Doanh nghiệp “họ Louis” ngậm trái đắng trong quý 2

Các doanh nghiệp liên quan đến vụ thao túng giá cổ phiếu của ông Đỗ Thành Nhân – còn gọi là cổ phiếu “họ Louis” – đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 2.

Doanh nghiệp “họ Louis” ngậm trái đắng trong quý 2

Các doanh nghiệp liên quan đến vụ thao túng giá cổ phiếu của ông Đỗ Thành Nhân – còn gọi là cổ phiếu “họ Louis” – đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 2.

Nửa cuối năm 2021, thị trường chứng khoán dậy sóng trước sự xuất hiện của cổ phiếu “họ Louis”. Cổ phiếu liên tục tăng trần, kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp trong hệ sinh thái dưới trướng của ông Đỗ Thành Nhân cũng hết sức ấn tượng.

Tuy nhiên, cuộc vui chỉ kéo dài được vài tháng, tối ngày 20/04/2022, ông Đỗ Thành Nhân bị bắt tạm giam. Người đàn ông từng được mệnh danh là sở hữu “bàn tay vàng của vua Midas” đã tạo dựng nên cái gọi là “hệ sinh thái họ Louis”, biến các cổ phiếu nhóm này tăng giá gấp vài chục lần chỉ trong thời gian ngắn. Rồi cũng chính tay ông đánh bay chúng, khiến các nhà đầu tư mắc kẹt trong hàng chục triệu cổ phiếu mất thanh khoản với thị giá giảm hàng chục phần trăm trong tích tắc.

*Hành trình hóa vàng cổ phiếu của ông Đỗ Thành Nhân

Một loạt bất ổn về cổ phiếu lẫn người đứng đầu khiến doanh nghiệp “họ Louis” đều ghi nhận kết quả kinh doanh quý 2/2022 kém tích cực.

Đầu tiên TGG (Louis Capital) – doanh nghiệp từng là cánh tay đắc lực giúp ông Nhân thực hiện các vụ thâu tóm trên sàn để mở rộng hệ sinh thái “họ Louis”. Trong quý 2/2022, TGG cải thiện được doanh thu thuần nhờ hợp nhất báo cáo với các công ty con (đạt gần 210 tỷ đồng, gấp 11.6 lần cùng kỳ), với khoản thu chính từ hoạt động bán hàng và kinh doanh gạo từ các công ty con. Tuy nhiên, hệ quả của việc hợp nhất báo cáo các công ty con là các chi phí của Công ty cũng tăng theo. Và đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ không còn ghi nhận hoàn nhập dự phòng, qua đó khiến chi phí quản lý biến động mạnh, TGG phải báo lỗ ròng gần 9 tỷ đồng.

Diễn biến lãi ròng của TGG trong quý 1 và 2 giai đoạn 2020-2022

Bên cạnh ảnh hưởng của việc trích lập dự phòng, TGG còn cho rằng nguyên nhân dẫn đến kết quả kém khả quan do Công ty chưa có khoản lợi nhuận nào đáng kể từ việc đầu tư kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên nhờ kết quả quý 1 khả quan từ việc bán cổ phiếu LDP, lũy kế nửa năm TGG vẫn có lãi ròng gần 10 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, TGG chỉ mới đạt lần lượt đạt 48% mục tiêu doanh thu, và 8% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

BII (CTCP Louis Land) – doanh nghiệp TGG đang nắm 5% cổ phần - vốn là thương vụ đầu tiên trong chuỗi “hóa vàng” cổ phiếu của ông Nhân. Quý 2/2022, với giá vốn chiếm hơn 99%, lãi gộp của BII giảm chỉ còn xấp xỉ 1.3 tỷ đồng. Cùng với việc doanh thu tài chính gần như bằng 0 khiến Công ty lỗ 7.4 tỷ đồng. Khi mới niêm yết năm 2021, BII từng có doanh thu kỷ lục và lãi ròng gấp đôi so với năm trước đó. Kết quả quý 2 vừa qua có vẻ như báo hiệu một bức tranh kinh doanh tối màu năm 2022 của BII.

Tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1 và 2 của BII từ 2020 tới nay

Theo giải trình của ban lãnh đạo BII, sự tác động kéo dài của dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh bất động sản của Công ty gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, các dự án của BII cũng đang trong giai đoạn phát triển nên chưa ghi nhận doanh thu.

Tiếp đến là “vua gạo” Xuất nhập khẩu An Giang (HOSE: AGM), nơi ông Nhân cùng các công ty liên quan từng ra tay mua trên 51% cổ phần từ Nguyễn Kim (hiện vẫn đang năm 51%). Trong quý 2, doanh nghiệp này ghi nhận mức lỗ ròng gần 10 tỷ đồng, ghi nhận lần đầu thua lỗ trong 6 năm gần nhất.

AGM lỗ ròng 10 tỷ đồng trong quý 2/2022

Theo lý giải của AGM, Công ty đã tiếp tục đẩy mạnh bán hàng xuất khẩu, ký kết các hợp đồng mới và tăng lượng tiêu thụ cung ứng xuất khẩu giúp doanh thu thuần gấp đôi cùng kỳ, lên hơn 1.36 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bật tăng, gấp đôi so với cùng kỳ đã kéo biên lợi nhuận gộp xuống chỉ còn 3.8%. Chi phí bán hàng, logistic tăng mạnh cũng khiến hiệu quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng lớn.

Đặc biệt, Công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán tới 27.5 tỷ đồng. Dù không thuyết minh cụ thể danh mục đang nắm giữ, nhưng đây là nguyên nhân chủ yếu khiến AGM chịu lỗ ròng gần 10 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Chứng khoán APG (HOSE: APG) – mã cổ phiếu đầu tiên được TGG nhắm tới, cũng có một quý đạt kết quả ảm đạm. Doanh thu hoạt động của APG đã tăng thêm 40 tỷ đồng, lên gần 74 tỷ đồng. Nhưng về mảng tự doanh, Công ty không có lãi tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL). Chi phí hoạt động lại tăng đột biến lên hơn 173 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ hơn 1 tỷ đồng) do ghi nhận lỗ tài sản FVTPL gấp 536 lần cùng kỳ (170 tỷ đồng). 

Diễn biến lợi nhuận ròng của APG trong quý 1 và 2 từ 2020-2022

Chi phí này tăng kéo theo mảng tự doanh lỗ hơn 170 tỷ đồng. Kết quả, APG lỗ sau thuế gần 77 tỷ đồng. Thời điểm cuối tháng 6/2022, APG đầu tư cổ phiếu niêm yết với giá trị còn lại 379 tỷ đồng. Ước tính theo giá thị trường, khoản mục này đang tạm lỗ hơn 30 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác liên quan đến hệ sinh thái “họ Louis” là CTCP Sametel (HNX: SMT) – nơi TGG sở hữu 51% vốn. Trong quý 2, SMT báo lỗ sau thuế hơn 5.3 tỷ đồng, cùng kỳ cũng lỗ gần 1.8 tỷ đồng.

Diễn biến lợi nhuận ròng của SMT trong quý 1 và 2 từ 2020 tới nay

Doanh thu tăng 18% lên hơn 65.5 tỷ đồng nhờ đơn hàng cáp quang trúng thầu cuối năm 2021, nhưng giá vốn đội lên đến 28% do giá đầu vào nguyên vật liệu tăng lên. Đáng chú ý, chi phí tài chính trong kỳ gấp 3 lần, lên hơn 3.5 tỷ đồng do Công ty tăng dư nợ vay trong khi lãi suất ngân hàng biến động tăng theo thị trường, đồng thời Công ty còn lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Hiện thị giá các mã cổ phiếu “họ Louis” đều đã chia nhiều lần giá trị so với thời kỳ cực thịnh được “bơm thổi”, như BII đang giao dịch ở mức 4,900 đồng/cp; AGM là 28,150 đồng/cp; TGG là 6,640 đồng/cp; APG là 8,260 đồng/cp; SMT là 12,000 đồng/cp.

Hồng Đức

FILI