Dòng chứng khoán và bất động sản tăng tích cực, VN-Index “nhọc nhằn” giữ mốc 1.250 điểm
Lần thứ hai trong năm nay, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) chính thức hạ lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản (0,25%). Hồi tháng 6, cơ quan này lần đầu giảm lãi suất sau 5 năm, cũng với 25 điểm cơ bản. Thông tin trên được kỳ vọng sẽ giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư và khiến thị trường biến động theo chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, các thông tin tích cực như tỷ giá liên tục giảm, Kho bạc Nhà nước mua ngoại tệ, các nền kinh tế lớn hạ lãi suất… dường như vẫn chưa đủ giúp dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán trong nước.
Chỉ số chính VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 13/9 trong sắc đỏ. Điểm tiêu cực ở phiên hôm nay là việc chỉ số này duy trì trong sắc đỏ xuyên suốt cả phiên. Trong khi đó, HNX-Index cũng chỉ giằng co quanh mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu bất động sản phiên hôm nay gây được sự chú ý khi có một số cổ phiếu biến động theo chiều hướng rất tích cực. Trong đó, DXG tăng đến 4,8% và khớp lệnh tới 14,6 triệu cổ phiếu. Việc DXG tăng mạnh đã giúp nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này đi lên. DRH, SGR hay BII được kéo lên mức giá trần. TCH tăng 2,3%, NLG tăng 2,2%, CEO tăng 1,3%, NVL cũng tăng 1,3% sau 3 phiên lao dốc mạnh. Cổ phiếu NVL trước đó biến động tiêu cực sau thông tin bị đưa vào danh sách không được giao dịch ký quỹ do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên năm 2024 đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.
Dù vậy, không phải toàn bộ các cổ phiếu bất động sản đều biến động tích cực, thay vào đó, NRC có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp sau thông tin công bố báo cáo soát xét nửa đầu năm 2024 với mức lỗ hơn 10 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, khác xa với mức dương 7 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.
GAS, VNM, MSN là đầu tàu kéo VN-Index đi xuống |
Ở nhóm cổ phiếu lớn, áp lực lên VN-Index đến từ các cổ phiếu như VNM, GAS, MSN, BID hay TCB. Trong đó, GAS giảm đến 2,37% và lấy đi của VN-Index 1,12 điểm dù phiên hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2% và trả cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 60%. Bên cạnh đó, VNM giảm mạnh 2,4% và lấy đi của VN-Index 1,02 điểm.
Chiều ngược lại, VCB có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp 0,21 điểm nhờ vào việc tăng 0,45%. Bên cạnh đó, SAB, VRE, FPT… cũng tăng giá và góp phần nâng đỡ thị trường chung cũng như kìm hãm đáng kể đà giảm của VN-Index.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán có biến động khá tích cực nhờ thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức họp khẩn để tháo gỡ nút thắt cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán. HCM tăng 1,2%, FTS tăng 2,33%, MBS tăng 1,9%..
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,64 điểm (-0,37%) xuống còn 1.251,71 điểm. Toàn sàn có 163 mã tăng, 210 mã giảm và 90 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,52 điểm (0,22%) lên 232,42 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 61 mã giảm và 80 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (0,24%) lên 92,95 điểm.
Xu thế bán ròng của khối ngoại vẫn áp đảo |
Tổng khối lượng giao dịch ở riêng sàn HoSE đạt 482 triệu cổ phiếu tăng 11% so với phiên trước, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 11.173 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 2.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 745 tỷ đồng và 339 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 73 tỷ đồng ở sàn HoSE, trong đó, VHM bị bán ròng mạnh nhất với 189 tỷ đồng. MWG và VCI bị bán ròng lần lượt 124 tỷ đồng và 85 tỷ đồng. Chiều ngược lại, FPT được mua ròng mạnh nhất với giá trị 195 tỷ đồng. STB và DXG được mua ròng lần lượt 83 tỷ đồng và 56 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn