DVN: Lãi ròng quý 3 giảm 41% vì trích lập dự phòng chứng khoán

Theo BCTC hợp nhất quý 3/2022, Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (VINAPHARM, UPCoM: DVN) có doanh thu tăng 33% nhưng lãi ròng lại giảm 41% so với cùng kỳ.

DVN: Lãi ròng quý 3 giảm 41% vì trích lập dự phòng chứng khoán

Theo BCTC hợp nhất quý 3/2022, Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (VINAPHARM, UPCoM: DVN) có doanh thu tăng 33% nhưng lãi ròng lại giảm 41% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng 2022 của DVN
Nguồn: VietstockFinance

Quý 3, doanh thu đạt hơn 1.4 ngàn tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cũng bật tăng 33%, lên gần 1.3 ngàn tỷ đồng. Dẫu vậy, sau khi khấu trừ, Công ty báo lợi nhuận gộp tăng 34%, lên hơn 143 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 20.4 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với mức gần 20 tỷ đồng quý 3/2021. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh lên 43 tỷ đồng, gấp 7.6 lần cùng kỳ.

Các chi phí khác cũng bật tăng, gồm chi phí bán hàng (66 tỷ đồng, tăng 7%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (37 tỷ đồng, tăng 48%). Dù có khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết hơn 21 tỷ đồng (tăng 21%), các chi phí tăng mạnh (đặc biệt là chi phí tài chính) khiến DVN chỉ lãi ròng hơn 26 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân lãi sụt giảm nằm ở các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính cao hơn (do ảnh hưởng từ biến động giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán). Theo thuyết minh, lũy kế dự phòng giảm giá đầu tư của DVN tại thời điểm 30/09 đã lên tới 60 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư và dự phòng giảm giá của DVN tại thời điểm 30/09/2022
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3 của DVN

Trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán cũng là nguyên nhân khiến DVN lỗ ròng trong quý 2/2022. Cụ thể, chi phí tài chính của Công ty tại quý 2 tăng đột biến, gấp 161 lần cùng kỳ, lên gần 71 tỷ đồng, với khoản trích lập dự phòng gấp 10 lần cùng kỳ lên 42 tỷ đồng, qua đó khiến Công ty lỗ ròng gần 11 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 77 tỷ đồng).

Các khoản dự phòng giảm giá là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của DVN đi lùi, thậm chí báo lỗ tại thời điểm quý 2/2022

Lũy kế 9 tháng, DVN đạt doanh thu 3.9 ngàn tỷ đồng, tăng 16%, nhưng lãi trước thuế và lãi ròng đi lùi so với cùng kỳ, đạt lần lượt 87.6 tỷ đồng (-54%) và 54.3 tỷ đồng (-67%). So với mục tiêu đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022, Công ty mới thực hiện được gần 69% kế hoạch doanh thu và hơn 55% mục tiêu lợi nhuận năm.

Thời điểm 30/09, tổng tài sản của DVN gần 6 ngàn tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn gần 4 ngàn tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm và chiếm 66% cơ cấu tài sản.

Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn gần 2 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng nhẹ lên hơn 1.1 ngàn tỷ đồng (4%), hầu hết là hàng hóa.

Bên kia bản cân đối, nợ ngắn hạn tăng lên gần 3.2 ngàn tỷ đồng (13%), chiếm hầu hết cơ cấu là nợ phải trả (3.26 ngàn tỷ đồng). Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn chiếm 1.8 ngàn tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm.

Giá cổ phiếu DVN giảm sâu từ cuối tháng 3. So với đỉnh 24,900 đồng/cp ngày 29/03, thị giá kết phiên sáng 27/10 đã giảm 35%, còn 16,200 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu DVN từ đầu năm 2022

Hồng Đức

FILI