn dịch bệnh, đồng thời vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng hơn trong tương lai.

Tại Việt Nam, thị trường hàng không nội địa hồi phục từ tháng 4, thậm chí còn tăng mạnh hơn trước dịch. Trong tháng 6/2022,  đã đón 5 triệu lựơt khách, tăng 21% so tháng 5 và tăng 39% so tháng 6/2019 (tháng cao điểm hè trước khi xảy ra dịch COVID-19).

“Đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không nội địa đã hoàn toàn hồi phục và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 2 năm nay”, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá. Trong khi đó, thị trường bay quốc tế cũng đang từng bước mở cửa trở lại. Điều này tiếp thêm sinh khí cho một ngành công nghiệp vừa trải qua “cơn bạo bệnh COVID-19”.

Doanh thu và lãi ròng của các doanh nghiệp hàng không quý 2/2022

Đvt: Tỷ đồng

Hoạt động cốt lõi hồi sinh

Sức sống đã trở lại với ngành hàng không và được thể hiện qua những bước tăng phi mã về doanh thu.

Hai hãng hàng không Vietnam AirlinesVietjet chứng kiến doanh thu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ trong quý 2, lên tương ứng 18.3 ngàn tỷ và 11.6 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, Bamboo Airways cũng ghi nhận doanh thu quý 2 tăng 50% so với quý 1, và vượt 30% so với kế hoạch đầu năm 2022, theo lời của tân Chủ tịch Đặng Tất Thắng.

Sân bay nhộn nhịp trở lại cũng tạo cú huých cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Đại gia sở hữu hơn 23 sân bay tại Việt Nam ghi nhận doanh thu tăng vọt 118%, lợi nhuận gộp gấp 22 lần so với cùng kỳ.

Đồng thời, cũng tác động tích cực  lan sang các doanh nghiệp có hoạt động gắn liền với sân bay như NCS (suất ăn sân bay), AST (suất ăn, cửa hàng miễn thuế), SAS, ASG (hàng hóa tại sân bay), MAS (dịch vụ sân bay), SGN (dịch vụ mặt đất sân bay). Hầu hết đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ.

Bên cạnh sự cải thiện về hoạt động kinh doanh, mức tăng trưởng mạnh còn đến từ việc so sánh với mức nền rất thấp trong quý 2/2022 – giai đoạn dịch bệnh ngăn cản hành khách đến sân bay.

Doanh thu và lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp hàng không quý 2/2022

Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Riêng hai công ty vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không SCSNCT không thay đổi quá nhiều vì họ vốn dĩ cũng hoạt động bình thường trong bối cảnh dịch bệnh.

Các hãng bay vẫn chưa thoát lỗ

Dù đã có những bước cải thiện đáng kể, nhiều hãng hàng không vẫn “ngậm ngùi” báo lỗ. Nguyên nhân là do giá nhiên liệu bay tăng vọt theo đà tăng của giá dầu và thị trường quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn.

Quý 2/2022, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ ròng tới 2.6 ngàn tỷ đồng khi giá năng lượng và chi phí tài chính tăng mạnh. Đây đã là quý lỗ thứ 10 liên tiếp của hãng hàng không quốc gia và hiện đang lỗ lũy kế gần 29,000 tỷ đồng.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo hãng hàng không quốc gia, giá xăng máy bay bình quân nửa đầu năm nay lại cao gấp đôi cùng kỳ, trong khi nhiên liệu bay chiếm ước tính 40% chi phí khai thác của Vietnam Airlines.

Các yếu tố này cũng “gieo sầu” cho tân binh Vietravel Airlines. Hãng hàng không này vẫn đang lỗ hơn 50 tỷ đồng trong quý 2/2022. Về phần Bamboo Airways, hãng hàng không này vẫn ghi nhận lỗ gần 955 tỷ đồng trong báo cáo hợp nhất của Tập đoàn FLC.

Chỉ duy nhất hãng bay Vietjet lãi ròng 180 tỷ đồng trong quý 2/2022, dù ghi nhận chi phí tài chính tăng 5 lần so với cùng kỳ.

Nguồn thu tài chính và lãi ròng của các doanh nghiệp hàng không quý 2/2022

Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Nhiều doanh nghiệp dịch vụ hàng không chuyển lỗ thành lãi

Trong quý 2, đại gia sân bay ACV báo lãi kỷ lục 2.6 ngàn tỷ đồng, một phần là nhờ có thêm lãi tiền gửi ngân hàng và lãi tỷ giá (chủ yếu từ chênh lệch tỷ giá đồng Yên).

Tập đoàn ASG lãi ròng gấp 14 lần cùng kỳ, lên 76 tỷ đồng. Tuy nhiên, đà tăng mạnh này phần lớn xuất phát từ doanh thu tài chính (73 tỷ đồng).

Ba doanh nghiệp dịch vụ hàng không AST, SAS, MAS chuyển từ lỗ sang lãi trong quý 2/2022. Cụ thể, AST lãi 14 tỷ đồng và MAS lãi nhẹ 280 triệu đồng. Còn SAS lãi đậm 84 tỷ đồng, một phần đến từ khoản thu tài chính (38 tỷ đồng). SGN cũng lãi gấp 31 lần so với cùng kỳ.

Trong khi đó, bức tranh kinh doanh của hai doanh nghiệp vận tải hàng hóa SCSNCT gần như đi ngang, lần lượt ghi nhận lãi ròng ở mức 153 tỷ đồng và 53 tỷ đồng.

Đánh giá về triển vọng ngành hàng không nửa cuối năm 2022, giới phân tích cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ cao hơn nửa đầu năm, do nhu cầu đi lại trong nước có xu hướng hồi phục mạnh và các đường bay quốc tế đang dần được nối lại.

Dù đâu đó vẫn có doanh nghiệp vẫn chưa thoát lỗ, nhưng hình ảnh sân bay chật ních người đã vẽ nên một viễn cảnh tươi sáng hơn của ngành hàng không Việt Nam và phần nào làm yên lòng cổ đông sau giai đoạn chao đảo vì dịch bệnh.

Vũ Hạo

FILI