Hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp của Masan Group

Mỗi công ty thành viên là một mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp của Tập đoàn Masan (Masan Group, HOSE: MSN). Đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Masan Group nhảy vọt nhờ kết quả của các thương vụ M&A.

Hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp của Masan Group

Mỗi công ty thành viên là một mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp của Tập đoàn Masan (Masan Group, HOSE: MSN). Đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Masan Group nhảy vọt nhờ kết quả của các thương vụ M&A.

Masan Group là một tập đoàn đa ngành gồm nhiều mảng kinh doanh. Xuyên suốt lịch sử của mình, Tập đoàn tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng có quy mô thị trường lớn. Theo Báo cáo thường niên 2019, giá trị thị trường mà Masan có thể tiếp cận tại Việt Nam là trên 60 tỷ USD mỗi năm. Những ngành kinh doanh bao gồm thực phẩm và đồ uống đóng gói, thực phẩm và thịt tươi sống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, dịch vụ tài chính; đây là những lĩnh vực lần lượt chiếm 13%, 14%, 2% và 22% chi tiêu của người tiêu dùng.

Tổng doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2020 của Masan Group tăng vọt 111% so cùng kỳ, lên mức 55.6 ngàn tỷ đồng. Kết quả này có sự đóng góp đắc lực từ việc thâu tóm 3 công ty gồm Vincommerce (VCM), Bột giặt Net (Netco) và H.C.Starch.

VCM được hợp nhất vào Masan từ tháng 12/2019, bổ sung 23.7 ngàn tỷ đồng vào tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 của Tập đoàn, chiếm tỷ lệ 42.6% và tạo ra 81% tổng tăng trưởng.

Đối với Masan Consumer Holdings (MCH), việc tung hàng loạt sản phẩm mới gồm nhóm thực phẩm tiện lợi cao cấp có thịt, bột nêm Chinsu, mỹ phẩm và sản phẩm gia đình và tái tung các sản phẩm thịt chế biến giúp doanh thu MCH tăng trưởng 29.9% so cùng kỳ, lên mức 16.4 ngàn tỷ đồng và đóng góp 12.9% vào tổng tăng trưởng doanh thu.

Chuỗi giá trị thịt cũng bổ sung 1.5 ngàn tỷ đồng vào doanh thu của Tập đoàn 9 tháng đầu năm nay. Mới đây, việc mua cổ phần 3F Việt được thực hiện bởi Masan MEATLife (MML) với mục đích bổ sung thịt gia cầm vào chuỗi giá trị thịt sẵn có. Dự kiến 3F Việt sẽ đạt doanh thu 1,000 tỷ đồng và đạt điểm hòa vốn EBITDA trong năm.

Ở một diễn biến khác, Masan High-Tech Materials (MHT, tên cũ là Masan Resources) đã hoàn tất việc sáp nhập nền tảng vonfram H.C.Starch sau nhiều năm theo đuổi. Nhờ đó, Masan đã tiến thêm một bước quan trọng để trở thành nhà cung cấp vonfram trong chuỗi cung ứng tích hợp toàn cầu, phát triển chuỗi giá trị và mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3.5 lần (từ 1.3 tỷ USD lên thành 4.6 tỷ USD).

Trong quý 3/2020, Masan đã thực hiện thương vụ bán 10% vốn của MHT cho Mitsubishi Materials Corporation (MMC). Việc MMC trở thành cổ đông chiến lược của MHT sẽ giúp tiếp cận thị trường hạ nguồn của sản phẩm khai khoáng gồm vonfram, đồng,… nhằm ổn định doanh thu và nâng cao biên lợi nhuận cho mảng khai khoáng.

Như vậy, Masan đã thực hiện tổng cộng 5 thương vụ M&A lớn đáng chú ý trong năm 2020.

Cho quý 4/2020, MCH được dự báo tiếp nối đà tăng trưởng hiện tại để đạt mức tăng doanh thu 25-30% so cùng kỳ. Đối với VCM, mục tiêu đạt EBITDA hòa vốn quý cuối năm trong khi duy trì mức tăng trưởng doanh thu 10% so với quý 3 liền trước.

Nền tảng thịt tích hợp của MML đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số so với quý 3/2020. Trong đó, thịt chế biến sẽ đóng góp 10% doanh thu từ thịt vào cuối năm. Tính cả năm 2020, mảng thức ăn chăn nuôi có thể đạt EBITA 1,700 tỷ đồng. 3F Việt dự kiến sẽ có doanh thu 1,000 tỷ đồng và đạt điểm hòa vốn EBITDA trong năm 2020.

Về phần MHT, kết quả kinh doanh của đơn vị này còn tùy thuộc vào giá cả hàng hóa và các hoạt động công nghiệp trên toàn cầu. Ban điều hành dự kiến MHT sẽ đạt lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông hòa vốn trong quý 4/2020.

Đồ họa: Tuấn Trần

Xuân Nghĩa

FILI