Hòa Phát (HPG) đối mặt với thế ‘ba gọng kìm’, lâm nguy hay cơ hội?
Ngành thép đang đối mặt với nhiều cú sốc từ những nguy cơ mất thị phần xuất khẩu khi các hàng rào liên tục dựng lên cùng với rủi ro mất thị phần trong nước trước làn sóng ồ ạt của hàng nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam trong đó có Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đang đứng trước nhiều khó khăn bủa vây. Với vị thế “ông lớn” đầu ngành thép, liệu những thông tin tiêu cực trên có đẩy Hòa Phát vào tình thế lâm nguy?
Sức ép từ thị trường Trung Quốc
Việc sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc gia tăng trở lại đang gây áp lực lên giá thép khu vực. Tính trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đã tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 53,4 triệu tấn. Giá thép Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm khoảng 10% trong vòng 2 tháng qua.
Trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu đi, làn sóng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy bất an, nhất là trong thời điểm thị trường trong nước đang manh nha phục hồi sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng bởi sự suy thoái của bất động sản.
Dù vậy, theo đánh giá của SSI Research, biên lợi nhuận của Hòa Phát sẽ được hỗ trợ từ chi phí nguyên liệu đầu vào như quặng sắt và than cốc giảm khoảng 8-9% trong cùng thời kỳ. Ngoài ra, giá thép xây dựng đang có xu hướng ổn định hơn do có độ tương quan với giá thép khu vực thấp hơn so với sản phẩm HRC.
Giá nguyên liệu đầu vào sụt giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận của Hòa Phát trước sức ép từ thép nhập khẩu Trung Quốc (Nguồn: SSI Research) |
Cuộc đua tranh giành miếng bánh thị phần nội địa
Cập nhật trong báo cáo tài chính quý II/2024 của các doanh nghiệp, tổng giá trị tồn kho của ngành thép trên sàn chứng khoán ước tính vào khoảng 75.000 tỷ đồng, giảm khoảng 7.000 tỷ đồng so với cuối quý I trước đó, song đây vẫn là lượng tồn kho lớn thứ 2 trong vòng 7 quý trở lại đây.
Việc hàng tồn kho giảm trong bối cảnh giá thép tiếp tục giảm sâu tạo ra áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp thép thời gian tới.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước dù đã có những chuyển biến tích cực song sức mua của người dân vẫn là một dấu hỏi lớn, đặc biệt thị trường bất động sản vẫn cần thời gian để “ngấm” từ các chính sách hỗ trợ. Điều này dẫn đến gia tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép.
Dù vậy, với vị thế là ông lớn đầu ngành thép, Hòa Phát vẫn đang duy trì phong độ khi đứng vị trí số 1 về thị phần thép xây dựng cũng như tiêu thụ ống thép tại thị trường Việt Nam.
Hòa Phát duy trì vị trí số 1 về thị phần tiêu thụ thép xây dựng |
Những hàng rào lần lượt bị dựng lên
Hòa Phát đang đứng trước thế “gọng kìm” sau hàng loạt hàng rào được dựng lên làm dấy lên những lo ngại tác động đến sản lượng xuất khẩu.
Vào đầu tháng 6/2023, Liên minh châu Âu đã ra quyết định gia hạn các biện pháp bảo hộ đối với thép nhập khẩu thêm 3 năm nữa, đồng thời áp dụng hạn ngạch 15% của danh mục "các nước khác" tương đương khoảng 142 nghìn tấn mỗi quý đối với Việt Nam.
SSI Research ước tính chính sách này có thể làm giảm hạn mức xuất khẩu HRC từ Việt Nam vào Châu Âu khoảng 50% so với năm 2023. Mức thuế áp dụng đối với thép ngoài hạn ngạch là 25%.
Mới đây, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng phát đi thông báo về việc nhận được yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu HRC từ Việt Nam.
Được biết, thị trường châu Âu lần lượt chiếm 10% và 37% tổng doanh thu xuất khẩu của HPG vào năm 2022 và 2023. Thị trường này cũng chiếm lần lượt 2,1% và 10,7% tổng doanh thu của HPG trong năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên, Chứng khoán SSI nhận định tác động đến Hòa Phát có thể giảm bớt bằng cách tăng tỷ trọng thị trường nội địa cũng như các thị trường xuất khẩu khác, bao gồm Trung Đông, Châu Phi và Bắc Mỹ.
Việc hàng loạt hàng rào được dựng lên cùng với diễn biến giá thép trong thời gian gần đây tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp thép trong nước, trong đó có Hòa Phát. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, mỗi doanh nghiệp có các chiến lược kinh doanh cũng như định hướng phát triển khác nhau.
Đối với Hòa Phát, doanh nghiệp này vẫn dành sự ưu ái cho thị trường nội địa khi đây cũng là thị trường “cứu cánh” cho những lúc tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, đặc biệt là châu Âu trong 2 năm trở lại đây.
“Hòa Phát không dành quá nhiều cho xuất khẩu vì chỉ cần 1 lệnh áp thuế chống bán phá giá là doanh nghiệp lao đao. Bên cạnh đó, nguyên tắc của Hòa Phát là “không bỏ trứng vào 1 giỏ”, tức chọn xuất khẩu sang nhiều thị trường chứ không riêng một thị trường nào”, Chủ tịch Trần Đình Long từng chia sẻ.
Hòa Phát đang tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa |
Lâm nguy hay cơ hội?
Trước những khó khăn của ngành thép, việc xây dựng hàng rào bảo vệ thị trường nội địa trước làn sóng thép đổ bộ vào Việt Nam đang được cấp thiết xem xét và nếu được ban hành và là cơ sở bền vững cho tăng trưởng của các doanh nghiệp thép trong thời gian tới, đặc biệt đến từ hồi phục bền vững của thị trường nội địa khi thế giới vẫn gặp nhiều biến động khó lường.
Và hơn ai hết, nhiều nhà đầu tư cũng đang chờ đợi “cái gật đầu” của Bộ Công thương về quyết định áp thuế đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ theo yêu cầu từ Hòa Phát và Formosa.
Nếu biện pháp áp thuế chống bán phá giá được thực hiện, giá HRC nhập từ Trung Quốc sẽ tăng lên khiến sản lượng nhập khẩu sụt giảm. Trong khi HRC nội địa đang không đáp ứng đủ nhu cầu nên sẽ gây ra tình trạng cung ngày càng thiếu hụt. Từ đó, giá HRC nội địa mua từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chắc chắn sẽ tăng thêm bằng mức thuế CBPG so với mặt bằng giá HRC khi không có thuế CBPG. Qua đó đóng góp vào lợi nhuận ròng cho Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh.
Đây được cho là bệ phóng tăng giá của cổ phiếu, theo sau là bước đệm củng cố vững chắc cho sự tăng trưởng trong tương lai của “ông lớn” đầu ngành thép.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn