Doanh nghiệp lần đầu tiên nếm mùi thua lỗ vì Covid-19

Khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện, những doanh nghiệp này vẫn “bình yên vô sự”. Thế nhưng, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi dịch Covid-19 trở lại lần nữa với biến chủng Delta, doanh nghiệp vốn “bất bại” trên thương trường cũng đành phải “đầu hàng” ôm lỗ.

Doanh nghiệp lần đầu tiên nếm mùi thua lỗ vì Covid-19

Khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện, những doanh nghiệp này vẫn “bình yên vô sự”. Thế nhưng, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi dịch Covid-19 trở lại lần nữa với biến chủng Delta, doanh nghiệp vốn “bất bại” trên thương trường cũng đành phải “đầu hàng” ôm lỗ.

Trong đợt dịch lần thứ 4 với diễn biến phức tạp, Thành phố Hồ Chí Minh – “đầu tàu” nền kinh tế cả nước, đã trở thành tâm dịch “nước sôi lửa bỏng” và bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi biến chủng Delta gây ra.

Dịch Covid-19 “chưa từng có tiền lệ” đã chi phối mọi khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội, gây ra cú sốc cho hàng loạt doanh nghiệp. Những doanh nghiệp chưa từng nếm trải mùi vị thất bại trên thương trường kể cả trong đợt dịch đầu tiên, thì trong đợt dịch lần này, dưới chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó” để chống dịch Covid-19, doanh nghiệp cũng đành phải chấp nhận chịu lỗ khi hoạt động kinh doanh gần như bị tê liệt trong quý 3 - quý cao điểm bùng phát của đại dịch tại các tỉnh phía Nam.

Đóng băng vì giãn cách xã hội

Nguồn: VietstockFinance

Trong số các doanh nghiệp lần đầu tiên thua lỗ, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) có mức lỗ nặng nhất với gần 160 tỷ đồng do phần lớn các cửa hàng kinh doanh phải tạm đóng cửa trong quý 3/2021 theo quy định về giãn cách xã hội của Chính phủ, đặc biệt là khu vực TP.HCM. Điều này khiến cho doanh thu thuần trong kỳ của PNJ giảm 78% so cùng kỳ , chỉ còn 877 tỷ đồng không đủ bù đắp các chi phí hoạt động. Đây cũng là quý đầu tiên PNJ lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE vào năm 2009.

Nguồn: VietstockFinance

Cùng chung cảnh ngộ, CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, HOSE: SVC) cũng lần đầu tiên biết mùi vị “thua lỗ” sau 15 năm hoạt động.

Theo lý giải của SVC, đợt dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trở lại từ tháng 06/2021 khiến hầu hết các đơn vị trong hệ thống Savico đều tạm ngưng hoạt động và chỉ duy trì kinh doanh online trong quý 3/2021. Điều này ảnh hưởng trực tiếp vào hiệu quả của toàn hệ thống Savico. Trong đó, sản lượng tiêu thụ giảm sâu (giảm hơn 60% so cùng kỳ năm 2020), mảng kinh doanh dịch vụ ô tô giảm mạnh, khối dịch vụ bất động sản giảm đáng kể do áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá cho khách hàng… Từ đó làm doanh thu thuần của Savico giảm 57% so cùng kỳ, còn 1,668 tỷ đồng dẫn đến Công ty lỗ ròng gần 30 tỷ đồng trong quý 3/2021.

Nguồn" VietstockFinance

Tương tự, CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina, HOSE: CSM) cho biết, tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại các tỉnh phía Nam đã khiến cho việc bán hàng của công ty gặp nhiều khó khăn, lưu thông hàng hóa giảm mạnh. Do đó, doanh thu thuần trong quý 3/2021 của Công ty giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020, xuống còn 1,012 tỷ đồng. Đầu ra đã khó, đầu vào cũng chật vật vì chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhập khẩu vật tư cùng tăng cao. Mặt khác, để đảm bảo sản lượng sản xuất, Công ty đã thực hiện quy định sản xuất “3 tại chỗ” nên chi phí tăng. Do đó, tỷ trọng giá vốn trên doanh thu của công ty tăng từ mức 80% trong quý 3/2020 lên 92% trong quý này.

Kết quả, Casumina lỗ ròng hơn 28 tỷ đồng trong quý 3/2021 – ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi Công ty bắt đầu niêm yết vào năm 2009. 

CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) cũng chưa bao giờ có cái kết buồn như quý 3 năm nay khi lần đầu tiên thua lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với mức lỗ gần 26 tỷ đồng sau 44 năm hoạt động.

Ban lãnh đạo BMP chia sẻ, doanh thu trong kỳ giảm 53% khi sản lượng tiêu thụ giảm 59% so với cùng kỳ năm 2020 do việc giãn cách xã hội ở hầu hết các tỉnh miền Nam. Các nhà máy của Nhựa Bình Minh chỉ hoạt động 20-30% công suất trong giai đoạn phong tỏa, hiệu suất hoạt động thấp làm tăng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, chi phí quản lý liên quan đến việc công nhân làm việc “3 tại chỗ” cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, mà các đơn vị trong lĩnh vực y tế cũng không thoát khỏi cảnh thua lỗ dưới tác động của dịch Covid-19. Điển hình là CTCP Bệnh viện tim Tâm Đức (UPCoM: TTD) vừa ghi nhận quý đầu tiên thua lỗ sau 4 năm giao dịch UPCoM. Cụ thể, doanh thu của Bệnh viện giảm chỉ còn 1/3, dù đã cắt giảm lương nhân viên nhưng vẫn không bù đắp nổi các chi phí khác. Ngoài các chi phí cố định ở mức cao, còn có các chi phí phát sinh cho các phương tiện phòng hộ, khử khuẩn chống dịch… Theo đó, Bệnh viện tim Tâm Đức lỗ ròng 13 tỷ đồng trong quý 3/2021.

Khang Di

FILI