Ghi chép mùa ĐHĐCĐ 2022: Không nhận được thư mời, cấm ghi âm, ghi hình (Kỳ 2)

Những câu chuyện “làm khó” cổ đông dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2022 tuy không nhiều, nhưng cho thấy vẫn còn những hạn chế ở khâu tổ chức đại hội. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cổ đông - những người chủ thực sự của doanh nghiệp.

Ghi chép mùa ĐHĐCĐ 2022: Không nhận được thư mời, cấm ghi âm, ghi hình (Kỳ 2)

Những câu chuyện “làm khó” cổ đông dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2022 tuy không nhiều, nhưng cho thấy vẫn còn những hạn chế ở khâu tổ chức đại hội. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cổ đông - những người chủ thực sự của doanh nghiệp.

* Ghi chép mùa Đại hội đồng cổ đông 2022: Bùng nổ số cổ đông tham dự (Kỳ 1)

Hình minh họa - Đồ họa: Tuấn Trần

Cổ đông không nhận được thư mời

Chuyện cổ đông không nhận được thư mời không phải mới, nhất là những cổ đông nhỏ, lẻ, nắm sở hữu không đáng kể.

Theo quy định, khi đã nắm giữ cổ phiếu đến trước ngày giao dịch không hưởng quyền thì cổ đông đó chắc chắn có quyền tham dự họp và doanh nghiệp có nghĩa vụ gửi thư mời đến địa chỉ mà cổ đông đã đăng ký. Nếu doanh nghiệp họp trực tuyến thì phải có tên đăng nhập (ID) và mật khẩu dự họp cũng như các hướng dẫn cho cổ đông.

Như vậy, việc gửi thư là nghĩa vụ của doanh nghiệp, cho dù cổ đông đó sở hữu 100 hay thậm chí chỉ 1 cổ phiếu. Tuy nhiên, tình trạng nhiều cổ đông không nhận được thư mời họp ĐHĐCĐ vẫn xảy ra như cơm bữa.

Ví dụ trường hợp của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII). Đây là một doanh nghiệp hạ tầng được giới đầu tư quan tâm nhờ những sóng tăng giá mạnh mẽ cuối năm 2021. Tuy nhiên cổ phiếu CII đã rơi tự do sau đó cũng khiến không ít cổ đông phải băn khoăn.

Tại ĐHĐCĐ ngày 25/04 của CII, rất nhiều cổ đông bức xúc phản ánh rằng đã không hề nhận được thư mời họp của Công ty. Do chỉ có 73 cổ đông/người ủy quyền tham dự với tổng sở hữu chưa đến 24% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết, Đại hội lần 1 của CII tổ chức bất thành.

CII tổ chức bất thành ĐHĐCĐ ngày 25/04/2022 - Ảnh: Duy Na

Ngay sau khi lãnh đạo CII tuyên bố không thể tiếp tục tổ chức họp, nhiều cổ đông có mặt cảm thấy thất vọng, bất mãn khi đã bỏ công sức, thời gian, công việc của mình (tổ chức sáng thứ Hai) mà không thu hoạch được gì. Vài cá nhân đã lên tiếng đề nghị HĐQT phải làm rõ tại sao rất nhiều cổ đông trong khán phòng không nhận được thư mời, thậm chí trong số đó có người sở hữu đến hàng triệu cổ phiếu.

Đại diện CII chỉ ra các năm trước số lượng cổ đông chỉ vào mức 8,000 hay 10,000, song năm nay danh sách cao kỷ lục lên đến khoảng 39,000. Thư mời đã được gửi cho cổ đông qua đường bưu điện, chi phí khoảng 350 triệu đồng. CII cam kết sẽ kiểm tra lại xem vấn đề ở đâu và báo cáo với cổ đông tại cuộc họp kế tiếp. Ban lãnh đạo Công ty khẳng định rất muốn tổ chức thành công Đại hội nhưng không được. Ở cuộc họp lần 2, tỷ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết cần đạt tối thiểu 33%.

Dù không tổ chức họp thành công (lần 1), lãnh đạo CII thông báo vẫn có buổi chia sẻ ngoài lề Đại hội về tình hình hoạt động của Công ty cho các cổ đông quan tâm. Tuy nhiên, đa phần cổ đông đã chủ động ra về.

Có thư mời cũng chưa dễ vào cổng

Về thủ tục “check-in” vào cổng, thực tế cho thấy vẫn còn không ít doanh nghiệp “làm khó” cổ đông. Liên quan đến việc ủy quyền tham dự Đại hội, tại một doanh nghiệp bất động sản top đầu, những cổ đông có giấy ủy quyền với chữ ký, đóng mộc đầy đủ vẫn không được phép tham dự cuộc họp.

Lý do bộ phận kiểm tra đưa ra là cổ đông không cung cấp được thư mời gốc từ phía doanh nghiệp này.

Một cổ đông cho hay mình không hề nhận được thư mời chứ không phải chủ quan quên mang theo. Khi đi tham dự đại hội, các doanh nghiệp khác cũng không hề yêu cầu như vậy. Do cảm thấy mất thời gian vô ích, vị cổ đông đành thất thểu ra về. Tất nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất.

Cấm chụp hình, ghi âm, dùng laptop tại đại hội

Thêm một tình cảnh trớ trêu khác được ghi nhận tại mùa Đại hội năm nay: CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) thông báo cấm cổ đông chụp hình, ghi âm hay sử dụng laptop trong suốt thời gian họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, diễn ra ngày 16/04.

Nhiều cổ đông tỏ ra hết sức băn khoăn trước những quy định “quái lạ”, chưa thấy ở đâu bao giờ. “Liệu có gì khuất tất hay sao mà phải cấm quay phim/chụp hình?”, một cổ đông chia sẻ với người viết trước quy định kỳ lạ này. Thực tế tại Đại hội, doanh nghiệp này công bố kế hoạch kinh doanh thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Đây có lẽ là thông tin bất lợi mà phía HNG chưa muốn sớm công bố ra ngoài.

ĐHĐCĐ HNG tổ chức ngày 16/04 - Ảnh: Duy Na

Song song đó, nhiều cổ đông cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối vì một trong những mục đích đi họp của họ là để chụp hình không gian, quang cảnh đại hội hay các lãnh đạo doanh nghiệp để làm kỷ niệm.

Ngoài ra, nhiều nội dung quan trọng tại Đại hội thường không thể kịp ghi chép bằng giấy bút nên nhiều người có thói quen chụp hình, ghi âm hoặc dùng laptop để lưu nội dung lại. Việc cấm cản làm hạn chế quyền lợi của cổ đông rất nhiều.

Như vậy, việc không được sử dụng các công cụ ghi âm, ghi hình là không hợp tình hợp lý. Đây vốn dĩ là tài sản cá nhân, cổ đông hoàn toàn có quyền sử dụng, miễn là không làm ảnh hưởng đến cuộc họp.

Cần có giải pháp cho việc cổ đông không nhận được thư mời

Đâu là nguyên nhân câu chuyện nhiều cổ đông không nhận được thư mời?

Giả thiết thứ nhất là do việc chậm trễ/sai sót của bưu điện. Điều này khó thuyết phục bởi bối cảnh xã hội hiện tại không hề bị hạn chế giao thông như trong năm 2021.

Cũng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp lo số lượng cổ đông quá nhiều khiến việc tổ chức không đảm bảo, dẫn đến “ngại” gửi thư đến tất cả cổ đông.

Ví dụ như trường hợp của CII nói trên, tại cuộc họp, đại diện Công ty so sánh rằng nếu cả 39,000 cổ đông cùng đến tham dự thì phải bằng cả cái sân vận động. Tất nhiên, rất khó có khả năng cả mấy chục ngàn cổ đông cùng đến dự họp, nhưng nếu vài trăm đến một ngàn người cũng đã là một vấn đề (với đa số doanh nghiệp). Khi đó, việc tổ chức ở một khán phòng hội nghị thông thường là bất khả thi, doanh nghiệp phải nhanh chóng bố trí mở rộng nếu không muốn “vỡ kế hoạch”, mất lòng cổ đông đến sau.

Một luồng ý kiến khác cho rằng, các cổ đông lớn đã nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu đủ cao để thông qua các tờ trình, nên không cần thiết mời cổ đông nhỏ, lẻ đến dự họp. Điều này thực sự đi ngược lại quyền lợi được nghe, được nêu ý kiến, được chất vấn lãnh đạo… vốn có của cổ đông. Do đó, cần thiết phải có biện pháp hài hòa cho cả phía doanh nghiệp và cổ đông quanh vấn đề thư mời và đảm bảo khâu tổ chức.

Trên thực tế, bên cạnh thư mời bằng bưu phẩm (giấy), doanh nghiệp thường đăng thư mời họp cổ đông trên website công ty, được xem là “lời mời chung” cho toàn thể cổ đông. Nếu chưa nhận được thư mời, cổ đông có thể theo dõi ở trang chủ công ty hoặc các kênh công bố thông tin khác.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu sử dụng thêm các kênh mạng xã hội như Facebook để nhắc nhở các sự kiện quan trọng của mình.

Để giải quyết vấn đề số lượng cổ đông ngày càng tăng cao đột biến, nhiều doanh nghiệp đã quyết định họp trực tuyến hoặc kết hợp cả hình thức họp trực tiếp (truyền thống) và trực tuyến. Điều này cũng góp phần phòng chống dịch COVID-19, vốn còn diễn biến phức tạp.

Họp Đại hội trực tuyến đã không còn lạ lẫm như 2021. Năm nay, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã áp dụng rất thành công phương thức này như Vinamilk (VNM), FPT, Conteccons (CTD), Vicostones (VCS), PV Driling (PVD), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) PV Power (POW), PTSC (PVS), PV OIL hay các ngân hàng HDBank (HDB), Vietinbank (CTG)... Sức mạnh công nghệ giúp cổ đông ở mọi miền đất nước đều có cơ hội dự họp, bỏ phiếu cũng như thảo luận với lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp lớn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 theo phương thức trực tuyến - Ảnh: Duy Na

Một cách khác được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là yêu cầu cổ đông phải đăng ký/xác nhận tham dự trước ngày họp. Điều này nhằm giúp phía doanh nghiệp ước tính số lượng chính xác hơn, tổ chức chu đáo hơn. Trường hợp khán phòng hội nghị đã hết sức chứa mà cổ đông (không đăng ký trước) vẫn đến, doanh nghiệp sẽ có “lý” để mong cổ đông thông cảm và từ chối.

Duy Na

FILI