FLC báo lỗ ròng gần 1.9 ngàn tỷ đồng 9 tháng đầu năm

CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022.

FLC báo lỗ ròng gần 1.9 ngàn tỷ đồng 9 tháng đầu năm

CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022.

Kết quả kinh doanh quý 3/2022 của FLC

Theo báo cáo, doanh thu thuần quý 3 của FLC giảm tới 70% so với cùng kỳ về mức 429.3 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty báo lỗ gộp hơn 96 tỷ đồng trong quý.

Kết quả ở hoạt động tài chính tiêu cực hơn so với cùng kỳ với doanh thu giảm 93% còn gần 18 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 58% lên gần 106 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm 85 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với quý 3 năm trước.

Kết quả kinh doanh của FLC tiếp tục chịu thêm gánh nặng từ các công ty liên doanh liên kết khi phải ghi lỗ tới 318 tỷ đồng trong quý 3, cao hơn 65% so với con số cùng kỳ.

Chưa dừng lại, FLC còn phải gánh thêm khoản chi phí quản lý doanh nghiệp gấp gần 2.5 lần quý 3 năm trước, tăng lên 267 tỷ đồng.

Tổng kết lại, Công ty báo lỗ ròng gần 782 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi 5.3 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, FLC thu gần 2.1 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 62% so với cùng kỳ. Lỗ gộp 6.5 tỷ đồng. Công ty ghi lỗ từ công ty liên doanh liên kết hơn 900 tỷ đồng. Trong 9 tháng, lỗ ròng của Công ty lên tới gần 1.9 ngàn tỷ.

Doanh thu trong kỳ sụt giảm chủ yếu do doanh thu bán hàng hóa và kinh doanh bất động sản, lần lượt giảm 80% và 63% xuống còn 621.8 tỷ đồng và 566.7 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu cung cấp dịch vụ của FLC lại tăng tới 40% lên hơn 950 tỷ đồng. Tuy vậy, giá vốn cung cấp dịch vụ lên tới gần 1.2 ngàn tỷ đồng là nguyên nhân chủ yếu khiến FLC lỗ gộp trong 9 tháng đầu năm.

Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh của FLC chủ yếu là do chi phí dự phòng và chi phí dịch vụ mua ngoài. Trong 3 quý đầu năm 2022, Công ty ghi tới 195 tỷ đồng chi phí dự phòng và hơn 250 tỷ đồng chi phí dịch vụ mua ngoài.

Tổng tài sản của FLC tới cuối quý 3 đạt hơn 36.2 ngàn tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 15.7 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn chiếm gần 7.4 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm.

Thuyết minh phải thu cho vay của FLC
Đvt: Đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022 của FLC

FLC đang nắm giữ 174 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, giảm 34% so với đầu năm. Danh mục này khiến FLC phải ghi dự phòng gần 150 tỷ đồng.

Danh mục chứng khoán kinh doanh của FLC
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022 của FLC

Ở phần đầu tư dài hạn, FLC ghi nhận giá trị đầu tư gần 4.2 ngàn tỷ đồng, dự phòng gần 5 tỷ đồng.

Khoản đầu tư vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways, BAV) có giá gốc hơn 4 ngàn tỷ đồng. Công ty ghi nhận lỗ 1.27 ngàn tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways.

Cơ cấu nguồn vốn của FLC đang tới phần lớn từ nợ phải trả. Tính tới 30/09, nợ phải trả lên tới gần 28.3 ngàn tỷ đồng, tăng 17.4% so với đầu năm. Nợ vay tài chính chiếm hơn 5 ngàn tỷ đồng.

Vào cuối quý 3, FLC đang ghi nhận khoản vay ngắn hạn 621 tỷ đồng đối với ông Lê Thái Sâm - Phó Chủ tịch HĐQT.

Yến Chi

FILI