Giám đốc PGD SSI: Phụ nữ muốn tự chủ, cân bằng cuộc sống phải độc lập tài chính

Gặp chị Trần Hà Vân vào một buổi sáng tháng 10 tại Hà Nội, tôi nói đùa với chị “Hà Nội đang ở mùa đẹp nhất trong năm, nhưng thị trường thì đã đi qua mùa hoa đẹp nhất rồi chị nhỉ” - chị cười chia sẻ “Thị trường lên xuống là bình thường. Khi thị trường đi lên, cố gắng làm việc hết mình, tạo tích luỹ. Lúc thị trường đi xuống, mình có cơ sở để cân bằng.”

Dịch vụ 

Giám đốc PGD SSI: Phụ nữ muốn tự chủ, cân bằng cuộc sống phải độc lập tài chính

Gặp chị Trần Hà Vân vào một buổi sáng tháng 10 tại Hà Nội, tôi nói đùa với chị “Hà Nội đang ở mùa đẹp nhất trong năm, nhưng thị trường thì đã đi qua mùa hoa đẹp nhất rồi chị nhỉ” - chị cười chia sẻ “Thị trường lên xuống là bình thường. Khi thị trường đi lên, cố gắng làm việc hết mình, tạo tích luỹ. Lúc thị trường đi xuống, mình có cơ sở để cân bằng.”

Đứng đầu PGD có số lượng môi giới đông nhất khu vực phía Bắc trong hệ thống CTCK lớn nhất Việt Nam, chị Trần Hà Vân – Giám đốc PGDSSI Times City là một người phụ nữ với tính cách quyết liệt, chuyên nghiệp, tình cảm và cởi mở.

Gia nhập SSI từ năm 2006, chị Vân đã có 16 năm gắn bó qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường. Bắt đầu từ vị trí chuyên viên dịch vụ đến cấp quản lý cao nhất Phòng giao dịch (PGD), chị thấu hiểu khó khăn, áp lực nghề nghiệp mình đang theo đuổi và cũng luôn biết cách truyền lửa cho đội ngũ bằng nhiệt huyết và sự yêu nghề. Ngay cả lúc thị trường biến động mạnh, team của chị vẫn gắn kết, đồng lòng và nhiều ý tưởng sáng tạo.

XÂY DỰNG VĂN HÓA: TRUNG THỰC VỚI KHÁCH HÀNG - CHIA SẺ VỚI ĐỒNG NGHIỆP

Điều gì khiến chị bị thu hút bởi thị trường chứng khoán và gắn bó lâu như vậy?

Sau khi tốt nghiệp đại học được một năm, tôi gia nhập SSI (lúc đó có tên là CTCP Chứng Khoán Sài Gòn) thử sức trong lĩnh vực chứng khoán. Trước khi trở thành một môi giới, tôi cũng trải qua các công việc chuyên môn khác trong ngành như lưu ký, dịch vụ khách hàng… Đây là thời gian cho tôi nhiều kinh nghiệm và thấu hiểu về nghiệp vụ chứng khoán trước khi chuyển sang làm công việc tiếp xúc nhiều hơn với khách hàng.

Thời điểm chuyển sang làm môi giới, cũng là lúc công ty thử nghiệm mô hình môi giới độc lập, nghĩa là thay vì nhận lượng cứng, chúng tôi sẽ hưởng theo doanh số đạt được. Đó thực sự là một áp lực đối với những môi giới trẻ đã quen nhận lương cứng như tôi. Nhưng đồng thời tôi nghĩ đó cũng là cơ hội, thậm chí là bước ngoặt để mình thực sự bật lên trong công việc, nên tôi đã xung phong nhận “thử thách” trước.

Suy nghĩ luôn nỗ lực đã theo tôi từ đó đến nay và cuốn tôi vào với công việc cho đến tận bây giờ. Cuối 2010, SSI chính thức chuyển toàn bộ sang mô hình môi giới độc lập. Đến 2011, tôi được công ty tin tưởng, cất nhắc lên vị trí trưởng phòng môi giới, phụ trách khoảng 10-12 nhân sự. Sau 5 năm nỗ lực, tôi trở thành giám đốc PGDSSI Trần Hưng Đạo – tiền thân của PGDSSI Times City hiện tại..

Nhiều năm trong nghề, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, tôi nghĩ đến giờ mình vẫn giữ nhiệt huyết là bởi luôn có anh chị em cùng đồng hành. Dù phong cách có thể khác nhau, nhưng văn hoá chung của chúng tôi vẫn là sự tận tuỵ, trung thực với khách hàng, đoàn kết, chia sẻ với đồng nghiệp.

Là một sếp nữ, chắc hẳn cách chị xây dựng văn hoá tổ chức cũng có nhiều điểm khác biệt? Đặc biệt là tại một PGD có số lượng môi giới đông đảo như Times City.

Tôi quản lý đội ngũ 63 thành viên. Làm thế nào để vừa chuyên nghiệp vừa hạnh phúc, đó là điều tôi hướng tớicho những đồng đội của mình. Để tạo được chuyên nghiệp, tất nhiên các bạn phải luôn thực hiện đúng mọi quy định của công ty. Thứ hai, cần xác định được chức năng nhiệm vụ từng người, xác định được rõ để làm việc không chồng chéo, ai gặp khó khăn sẽ nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ.

Tôi luôn muốn mang năng lượng tích cực khi đi làm. Tôi làm việc ấy từ những cử chỉ nhỏ nhất, đó là chào tất cả mọi người với sự niềm nở. Khi không đóng mình trong bộ đồng phục, chúng tôi bình đẳng, vui vẻ và gần gũi. Lắng nghe và đưa ra những lời khuyên, tư vấn về cuộc sống, gia đình với nhân viên. Có thoải mái trong cuộc sống mới đủ tâm và trí cống hiến công việc.

PHỤ NỮ CÓ KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT LÀ LÀM ĐƯỢC NHIỀU VIỆC CÙNG MỘT LÚC

Thị trường chứng khoán biến động liên tục, chăm sóc khách hàng cũng rất vất vả vì mỗi người mỗi tính, thời gian làm việc cũng không cố định... Có vẻ như môi giới chứng khoán có thể nói là một nghề rất áp lực với phụ nữ?

Tôi thường động viên các bạn đồng nghiệp trẻ, xác định thị trường lên xuống là bình thường. Khi thị trường đi lên, cố gắng làm việc hết mình, tạo tích luỹ. Lúc thị trường đi xuống, mình có cơ sở để cân bằng.

Ngoài sự cố gắng của mỗi nhân sự, song hành với chúng tôi luôn là một tập thể gắn kết – sẻ chia. SSI là môi trường chuyên nghiệp, hướng đến sự đãi ngộ cho toàn bộ nhân viên. Ngay cả lúc thị trường ảm đạm, SSI vẫn giữ người bằng mọi cách, tổ chức nhân sự đi học, đào tạo kỹ năng nghề, học cách quản lý… Điều này giúp mọi người vững tâm.

Còn ở góc độ giới, quả thực phụ nữ khi làm công việc này cần sự thông cảm, thấu hiểu rất lớn từ gia đình. Có ngày nhận được cả trăm cuộc điện thoại. Khách hàng có cần mới gọi mình, tôi nghĩ vậy và sẵn sàng tư vấn hỗ trợ, bất kể là lúc nào. Cũng may, phụ nữ có khả năng đặc biệt là một lúc làm được nhiều việc một lúc mà vẫn tốt. Lúc nấu nướng, dạy con học… tôi vẫn có thể trao đổi, tư vấn cho khách hàng. Và những thành viên trong gia đình luôn hỗ trợ, thông cảm và thấu hiểu cho công việc của tôi.

Thật may mắn khi bên cạnh mình luôn có sự đồng hành của gia đình phải không chị?

Và may mắn vì công việc của tôi cũng tự nhiên trở thành một phần cuộc sống gia đình. Tôi có hai bạn nhỏ. Các bạn đều hiểu công việc của mẹ và có vẻ rất quan tâm đến nó (cười). Tôi thường xuyên chia sẻ với con các câu chuyện về tài chính, cho các con đầu tư bằng số tiền mừng tuổi. Cứ như vậy, một cách tự nhiên nhất, các bạn dù rất nhỏ đã bắt đầu để ý đến tài chính cá nhân.

Các con tôi bây giờ cũng học được cách quản lý tiền, phân bổ như thế nào. Khoản nào để làm từ thiện, khoản nào để đầu tư… khá rõ ràng. Các bạn còn nhỏ, lúc đầu cũng rất hăm hở, sau một thời gian có thể lại quên hoặc giảm cảm hứng. Việc của mẹ là lặp đi lặp lại, tạo thành thói quen và truyền cảm hứng cho các con. Tôi nghĩ, sau này dù làm công việc gì, cũng cần có tư duy quản lý tài chính.

Môi giới nữ có những khác biệt nhất định, vậy khi tư vấn cho khách hàng nữ, có điều gì đặc biệt không chị?

Thú thật cùng là phụ nữ với nhau, tôi có cảm giác thân mật, gần gũi hơn với các khách hàng nữ (cười). Khi tư vấn cho họ, ngoài câu chuyện thị trường, quan điểm đầu tư, chúng tôi có những lát cắt về cuộc sống, gia đình, những đam mê của phụ nữ. Điều này tạo cảm giác cởi mở, dễ chia sẻ hơn. Rất nhiều khách hàng là nữ chủ tịch, lãnh đạo doanh nghiệp, tiếp xúc với các chị, tôi cũng học được nhiều thứ về cách cân bằng cuộc sống, công việc.

Vậy có điều gì khiến chị thấy áp lực không, như việc quản lý khối tài sản lớn cho các khách hàng V.I.P chẳng hạn?

Mỗi khách hàng đối với tôi đều là V.I.P. Dù số tiền họ bỏ ra lớn hay nhỏ, tôi đều tâm niệm cần sự tận tâm và trung thực. Còn về áp lực, ở vị trí quản lý, khi bạn biết sắp xếp, phát huy thế mạnh từng người, công việc sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Quản lý không phải là người giỏi tất cả. Với mỗi khách hàng, tuỳ vào tính cách, phong cách đầu tư, tôi sẽ cân nhắc, điều phối môi giới nào phù hợp.

Nghề này liên quan đến tiền bạc nhiều, mọi thứ cần thận trọng. Trong cách tư vấn, hành xử phải luôn đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, tôn trọng mọi quyết định của khách hàng.

Nhân Ngày phụ nữ Việt Nam, chị có lời khuyên, sự chia sẻ nào cho các bạn nữ đang có ý định theo đuổi nghề chứng khoán và với các nhà đầu tư nữ không?

Phụ nữ muốn tự chủ, cân bằng cuộc sống phải độc lập về tài chính. Hãy tự tạo cho mình những khoản đầu tư tài chính độc lập thay vì sống phụ thuộc.

Ban đầu, nhiều chị em có thể gặp rào cản về thời gian, kinh nghiệm, kiến thức, có thể tìm đến các đơn vị tư vấn, môi giới uy tín, lâu năm. Tâm lý thường gặp ở người mới là lo lắng quá nhiều về rủi ro, hay vội vàng giao dịch khi chưa nghiên cứu kỹ. Muốn tránh được rủi ro phải rèn luyện tâm lý bình tĩnh và sáng suốt. Đối với phụ nữ, đây có thể sẽ là điểm mạnh vì đa phần phụ nữ luôn tính toán cẩn thận và tỉ mỉ.

Còn với những bạn nữ muốn bắt đầu với công việc này, tôi nghĩ cần có sự đam mê thực sự, dành rất nhiều thời gian, chuyên tâm trau dồi kiến thức. Ngoài kiến thức, các bạn cũng phải học về kỹ năng mềm, cách tư vấn, tiếp cận, chăm sóc khách hàng, đối nhân xử thế với đồng nghiệp, người xung quanh, gia đình.

Nghề này cực kỳ chú trọng về kiến thức. Nếu khách hàng đồng ý mở tài khoản, đó mới chỉ là bước mở đầu. Tư vấn có hiệu quả, khách hàng có kiếm được tiền hay không, đó là mới câu chuyện lâu dài.

Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

FILI