EVN muốn thoái vốn tại chủ hãng tín dụng Easy Credit

Ngày 23/09, HNX vừa thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá cổ phần của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance, UPCoM: EVF) do EVN sở hữu. Lượng cổ phần EVN đem đấu giá là 2.65 triệu cp, với giá khởi điểm 17,411 đồng/cp, gấp đôi thị giá.

EVN muốn thoái bớt sở hữu tại chủ hãng tín dụng Easy Credit

Ngày 23/09, HNX vừa thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá cổ phần của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance, UPCoM: EVF) do EVN sở hữu. Lượng cổ phần EVN đem đấu giá là 2.65 triệu cp, với giá khởi điểm 17,411 đồng/cp, gấp đôi thị giá.

Số lượng cổ phần EVF mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đem đấu giá lần này là 2.65 triệu cp, chiếm 1% vốn sở hữu. Giá khởi điểm được công bố là 17,411 đồng/cp. Như vậy giá trị cả lô cổ phần đạt tối thiếu 46 tỷ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến vào sáng ngày 26/10/2020.

Giới thiệu qua về EVF, đơn vị này được thành lập và hoạt động từ ngày 01/09/2008. Đây là công ty chuyên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như tư vấn tài chính, huy động vốn, hoạt động tín dụng... Với hoạt động cho vay tiêu dùng, hãng tín dụng Easy Credit chính là thương hiệu thuộc sở hữu của EVF.

Tình hình kinh doanh của EVF bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Năm 2020, EVF đặt mục tiêu lãi trước thuế 280.5 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với thực hiện năm 2019. Sau nửa đầu năm, Công ty mới thực hiện được 30% kế hoạch.

Kế hoạch và thực hiện lãi trước thuế của EVF qua các năm. Đvt: Tỷ đồng

Theo EVF, diễn biến của đại dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm đã làm đảo ngược viễn cảnh phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Mức độ có thể khác nhau nhưng Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới cuộc sống của cộng đồng và hoạt động của doanh nghiệp toàn cầu.

Mặc dù vậy, Công ty vẫn xác định những nhiệm vụ cơ bản trong năm 2020. Đối với EVF cũng như các tổ chức tín dụng khác, năm 2020 là năm cuối cùng trong giai đoạn 5 năm thực hiện “Phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020”. EVF sẽ tập trung để hoàn thành thực hiện Phương án này theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, đối với hoạt động cho vay tiêu dùng thuộc Khối Tín dụng tiêu dùng, EVF sẽ xác định vị thế thương hiệu Easy Credit trên thị trường, ưu tiên phát triển về chất lượng với các sản phẩm tài chính chuyên biệt, có ứng dụng công nghệ Fintech. Thêm nữa, EVF sẽ vận hành hệ thống sản phẩm, dịch vụ mới, đặt mục tiêu bước đầu có đóng góp doanh thu trong năm 2020.

EVF lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 397 tỷ đồng

Vốn điều lệ của EVF tính đến 16/04/2020 là gần 2,650 tỷ đồng và EVF dự kiến sẽ tăng thêm 397 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2021. Theo Công ty, việc tăng vốn lần này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế phát triển của thị trường, sẽ tăng niềm tin trong giao dịch tài chính, góp phần gia tăng lợi ích cổ đông và phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể, EVF sẽ thực hiện phương án tăng vốn bằng hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2018 và 2019. EVF sẽ phát hành hơn 39.7 triệu cp (mệnh giá 10,000 đồng/cp), tương đương với tổng giá trị phát hành hơn 397 tỷ đồng theo tỷ lệ 100:15.

Thời gian dự kiến sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và dự kiến trong năm 2020 đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về chào bán cổ phần riêng lẻ.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu EVF tăng giá tích cực 66% kể từ thời điểm đầu năm 2020, khối lượng giao dịch đạt gần 140,000 đơn vị/phiên. EVF chốt phiên giao dịch ngày 24/09 ở 7,900 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu EVF từ đầu năm 2020 đến hết phiên 24/09
Nguồn: VietstockFinance

* Đấu giá gần 19 triệu cp EVN Finance, giá khởi điểm 13,480 đồng/cp

* 2 nhà đầu tư cá nhân bỏ ra 219 tỷ đồng mua cổ phiếu EVF

Duy Na

FILI