Hạ tầng Gelex trở thành cổ đông lớn tại HJS

Ngày 31/12/2020, CTCP Hạ tầng Gelex chính thức trở thành cổ đông lớn tại CTCP Thủy điện Nậm Mu (HNX: HJS) sau khi mua 3.41 triệu cp HJS, chiếm 16.23% vốn tại đây.

Hạ tầng Gelex trở thành cổ đông lớn tại HJS

Ngày 31/12/2020, CTCP Hạ tầng Gelex chính thức trở thành cổ đông lớn tại CTCP Thủy điện Nậm Mu (HNXHJS) sau khi mua 3.41 triệu cp HJS, chiếm 16.23% vốn tại đây.

Tính theo thị giá HJS cuối phiên 31/12/2020 là 38,000 đồng/cp, ước tính Hạ tầng Gelex phải chi hơn 129 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.

Trước đó, cơ cấu cổ đông lớn của HJS liên tục biến động khi CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) – tổ chức có liên quan đến bà Phạm Thị Thu Hà – Ủy viên HĐQT HJS và bà Trịnh Thị Thúy đã không còn là cổ đông lớn tại đây do lần lượt bán ra 5.12 triệu cp và 20,000 cp HJS trong năm 2020.

Gần đây nhất là ông Võ Anh Linh – chồng bà Phạm Thị Thu Hà cũng đã bán toàn bộ 2.07 triệu cp HJS vào ngày 10/07/2020, chiếm 9.84% vốn, chính thức không còn là cổ đông lớn tại đây.

Tại ngày 27/04/2015, HJS có 2 cổ đông lớn là CTCP Sông Đà 9 (51%) và CTCP Xi măng Sông Đà (5%). Đến ngày 17/07/2015, CTCP Xi măng Sông Đà đã thoái sạch vốn khỏi HJS.

Cơ cấu cổ đông của HJS tại ngày 31/12/2020
Nguồn: HJS

Như vậy, tính đến hiện tại, HJS có 2 cổ đông lớn gồm CTCP Sông Đà 9 (51%) và CTCP Hạ tầng Gelex (16.23%).

CTCP Hạ tầng Gelex được thành lập vào năm 2016 với tên gọi Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex, với vốn điều lệ hiện tại là 2,700 tỷ đồng do Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex,HOSE: GEX) sở hữu 100% vốn điều lệ.

Đến ngày 02/10/2020, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex được đổi tên thành CTCP Hạ tầng Gelex.

Theo định hướng của GEX, Hạ Tầng Gelex chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và hạ tầng. Trong đó, Công ty đã hoàn thành đầu tư vào 3 dự án nguồn phát điện với tổng công suất 122MW (Thủy điện Canan 1,2; Thủy điện Sông Bung; Trang trại điện Mặt trời Ninh Thuận). Hạ tầng Gelex dự kiến 05 dự án nhà máy điện gió tỉnh Quảng Trị sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Hạ tầng GELEX hiện đang sở hữu 60.46% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị này đang cung cấp nước cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300,000 m3/ ngđ. Trong đó, dự án đầu tư hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc- Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn II nâng công suất lên 600,000 m3/ngđ.

Về phía HJS, kết quả kinh doanh của Công ty trong 9 tháng đầu năm có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, ghi nhận hơn 151 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 43 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 17% và 8%.

Năm 2020, HJS đặt mục tiêu 160 tỷ đồng doanh thu và 51.2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 6% và 7% so với thực hiện năm 2019. Như vậy, Công ty đã thực hiện được 94% chỉ tiêu doanh thu và vượt 6% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Diễn biến giá cổ phiếu HJS từ đầu năm 2020 đến phiên 06/01/2021
Nguồn: VietstockFinance

Hiện, cổ phiếu HJS đang giao dịch quanh mức giá 38,000 đồng/cp, (kết phiên sáng 06/01/2021), tăng gần 78% so với với đầu năm 2020. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 11,000 cp/ngày.

Khang Di

FILI