Giao dịch chứng khoán sáng 19/9: Mốc 1.200 điểm bị "đe dọa", các cổ phiếu dầu khí vẫn khởi sắc

Trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 18/9), tuy chỉ số chung xuất hiện nến hammer nhờ lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm, nhưng vẫn chưa thể khẳng định đây sẽ là đáy ngắn hạn của thị trường.

Bên cạnh đó, cả hai chỉ báo quan trọng MACD và RSI ở khung đồ thị đều đang hướng xuống. Đồng thời, chỉ báo ADX và DI có xu hướng dâng lên, cho thấy thị trường vẫn có thể rung lắc mạnh.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 19/9, bỏ qua những lo ngại về trạng thái không mấy khả quan từ góc nhìn phân tích, chỉ số VN-Index đã khởi sắc trở lại nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bluechip.

Tuy nhiên, tâm lý lên là bán khiến thị trường khó tiến xa và nhanh chóng quay đầu giảm điểm do áp lực bán gia tăng. Thậm chí có thời điểm lực bán khá lớn lan rộng toàn thị trường đã đẩy VN-Index về sát ngưỡng 1.200 điểm.

Tại vùng giá này, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc tích cực giúp thị trường bật hồi, thu hẹp đà giảm điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 131 mã tăng và 347 mã giảm, VN-Index giảm 6,43 điểm (-0,53%), xuống 1.205,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 451,96 triệu đơn vị, giá trị 9.886,65 tỷ đồng, tăng 27,87% về khối lượng và 17,26% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,93 triệu đơn vị, giá trị 847,96 tỷ đồng.

Điểm tựa chính giúp thị trường chặn đà rơi là VHM. Sau khi rơi xuống mức giá thấp nhất trong khoảng 4 tháng khi đóng cửa phiên 18/9 dưới mức 49.000 đồng/CP, cổ phiếu VHM đã đảo chiều hồi phục tích cực và chốt phiên sáng nay tăng 2,3% lên mức 50.100 đồng/CP, đã đóng góp gần 1,2 điểm cho chỉ số chung.

Tuy nhiên, đà tăng của VHM không đủ sức để “cân” các cổ phiếu khác trong ngành, do đó nhóm bất động sản vẫn chưa thể hồi phục. Trong đó, các mã bất động sản giảm khá sâu là NVL có thời điểm về sát giá sàn và chốt phiên giảm 4,1% xuống mức 17.400 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, dẫn đầu thị trường khi đạt xấp xỉ 33,4 triệu đơn vị; CII giảm 3,5% xuống 21.900 đồng/CP và khớp hơn 10 triệu đơn vị; FCN giảm 4,9%, PDR giảm 2,5%...

Một số ít các mã ngược dòng thành công như DIG, LCG, TCH nhưng với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu thủy sản sau phiên ngược dòng hôm qua đã đồng loạt đảo chiều giảm với VHC, IDI, ANV đều giảm hơn 1%, ACL giảm hơn 2%, CMX giảm gần 1%...

Nhóm ngân hàng và chứng khoán cũng chủ yếu phủ đỏ, chỉ còn một số ít mã may mắn giữ được sắc xanh nhạt như ORS tăng chưa tới 0,3%; STB và LPB. Trong đó, STB chốt phiên tăng 1,7% lên mức 33.150 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 3 cổ phiếu dẫn đầu thị trường, đạt 18,26 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, nhóm giảm mạnh nhất là bán lẻ, với nhân tố chính là MWG giảm 2,4% xuống mức 53.700 đồng/CP; ngoài ra, FRT giảm 1,2%, DGW giảm nhẹ…

Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí đang là điểm sáng của thị trường. Cụ thể, GAS có chút rung lắc nhưng chốt phiên tăng gần 1%, PLX và PVD cùng tăng nhẹ, PVC tăng 3,13%, PVS tăng 1,56%, PVB tăng 1,36%.

Trên sàn HNX, thị trường cũng thu hẹp đà giảm điểm sau cú lao dốc mạnh.

Chốt phiên, sàn HNX có 45 mã tăng và 99 mã giảm, HNX-Index giảm 1,3 điểm (-0,52%) xuống 249,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 45,45 triệu đơn vị, giá trị 933,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,7 triệu đơn vị, giá trị 58,19 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS bật hồi nhẹ và chốt phiên chỉ giảm 1%, đứng tại mức giá 19.300 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt hơn 11,1 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó là CEO khớp hơn 7,92 triệu đơn vị, cũng giao dịch kém tích cực khi tạm dừng phiên sáng nay giảm 3,8% xuống mức 25.400 đồng/CP.

Trái lại, như đã nói ở trên, các cổ phiếu họ P đều khởi sắc. Trong đó, PVS thuộc top 3 thanh khoản tốt nhất thị trường với gần 2,5 triệu đơn vị khớp lệnh; còn PVC khớp lệnh 1,16 triệu đơn vị.

Đột biến trên sàn HNX vẫn thuộc về CMS. Dù có chút rung lắc và điều chỉnh nhẹ do áp lực chốt lời gia tăng sau thời gian bứt tốc mạnh mẽ và kéo dài, nhưng lực cầu mạnh đã giúp CMS sớm lấy lại phong độ. Chốt phiên, CMS tăng 9,7% lên mức giá trần 31.600 đồng/CP, khớp lệnh gần 1 triệu đơn vị và dư mua trần 58.000 đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng không tránh khỏi phiên mất điểm.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,45%), xuống 92,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,8 triệu đơn vị, giá trị 329,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,19 triệu đơn vị, giá trị 131,92 tỷ đồng, trong đó riêng CQN thỏa thuận hơn 3,58 triệu đơn vị, giá trị 125,46 tỷ đồng.

Các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường đều không thoát khỏi đà giảm. Trong đó, BSR khớp hơn 3 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 0,8%; AAS khớp 2,75 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 4%; C4G khớp 1,87 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 2%.

Một số mã đáng chú ý là CEN ngược dòng tăng mạnh khi chốt phiên tăng 7% lên mức 7.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị. Ngoài ra, NAB tiếp tục tăng tốc trước thềm niêm yết sàn HOSE khi chốt phiên tăng 5,6% lên mức 15.000 đồng/CP.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn