DTE lần đầu báo lỗ từ khi giao dịch trên UPCoM vì… chưa thu được tiền điện

CTCP Đầu tư Năng lượng Đại Trường Thành Holdings (UPCoM: DTE) công bố BCTC hợp nhất quý 3, với lỗ ròng gần 800 triệu đồng (cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng).

DTE lần đầu báo lỗ từ khi giao dịch trên UPCoM vì… chưa thu được tiền điện

CTCP Đầu tư Năng lượng Đại Trường Thành Holdings (UPCoM: DTE) công bố BCTC hợp nhất quý 3, với lỗ ròng gần 800 triệu đồng (cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2022 của DTE

Cụ thể, quý 3, doanh thu của DTE giảm đến 56% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 27 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng thu hẹp còn 9 tỷ đồng (giảm 78%). Sau khi khấu trừ, lãi gộp của Công ty đạt gần 18 tỷ đồng, giảm 11%.

Doanh thu từ hoạt động tài chính gần như đi ngang, nhưng chi phí tài chính bật tăng lên gần 15 tỷ đồng (tăng 33%, toàn bộ là chi phí lãi vay). Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 19%, còn 2.5 tỷ đồng. Sau cùng, Công ty lỗ ròng hơn 800 triệu đồng (cùng kỳ lãi ròng 4 tỷ đồng).

Giải thích cho sự chênh lệch này, DTE cho biết doanh thu trong kỳ sụt giảm vì Công ty chưa thể thu được các khoản từ tiền điện, nguồn thu thầu thi công… Mặt khác, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay bật tăng mạnh, khiến Công ty bị lỗ.

DTE chính thức giao dịch trên UPCoM từ ngày 31/12/2020. Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp duy trì được kết quả kinh doanh ổn định. Đây là quý lỗ đầu tiên của Doanh nghiệp kể từ khi chính thức lên sàn giao dịch.

Kế hoạch kinh doanh 2022 của DTE
Nguồn: DTE

Dù quý 3 lỗ nhưng sau 9 tháng, DTE có doanh thu tăng 8%, đạt 176 tỷ đồng. Lãi trước và sau thuế tăng lần lượt 65% và 69%, tương ứng đạt 36 tỷ đồng và gần 29 tỷ đồng. So với kế hoạch từ ĐHĐCĐ 2022, Công ty mới thực hiện được 38% kế hoạch doanh thu và hơn 21% mục tiêu lãi trước và sau thuế.

Trên bảng cân đối, tổng tài sản tại thời điểm cuối tháng 9 giảm nhẹ so với đầu năm, còn hơn 1.6 ngàn tỷ đồng, với hơn 44 tỷ đồng tiền mặt. Phải thu ngắn hạn giảm mạnh 41%, còn gần 115 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt 153 tỷ đồng, chiếm phân nửa cơ cấu tài sản ngắn hạn (312.7 tỷ đồng).

Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn giảm 30%, còn gần 264 tỷ đồng. Công ty có khoản vay ngắn hạn gần 25 tỷ đồng, trong đó 8.8 tỷ đồng là khoản vay dài hạn đến hạn trả từ các ngân hàng thương mại. Nợ dài hạn còn hơn 608 tỷ đồng.

DTE (tên cũ: CTCP Res Holdings) được thành lập vào cuối tháng 07/2016, với vốn điều lệ tính đến thời điểm 30/09/2022 hơn 507 tỷ đồng. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện; xây dựng công trình nước, kỹ thuật dân dụng… và một số loại hình bán buôn, dịch vụ khác. DTE có 2 công ty con là CTCP Tấn Phát (nắm giữ 89.59%) và CTCP Thủy điện Miền Trung Việt Nam (95.96%).

Giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, cổ phiếu DTE có thanh khoản tăng đột biến với giao dịch đến từ các cổ đông lớn. Đây cũng là giai đoạn DTE chuẩn bị thực hiện kế hoạch tăng vốn, với mục tiêu chào bán hơn 2 triệu cp ra công chúng, dự kiến thực hiện trong quý 2 hoặc 3/2022 sau khi được UBCKNN chấp thuận. Tỷ lệ thực hiện quyền mua là 25:1 (cổ đông sở hữu 25 cp được mua 1 cp mới). Giá chào bán được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua là tối thiểu 17,000 đồng/cp. Mức giá này thấp hơn 15% so với giá kết phiên 23/04/2022 (thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ 2022) là 20,570 đồng/cp, nhưng so với thị giá phiên 03/11 là 7,400 đồng/cp thì gấp gần 3 lần. Đến nay, kế hoạch tăng vốn của DTE vẫn chưa có động tĩnh mới.

* Thanh khoản cổ phiếu tăng đột biến, Đại Trường Thành Holdings có gì?

Công ty dự kiến sử dụng số tiền thu được từ phát hành để mua 90% cổ phần của CTCP Đầu tư Thủy điện Đăk Psi 6 với mục tiêu doanh thu khoảng 22.6 tỷ đồng. CTCP Đầu tư Thủy điện Đăk Psi 6 đang đầu tư xây nhà máy thủy điện cùng tên với công suất 12 MW và tổng mức đầu tư 396 tỷ đồng, doanh thu hàng năm dự kiến là 55 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Khoa - Tổng Giám đốc DTE.

Hồng Đức

FILI