Góc nhìn đầu tư 2022: Ngành dầu khí (Kỳ 2) - Bộ ba chiến lược: PVS, GAS và PLX

Do đặc thù của ngành, các cổ phiếu tốt trong ngành dầu khí thường có vốn hóa lớn. Các cổ phiếu quan trọng có thể kể đến là Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX).

Góc nhìn đầu tư 2022: Ngành dầu khí (Kỳ 2) - Bộ ba chiến lược: PVS, GAS và PLX

Do đặc thù của ngành, các cổ phiếu tốt trong ngành dầu khí thường có vốn hóa lớn. Các cổ phiếu quan trọng có thể kể đến là Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX).

Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) - “Mỏ vàng” từ mảng FSO/FPSO

PVS là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước. Với triển vọng phát triển sáng sủa trong giai đoạn tới với các dự án dầu khí lớn, người viết kỳ vọng đây sẽ là doanh nghiệp đáng quan tâm trong dài hạn.

Các mảng kinh doanh trọng tâm của doanh nghiệp bao gồm: Dịch vụ cơ khí (M&C), dịch vụ thả nổi FSO/FPSO, dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng các CTDK biển (O&M-Operation & Maintenance), dịch vụ tàu, cảng,… Với dịch vụ M&C hiện đang chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất cho doanh nghiệp, tuy nhiên, biên lợi nhuận lại khá thấp.

Thay vào đó, mảng FSO/FPSO lại là điểm sáng nhất trong hoạt động kinh doanh từ năm 2021 khi đây là dịch vụ chiến lược mang tính ổn định, lâu dài do gắn liền với hoạt động khai thác các mỏ dầu. PVS hiện đang sở hữu 6 kho nổi FSO/FPSO phục vụ các hoạt động khai thác của khách hàng tại các mỏ trong và ngoài nước.

Các kho nổi (FSO/FPSO) của PVS

Nguồn: Báo cáo thường niên PVS

Kết quả kinh doanh trong năm 2021 sụt giảm do những ảnh hưởng từ đứt gãy chuỗi cung ứng. Xét riêng trong quý 4/2021, lợi nhuận sau thuế của PVS tăng 37% so với cùng kỳ. Biến động này đóng góp lớn từ lợi nhuận của mảng FSO/FPSO. Lợi nhuận gộp riêng mảng này trong năm 2021 cũng tăng 2 lần so với năm 2020.

Với việc ghi nhận diễn biến hồi phục mạnh mẽ từ mảng FSO/FPSO kể từ năm 2021, người viết nhận định đây sẽ tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” cho PVS trong năm 2022 khi mà giá dầu tăng mạnh trong thời gian qua có thể đã giúp tăng giá cho thuê kho nổi của PVS.

Tình hình kết quả kinh doanh từ năm 2017-2021. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) - Sẵn sàng dẫn đầu trong lĩnh vực LNG

Nhu cầu về LNG toàn cầu cũng như trong nước tăng cao. Thêm vào đó, giá LNG leo thang bất thường và liên tục thiết lập các mốc giá kỷ lục trong lịch sử ngành công nghiệp LNG. Nắm bắt được vấn đề nhu cầu tăng nhanh, từ năm 2019, GAS đã thành lập chi nhánh kinh doanh chuyên về kinh doanh và xuất nhập khẩu LNG.

Với dự án kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải do GAS làm chủ đầu tư và dự kiến chạy thử trong quý IV/2022, cùng với các hợp đồng MSPAs (Master Sale & Purchase Agreement) với các nhà cung cấp LNG khác trên thế giới mà GAS đã ký kết trong năm 2021. Điều này sẽ giúp đa dạng hóa các nhà cung cấp mang đến lợi thế cho GAS có nhiều sự lựa chọn về nguồn cung, với giá cả và chất lượng cạnh tranh tại từng thời điểm của thị trường.

Biến động giá LNG ở Asia trong giai đoạn từ năm 2015-T3/2022. Đvt: USD/mmBtu

Nguồn: TradingView và Fred

Trong tương lai, GAS sẽ phân phối LNG trên toàn quốc, trong đó mỗi khu vực sẽ được cung cấp từ 3 trung tâm đầu mối LNG cả nước gồm: khu vực miền Nam (Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải, tiến tới nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm), khu vực miền Trung (Kho chứa LNG Sơn Mỹ), khu vực miền Bắc (Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa).

Doanh thu của GAS trong năm 2021 tăng hơn 20% so với cùng kỳ do nhu cầu ở các nhà máy điện khí hồi phục. Đà tăng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2022. Thêm vào đó, GAS cũng đang có mức độ tài chính an toàn khi vốn chủ đang gấp gần 2 lần so với nợ vay.

Tình hình kết quả kinh doanh từ năm 2017-2021. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) - Giữ vững thị phần tiêu thụ xăng đứng đầu cả nước

PLX là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực phân phối xăng dầu với thị phần khoảng 50%. Tại Việt Nam, mạng lưới bán lẻ thuộc tất cả các thành phần kinh tế có hơn 17.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó hệ thống phân phối của Petrolimex có hơn 5.500 cửa hàng xăng dầu, tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ do Petrolimex trực tiếp cung cấp. Sản lượng xuất bán của PLX luôn giữ vững mức tăng trưởng ổn định hơn 5%/năm trong 5 năm qua.

Với việc giá xăng liên tục tăng cao sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực đến hàng tồn kho của PLX khi có giá vốn thấp ở giai đoạn trước đó. Thêm vào đó, việc thoái vốn khỏi PGB dự kiến sẽ xảy ra trong năm 2022 cũng có thể đem lại khoản lợi nhuận đột biến cho PLX.

Biến động giá xăng tính đến ngày 21/03/2022

Nguồn: Petrolimex

Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh 3 lần/tháng (thời gian điều chỉnh giá xăng từ 15 ngày xuống 10 ngày) để sát với tình hình biến động giá xăng dầu trên thị trường quốc tế, giá cơ sở cũng được tính theo tỷ lệ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước và nhập khẩu. Điều này sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của PLX bám sát với thị trưòng thế giới hơn.

Chịu nhiều sự thiệt hại kể từ năm 2020 khi giá xăng dầu lao dốc khiến giá bán thấp hơn nhiều so với giá vốn. Cộng thêm việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội trong năm 2021 kéo theo tiêu thụ sụt giảm thì nay khi tình hình bắt đầu ổn định trở lại, nhu cầu hồi phục sẽ giúp kết quả kinh doanh trong tương lai của PLX khởi sắc hơn.

Tình hình kết quả kinh doanh từ năm 2017-2021. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI