Giá cổ phiếu vút bay cao bất chấp kết quả kinh doanh bèo bọt

Kinh doanh bết bát, lợi nhuận giảm sâu, thậm chí thua lỗ; thế nhưng giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp vẫn tăng phi mã. Vậy lời giải nào thỏa đáng cho nghịch lý này?

Giá cổ phiếu vút bay cao bất chấp kết quả kinh doanh bèo bọt

Kinh doanh bết bát, lợi nhuận giảm sâu, thậm chí thua lỗ; thế nhưng giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp vẫn tăng phi mã. Vậy lời giải nào thỏa đáng cho nghịch lý này?

Cơn bão COVID-19 càn quét liên tục khiến hầu hết các ngành kinh tế đều chìm trong khó khăn. Song trong bối cảnh đó, chứng khoán lại là kênh được giới đầu tư săn đón và rót tiền vào, giúp thị trường chứng khoán thiết lập những kỷ lục mới về điểm số, thanh khoản lẫn quy mô… Đáng chú ý, số lượng tài khoản mở mới trong năm 2021 cũng tăng vọt, đạt hơn 1.5 triệu tài khoản trong khi năm 2020 con số này chỉ ở mức gần 397 ngàn.

Mang theo dòng tiền mới (nóng) vào thị trường, nhóm nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới) là một trong những chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tăng mạnh dù trong số đó không thiếu đơn vị kinh doanh bết bát.

Hãy cùng Vietstock điểm lại những doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng phi mã trong năm 2021 dù lợi nhuận teo tóp. Hay nói theo một cách khác là doanh nghiệp “không trồng cây nhưng lá vẫn xanh ngắt”.

Theo dữ liệu của VietstockFinance, trong số 686 doanh nghiệp niêm yết công bố BCTC năm 2021 (trừ nhóm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm), có 38 doanh nghiệp ghi nhận lỗ và 173 doanh nghiệp giảm lãi nhưng giá cổ phiếu lại đua nhau tăng vùn vụt.

Giá tăng bằng lần bất chấp kinh doanh đi lùi…

Doanh nghiệp giảm lãi nhưng giá cổ phiếu tăng mạnh (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
(Xét các doanh nghiệp có giá tăng trên 70% và lãi ròng giảm trên 15%)

Đầu tiên phải kể đến là trường hợp của CTCP CNC Capital Việt Nam (HNX: KSQ). Bất chấp doanh thu và lãi ròng dắt tay nhau giảm, nhưng giá cổ phiếu KSQ vẫn tăng chóng mặt, chốt năm 2021 tại mốc 9,200 đồng/cp, gấp gần 5 lần so với đầu năm.

Tiếp đến là “ông trùm” nhà ở xã hội. Mặc kết quả kinh doanh trầy trật , giá cổ phiếu của CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) liên tục leo thang.

Từ mức giá chỉ ngang ly trà đá, sau gần 10 tháng dập dìu dưới mốc 5,000 đồng/cp, giá cổ phiếu HQC chuyển biến mạnh từ đầu tháng 11/2021, lần lượt vượt đỉnh cũ và vượt luôn mệnh giá, thiết lập đỉnh kỷ lục hồi phiên 10/01/2022 (10,500 đồng/cp). Chỉ trong năm 2021, giá đã tăng gần gấp 5 lần. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của đơn vị lại khá ảm đạm. Trong năm 2021, HQC thu về vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng lãi ròng, giảm 57% so với năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong hơn một thập niên trở lại đây của HQC kể từ năm 2009.

Không còn hợp nhất báo cáo của Bamboo Airways cùng việc chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của Tập đoàn FLC (HOSEFLC) đồng loạt giảm mạnh so với năm liền trước. Tuy nhiên, giá cổ phiếu FLC lại tăng gần gấp 4 lần. Giá cổ phiếu cao chót vót trong khi EPS (Thu nhập trên mỗi cổ phiếu) ở mức thấp nên chỉ số P/E của doanh nghiệp này đã tăng đột biến lên 151.

Nguồn: VietstockFinance

Cùng thuộc họ FLC, giá cổ phiếu Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (HOSEAMD) cũng tăng mạnh trong khi lãi ròng giảm 52%.

Hay như Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (HOSE: NHA), trong hơn một thập niên qua, giá cổ phiếu NHA chưa một lần vượt qua mốc 10,000 đồng/cp, thế nhưng chỉ trong năm 2021, giá bất ngờ bật nhảy, đóng cửa phiên cuối năm tại mốc cao kỷ lục 75,000 đồng/cp.

Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lãi giảm nhưng giá cổ phiếu lại tăng như DRH Holdings (HOSE: DRH), Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC), Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC (HOSE: ACC)…

…thậm chí là thua lỗ

Đại diện ngành dệt may có sự góp mặt của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM). Dù giá cổ phiếu FTM tăng mạnh nhất ngành dệt may, đây lại chính là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tệ nhất toàn ngành.

Thông tin duy nhất hỗ trợ tích cực cho đà tăng của cổ phiếu FTM có thể từ việc ngành sợi Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi Bộ Công Thương chính thức ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia (ngày 13/10/2021).

Phải chăng kỳ vọng của giới đầu tư trước thông tin trên là “giá đỡ vô hình” giúp thị giá của FTM bứt tốc thay vì thực tế kinh doanh của doanh nghiệp? Kết năm 2021, FTM tiếp tục báo lỗ năm thứ 3 liên tiếp, nâng tổng lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2021 lên gần 420 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Thêm một doanh nghiệp thua lỗ năm thứ 3 liên tiếp (nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 400 tỷ đồng) nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh là Quốc tế Hoàng Gia (HOSE: RIC). Điểm đáng chú ý là giá cổ phiếu RIC chỉ biến động mạnh trong giai đoạn đầu năm: Tăng trần 34 phiên liên tiếp, thiết lập đỉnh tại mức 46,150 đồng/cp (04/03), gấp 7.6 lần giá hồi đầu năm. Sau chuỗi tăng phi mã, giá cổ phiếu của ông chủ sòng bạc tại Hạ Long lại quay đầu giảm sàn nhiều phiên liên tiếp và chốt phiên cuối năm tại mức 18,900 đồng/cp. So với hồi đầu năm, mức giá đã tăng gấp gần 4 lần.

Doanh nghiệp thua lỗ nhưng giá cổ phiếu tăng mạnh (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Một trường hợp khác là Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSECII), ôm lỗ mức kỷ lục hơn 341 tỷ đồng nhưng giá cổ phiếu lại tăng gấp đôi. Chỉ trong tháng cuối năm 2021, giá cổ phiếu CII ghi nhận tăng 56% và thiết lập đỉnh kỷ lục trong phiên ngày 07/01/2022 (57,900 đồng/cp).

CII là doanh nghiệp có quỹ đất lớn ở Thủ Thiêm. Cuộc đấu giá “đất vàng” ở Thủ Thiêm diễn ra vào cuối năm 2021 có lẽ đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư, giúp cổ phiếu CII bùng nổ trong giai đoạn chuyển giao giữa năm 2021 và 2022.

Tiên Tiên

FILI