Hé lộ kết quả kinh doanh quý 3: Doanh nghiệp thép kém lạc quan

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022 bắt đầu được công bố, trong đó, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng khả quan và sớm “cán đích” kế hoạch lợi nhuận năm, tuy nhiên một số doanh nghiệp báo lãi giảm, thậm chí báo lỗ, điển hình là các doanh nghiệp ngành thép.

Hé lộ kết quả kinh doanh quý 3: Doanh nghiệp thép kém lạc quan

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022 bắt đầu được công bố, trong đó, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng khả quan và sớm “cán đích” kế hoạch lợi nhuận năm, tuy nhiên một số doanh nghiệp báo lãi giảm, thậm chí báo lỗ, điển hình là các doanh nghiệp ngành thép.

Tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp ngành bia

Bức tranh kinh doanh quý 3/2022 của ngành bia được hé lộ với nhiều gam màu sáng. Trong đó, những doanh nghiệp ngành bia đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao.

Các doanh nghiệp đầu tiên tăng lãi trong quý 3/2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Người viết tổng hợp

Đơn cử như Bia Sài Gòn - Miền Trung (HOSE: SMB), thu về gần 348 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 3/2022, tăng 58% so với cùng kỳ và lãi ròng đạt gần 45 tỷ đồng, tăng 124%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của SMB đạt 154 tỷ đồng,  tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Công ty vượt gần 40% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Một đại diện khác của ngành bia là Bia Hà Nội - Hải Dương (Habeco Hải Dương, HNX: HAD) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3 khả quan với doanh thu hơn 58 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và báo lãi sau thuế hơn 5.5 tỷ đồng, tăng 95%. Sau 9 tháng, HAD đạt 10.4 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 3.3 lần cùng kỳ và vượt 188% mục tiêu lợi nhuận năm.

Bia - Nước giải khát Sài Gòn - Tây Đô (TDBECO, OTC: STD) ghi nhận chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong quý 3 đều tăng cao nhưng lợi nhuận gộp kỳ này tăng mạnh hơn nên STD vẫn lãi sau thuế hơn 740 triệu đồng, cùng kỳ lỗ hơn 2.8 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm, Công ty thu về hơn 19 đồng lãi sau thuế, gấp đôi cùng kỳ.

Nằm trong danh sách những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao là Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HOSE: HAX). Theo đó, Công ty ghi nhận doanh thu thuần quý 3 hơn 1,970 tỷ đồng, gấp gần 2.8 lần cùng kỳ và lãi ròng 57.5 tỷ đồng, (cùng kỳ lỗ hơn 33 tỷ đồng).

Sau 9 tháng, lợi nhuận ròng của HAX đạt hơn 192 tỷ đồng, gấp 5.6 lần cùng kỳ, phá đỉnh lợi nhuận ròng đạt được vào năm 2021 (160 tỷ đồng). Kết quả kinh doanh này được phục hồi mạnh từ mức nền thấp cùng kỳ năm 2021 khi thị trường đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 cũng như các lệnh giãn cách xã hội.

Đầu tư TDG GLOBAL (HOSE: TDG) cũng gây chú ý với mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Theo đó, Công ty báo doanh thu quý 3 hơn 276 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn báo lãi sau thuế gấp 12.5 lần cùng kỳ, đạt 1.6 tỷ đồng. Theo giải trình, doanh thu sụt giảm trong quý 3 do giá gas biến động giảm liên tục; tuy nhiên kết quả lợi nhuận tăng trưởng do Công ty đã cố gắng quản lý chi phí hiệu quả.

Tính chung 9 tháng, doanh thu của TDG đạt gần 790 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 10%, nhưng lợi nhuận gấp hơn 29 lần (đạt gần 10 tỷ đồng); thực hiện gần 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G) công bố kết quả doanh thu thuần quý 3 hơn 668 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ và báo lãi ròng 25.7 tỷ đồng, tăng 141%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhờ doanh thu tài chính tăng đồng thời tiết giảm mạnh chi phí tài chính, lợi nhuận ròng của C4G tăng hơn 96% so với cùng kỳ, lên hơn 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, C4G mới thực hiện được 1/3 kế hoạch 300 tỷ đồng lãi sau thuế cả năm đề ra.

Ở mảng điện năng, Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) cũng có kết quả kinh doanh tốt trong quý 3/2022. Theo đó, Công ty ghi nhận doanh thu đạt gần 3,070 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 40.5 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và gấp 6.6 lần so với cùng kỳ. Kết thúc 9 tháng đầu năm, HND thu lãi ròng 578 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, vượt mục tiêu kế hoạch năm.

Được hưởng lợi từ giá cung cấp nước sạch tăng, Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt 123 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 54 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 110% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, TDM thu về hơn 353 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu tài chính sụt giảm đến 98% từ 87 tỷ đồng xuống còn hơn 2 tỷ đồng do Công ty không còn khoản cổ tức từ Biwase (BWE) kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm 24% xuống còn 146.5 tỷ đồng; thực hiện 62% mục tiêu lợi nhuận năm.

Ở nhóm ngành thủy sản, quý 3/2022, CTCP Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) ghi nhận doanh thu thuần gấp 3.4 lần cùng kỳ, đạt hơn 46 tỷ đồng và báo lãi ròng gần 3 tỷ đồng, gấp 18.7 lần. Sau 9 tháng, Công ty thu về gần 14 tỷ đồng lãi ròng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 4 tỷ đồng.

Năm 2022, AAM đặt mục tiêu lãi trước thuế vỏn vẹn 1 tỷ đồng do thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn còn hạn chế vì các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp hơn. Với kế hoạch kinh doanh thấp, Công ty đã vượt xa mục tiêu đề ra chỉ sau 9 tháng.

Nhiều doanh nghiệp “ngậm ngùi” đi lùi

Ở diễn biến khác, một số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 không mấy khả quan. Trong đó, bức tranh kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp ngành thép được hé lộ với những khoản lỗ lớn.

Các doanh nghiệp đầu tiên báo lãi giảm và lỗ trong quý 3/2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Người viết tổng hợp

Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 7-9/2022, Thép Vicasa - Vnsteel (HOSE: VCA) đạt doanh thu hơn 477 tỷ đồng và lỗ gộp 9.9 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ và giá thép đồng loạt giảm là nguyên nhân dẫn tới kết quả ảm đạm này. Trong kỳ, nhiều khoản chi phí tăng mạnh, với chi phí tài chính tăng 44%, chi phí bán hàng hàng tăng 108%.

Sau cùng, doanh nghiệp thép trực thuộc Vnsteel báo lỗ ròng 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất của Công ty kể từ năm 2009. Kết quả ảm đạm của quý 3 khiến VCA lỗ ròng 13 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, (cùng kỳ lãi 42 tỷ đồng).

Trong khi đó, Thép Thủ Đức - VNSteel (UPCoM: TDS) bị nhấn chìm trong hố sâu thua lỗ trong quý 3/2022 do lượng tiêu thụ ảm đạm cùng với tồn kho giá cao. Công ty ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt 412 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 643 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thua lỗ nhiều nhất của Công ty kể từ khi cổ phần hoá (năm 2008).

Ở ngành vật liệu xây dựng, một thành viên của Viglacera - CTCP Viglacera Hạ Long (HNX: VHL) ghi nhận doanh thu quý 3/2022 đạt hơn 355 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ và lỗ ròng hơn 4.6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng hơn 12 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến cho VHL thua lỗ là vì biên lợi nhuận gộp giảm trong khi chi phí bán hàng lại tăng 37% so với cùng kỳ, lên gần 32 tỷ đồng cùng với phần lỗ trong công ty liên kết gần 2 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gần 180 triệu đồng.

Sau 9 tháng đầu năm, VHL chỉ mới thực hiện 8.2% mục tiêu lợi nhuận năm.

Một doanh nghiệp khai khoáng là Đầu tư Thương mại và Dịch vụ - Vinacomin (ITASCO, UPCoM: ITS) cho thấy một kỳ kinh doanh khá bết bát, với lãi ròng quý 3/2022 giảm 95%, còn 500 triệu đồng dù doanh thu gấp 2.8 lần cùng kỳ. Nguyên nhân là do doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ giảm mạnh tới 96%, chỉ còn hơn 1.2 tỷ đồng, do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính khác (cùng kỳ hơn 39 tỷ đồng).

Cảng Cam Ranh (HNX: CCR) cũng có quý 3 tiêu cực, doanh thu thuần quý 3 của Công ty giảm 27% so với cùng kỳ, về còn hơn 40 tỷ đồng và báo lãi ròng giảm 83%, còn 1.85 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi ròng của CCR giảm 70%, chỉ còn 10.7 tỷ đồng.

Thế Mạnh

FILI