Hàng loạt vấn đề tại LIC nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục

Ngoài việc tăng lỗ thêm 13 tỷ đồng, lên mức lỗ gần 69 tỷ đồng sau kiểm toán, Tổng Công ty Licogi – CTCP (UPCoM: LIC) cũng nhận ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán đối với dự án khu đô thị Nam Ga Hạ Long và dự án bất động sản khu dân cư Licogi 17, dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, các khoản công nợ phải thu và dự phòng phải thu khó đòi, các khoản công nợ phải trả, hàng tồn kho và tài sản cố định, cùng một số sai sót khác.

Hàng loạt vấn đề tại LIC nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục

Ngoài việc tăng lỗ thêm 13 tỷ đồng, lên mức lỗ gần 69 tỷ đồng sau kiểm toán, Tổng Công ty Licogi – CTCP (UPCoM: LIC) cũng nhận ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán đối với dự án khu đô thị Nam Ga Hạ Long và dự án bất động sản khu dân cư Licogi 17, dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, các khoản công nợ phải thu và dự phòng phải thu khó đòi, các khoản công nợ phải trả, hàng tồn kho và tài sản cố định, cùng một số sai sót khác.

Theo đơn vị kiểm toán, tại báo kiểm toán ngày 10/04/2019 về báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của LIC, kiểm toán viên đã đưa ý kiến kiểm toán ngoại trừ về những vấn đề trên. Các vấn đề này tiếp tục ảnh hưởng đến báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019.

Cụ thể, trong các năm trước, LIC đã ghi nhận một phần doanh thu và giá vốn của dự án khu đô thị Nam Ga Hạ Long trên cơ sở nhận tiền trước. Tuy nhiên, cơ sở ghi nhận doanh thu này chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 – Doanh thu và thu nhập khác (VAS14). Nếu LIC hạch toán theo VAS 14 thì doanh thu và giá vốn hàng bán tương ứng của dự án này trong năm 2018 tăng lên lần lượt là 8.9 tỷ đồng và 7.3 tỷ đồng. Lợi nhuận kế toán trước thuế trong năm 2018 sẽ tăng lên khoảng 1.6 tỷ đồng.

Trong năm 2019, LIC ghi nhận doanh thu và giá vốn của dự án trong đó có một số lô đất đã được ghi nhận một phần doanh thu từ các kỳ trước. Nếu LIC hạch toán theo VAS 14 thì doanh thu và giá vốn hàng bán tương ứng của dự án này trong năm 2019 tăng lên lần lượt là 2.68 tỷ đồng và 2.2 tỷ đồng. Lợi nhuận kế toán trước thuế trong năm 2019 sẽ tăng lên khoảng 0.47 tỷ đồng.

Tương tự, LIC đã ghi nhận doanh thu dự án bất động sản khu dân cư Licogi 17 trên cơ sở nhận tiền trả trước của khách hàng trong các năm trước nhưng cơ sở ghi nhận này chưa tuân thủ theo chuẩn mực kế toán VAS 14. Vì thế, nếu LIC hạch toán theo VAS 14 thì doanh thu và giá vốn hàng bán tương ứng của dự án này trong năm 2018, tăng lên lần lượt là 21.1 tỷ đồng và 14.2 tỷ đồng. Lợi nhuận kế toán trước thuế trong năm 2018 sẽ tăng lên khoảng 6.9 tỷ đồng. Do vậy, sai sót này làm ảnh hưởng đến số liệu so sánh năm 2018 trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của LIC.

Đối với dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, trong năm 2016, trước khi bàn giao dự án sang công ty con, LIC đã tính toán lại chi phí lãi vay của các năm trước và ghi nhận vốn hóa lãi vay cho dự án này vào tài khoản đối ứng “Phải trả ngắn hạn khác” một khoản là 87.49 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc hạch toán này chưa tuân thủ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 – “Chi phí đi vay” (VAS 16). Nếu LIC ghi nhận theo VAS 16, thì khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn và khoản mục phải trả dài hạn khác tại ngày 01/01/2019 sẽ giảm 87.49 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2018, LIC đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục “Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn” của dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt với tổng giá trị lũy kế lè 341.34 tỷ đồng. Trong năm 2019, LIC tiếp tục vốn hóa lãi vay vào khoản mục “Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn” của dự án này với tổng giá trị là 56.54 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm chi phí lãi vay đã vốn hóa năm 2016 số tiền 87.49 tỷ đồng dẫn đến tổng giá trị vốn hóa lãi vay lũy kế của dự án này tính đến 31/12/2019 là 310.38 tỷ đồng. Vì dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt kéo dài nên đơn vị kiểm toán không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định chi phí lãi vay vào dự án này theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16.

Về khoản công nợ phải thu và dự phòng phải thu khó đòi, đơn vị kiểm toán cho biết, tại ngày 31/12/2018 và 31/12/2019, các công ty con của LIC đang ghi nhận một số khoản nợ phải thu mà kiểm toán viên không đánh giá được quyền và nghĩa vụ, tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ cũng như đánh giá tổn thất của các khoản nợ phải thu này.

Cụ thể, tại CTCP Licogi 15, nợ phải thu là 94.8 tỷ đồng và 91.92 tỷ đồng, tại CTCP Lắp máy điện nước – Licogi nợ phải thu là 6.22 tỷ đồng và 11.56 tỷ đồng, tại CTCP Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20 (Licogi 20) nợ phải thu là 119.89 tỷ đồng và 130.32 tỷ đồng và tại Công ty Cơ giới và Xây lắp số 10 nợ phải thu tại ngày 31/12/2019 là 11.9 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2018 và 31/12/2019, một số công ty con của LIC (bao gồm CTCP Cơ giới và Xây lắp số 9, CTCP Licogi 17) chưa trích lập đầy đủ các khoản dự phòng phải thu khó đòi cho khoản mục “Phải thu ngắn hạn của khách hàng”, “Phải thu ngắn hạn khác” theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 48 của Bộ tài chính về hướng dẫn chế độ trích lập các khoản dự phòng (TT48). Nếu các đơn vị này trích lập dự phòng đầy đủ các khoản dự phòng khoản phải thu khó đòi theo đúng hướng dẫn tại TT 48 thì chỉ tiêu dự phòng nợ phải thu khó đòi sẽ tăng lên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2018 và 31/12/2019 sẽ giảm đi lần lượt là 21.69 tỷ đồng và 20.57 tỷ đồng. Theo đó, trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2019, chỉ tiêu “Chi phí quản lý doanh nghiệp” sẽ giảm đi và chỉ tiêu “Lợi nhuận kế toán trước thuế” sẽ tăng lên số tiền 1.17 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại ngày 01/01/2019 và 31/12/2019, LIC ghi nhận một số khoản nợ phải trả nhưng kiểm toán viên không thể thu thập được các tài liệu cần thiết để xác định được quyền và nghĩa vụ, tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ của các khoản nợ phải trả này. Cụ thể, tại Công ty mẹ là 48.06 tỷ đồng; tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Licogi số 2 là 14.17 tỷ đồng; tại CTCP Licogi 15 là 141.08 tỷ đồng và 143.23 tỷ đồng; tại CTCP Lắp máy Điện nước – Licogi là 14.44 tỷ đồng và 24.06 tỷ đồng; tại CTCP Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20 là 253.59 tỷ đồng và 256.63 tỷ đồng; tại CTCP Cơ giới và Xây lắp số 10 tại 31/12/2019 là 20.18 tỷ đồng.

Đối với khoản mục hàng tồn kho và tài sản cố định, kiểm toán viên không thể thu thập đủ bằng chứng để đánh giá tính hiện hữu của các tài sản cố định đang trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm 01/01/2019 và 31/12/2019 của CTCP Licogi 20 với số tiền lần lượt là 30.31 tỷ đồng và 30.06 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2018 và năm 2019, Công ty Licogi 20 không thực hiện ghi nhận chi phí khấu hao tài sản cố định vào kết quả hoạt động kinh doanh. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định được chi phí khấu hao cần ghi nhận bổ sung vào báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 và năm 2019 của LIC.

Hơn nữa, trong năm 2018 và năm 2019, kiểm toán viên không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán cần thiết để xác định tính hiện hữu của hàng tồn kho tại ngày 31/12/2018 và 31/12/2019 của CTCP Licogi 10, CTCP Licogi 15 và Công ty Licogi 20 với tổng giá trị hàng tồn kho lần lượt là 133.62 tỷ đồng và 132.36 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán cũng kể ra những sai sót khác khi tại ngày 31/12/2018, công ty con là CTCP Licogi 15 của LIC chưa ghi nhận khoản phạt vi phạm, phạt chậm nộp các loại thuế và chi phí lãi vay phải trả ngân hàng và các đối tượng khác tính đến thời điểm 31/12/2018. Trong năm 2019, CTCP Licogi 15 tiếp tục chưa ghi nhận bổ sung các khoản phạt vi phạm, phạt chậm nộp thuế cũng như các khoản chi phí lãi vay phát sinh trong năm 2019. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán để xác định chi phí lãi vay và các khoản phải trả nêu trên nên đơn vị kiểm toán không thể xác định được các điều chỉnh cần thiết liên quan đến lãi/lỗ trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019.

Trong năm 2018, kiểm toán viên không tiếp cận được với các tài liệu, hồ sơ ghi nhận doanh thu phát sinh tại Công ty Licogi 20 của một số công trình đang được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất với số tiền 18.55 tỷ đồng, nên kiểm toán không thể xác định liệu có cần điều chỉnh các chỉ tiêu doanh thu, công nợ phải thu và các chỉ tiêu liên quan khác trên báo cáo tài chính hợp nhất của LIC.

Bên cạnh việc đưa ra một loạt các vấn đề ngoại trừ, đơn vị kiểm toán còn nhấn mạnh, tại ngày 31/12/2019, tổng nợ ngắn hạn của LIC vượt quá tài sản ngắn hạn là 1,371 tỷ đồng, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán hợp nhất là 592.84 tỷ đồng, chiếm 65.87% vốn điều lệ của LIC. Tuy nhiên, Ban Tổng Giám đốc của LIC cho biết, Công ty sẽ thực hiện tái cấu trúc theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 và 2018, đồng thời có thể huy động được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và từ các nguồn khác để thanh toan các khoản nợ đến hạn (nếu cần thiết) và duy trì nguồn vốn lưu động cần thiết để tiếp tục hoạt động trong tương lai gần. vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý có liên quan đến khoản chi phí cơ hội theo hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thịnh Liệt giữa LIC và Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản khu Đông cùng với tình hình thực tế triển khai dự án nên giá trị quyết toán bàn giao không bao gồm chi phí cơ hội. Chi phí này sẽ được tính riêng sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và LIC có trách nhiệm nộp trức tiếp về quỹ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sau khi được xác định chính thức.

Theo đơn vị kiểm toán, những sự kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của LIC. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của LIC vẫn được trình bày trên cơ sở giả định về khả năng hoạt động liên tục.

Khang Di

FILI