Gánh nặng chi phí kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Phần lớn hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều gặp bất lợi vì chi phí “leo thang” trong quý 2 khiến lợi nhuận giật lùi đáng kể.

Gánh nặng chi phí kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Phần lớn hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều gặp bất lợi vì chi phí “leo thang” trong quý 2 khiến lợi nhuận giật lùi đáng kể.

Gánh nặng chi phí gia tăng

Từ dữ liệu VietstockFinance cho thấy, trong quý 2/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của 11 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên cả 3 sàn HOSEHNX, UPCoM đạt 17,383 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp chịu chi phí kinh doanh bảo hiểm, chủ yếu là chi phí bồi thường và chi phí khác tăng đáng kể, khiến lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 25% còn 863 tỷ đồng.

Không những thế, chi phí đầu tư tài chính nhảy vọt gấp 2.1 lần cùng kỳ, lên 703 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp đầu tư tài chính giảm 10% còn 2,228 tỷ đồng.

Dưới áp lực gia tăng từ chi phí, tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ giảm đến 50% còn 623 tỷ đồng.

Trong đó, 5/11 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có lợi nhuận trước thuế “giật lùi” và 2 doanh nghiệp lỗ trong quý 2.

Với mức lỗ trước thuế hơn 202 tỷ đồng, PTI (Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện) là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lỗ nặng nhất trong quý 2 và cũng là quý lỗ nặng nhất của PTI kể từ khi thành lập. Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính của doanh nghiệp đều lỗ.

Hay như trường hợp BLI (Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long) lỗ trước thuế gần 65 tỷ đồng trong quý 2 – đây là quý lỗ nặng nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây của BLI, do trong kỳ phát sinh một số vụ bồi thường lớn làm tăng chi phí bồi thường , và tăng vọt chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Mặt khác, doanh thu đầu tư tài chính giảm cộng thêm phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán bất ổn là những yếu tố khiến kết quả kinh doanh của BLI ảm đạm.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại BVH (Tập đoàn Bảo Việt), PGI (Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex), BIC (Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam), ABI (CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam) và MIG (Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội) với lợi nhuận giảm 2 con số vì gánh nặng chi phí gia tăng.

Riêng AIC (Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không) và VNR (Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam) là 2 doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận tăng trong quý 2 nhờ cứu cánh từ hoạt động đầu tư tài chính.

Trước đó, các chuyên gia phân tích của CTCK SSI cũng dự báo lợi nhuận quý 2/2022 không mấy khả quan đối với hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi. Ngoại trừ ABI, tất cả doanh nghiệp bảo hiểm đều có đầu tư cổ phiếu. Năm 2021, đầu tư cổ phiếu chiếm từ 2-9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10-46% lợi nhuận đầu tư. Với việc thị trường chứng khoán sụt giảm so với đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu làm tăng chi phí đầu tư tài chính và ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng. Mặc khác, dù lãi suất tăng nhưng tỷ lệ bồi thường sẽ quay lại mức bình thường và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu sẽ không còn thuận lợi như năm 2021.

Lợi nhuận 6 tháng thu hẹp

Lợi nhuận quý 2 ảm đạm kéo theo lợi nhuận ngành bảo hiểm phi nhân thọ 6 tháng đầu năm cũng lao dốc so với cùng kỳ năm trước.

Theo dữ liệu của VietstockFinance, tổng lợi nhuận trước thuế của 11 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong 6 tháng đầu năm nay đạt 2,066 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước vì hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư chứng khoán đều có lợi nhuận đi lùi.

PTI lỗ nặng nhất trong nửa đầu năm nay với 155 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi trước thuế hơn 116 tỷ đồng.

ABI (CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI) đạt 124 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 41% so với cùng kỳ chủ yếu do chi phí bồi thường bảo hiểm tăng 35%. Đây cũng là doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận giảm mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm.

Từ mức nền thấp trong nửa đầu năm 2021, AIC là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 khi đạt 41 tỷ đồng, gấp gần 11  lần cùng kỳ. Đóng góp lớn cho sự bứt tốc này đến từ lãi kinh doanh chứng khoán tăng mạnh, gấp 15.1 lần cùng kỳ, đạt gần 87 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đầu tiên vượt kế hoạch 2022 sau 6 tháng

Với lợi nhuận quý 1 “rủng rỉnh” cộng thêm kế hoạch lợi nhuận giảm 25% trong năm 2022, BLI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đầu tiên vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 6 tháng dù lỗ quý 2.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại có tỷ lệ thực hiện kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2022 từ 38 - 72%.

Duy chỉ có PTI chưa thực hiện được kế hoạch lợi nhuận 2022 vì lỗ quý 2 đã đánh bay hết thành quả quý đầu năm.

Theo đánh giá của nhóm phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC), trong 6 tháng cuối năm, thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước có khả năng sụt giảm trước áp lực cạnh tranh gia tăng do các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đẩy mạnh khai thác qua bancassurance.

Không những vậy, tỷ lệ bồi thường sẽ tăng từ mức nền thấp. 2021 từng là năm thuận lợi với ngành bảo hiểm với tỷ lệ bồi thường chỉ 43.8% (giảm 13.6% và là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua). Tuy nhiên, do các điều kiện thuận lợi không còn, BVSC cho rằng tỷ lệ bồi thường trong năm 2022 sẽ tăng trở lại về mức trung bình, lên 53% (tăng 9.2%).

Tuy nhiên, BVSC cũng dự báo lãi suất tăng trong năm 2022 sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận nhờ gia tăng doanh thu tài chính và không gây nhiều áp lực lên việc điều chỉnh dự phòng do thay đổi lãi suất kỹ thuật tối đa. Mức độ ảnh hưởng của lãi suất sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong năm 2023.

Khang Di

FILI