Johnathan Hạnh Nguyễn đương đầu sóng dữ Covid-19

Từng kinh qua nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn biết rằng kinh doanh trong bối cảnh bất ổn không phải chuyện dễ dàng, nhưng điều mà ông không ngờ tới là dịch bệnh lại có thể đi xa đến vậy.

Johnathan Hạnh Nguyễn đương đầu sóng dữ Covid-19

Từng kinh qua nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn biết rằng kinh doanh trong bối cảnh bất ổn không phải chuyện dễ dàng, nhưng điều mà ông không ngờ tới là dịch bệnh lại có thể đi xa đến vậy.

Lịch sử dường như không có chỗ dành cho khoảng trống. Khi nỗi lo về chiến tranh thương mại dần lắng xuống thì dịch Covid-19 đột ngột ập đến. Tới nay, thế giới ghi nhận hơn 12 triệu ca nhiễm và hơn 550,000 ca tử vong.

“Chưa bao giờ tôi nghe đến con số khủng khiếp đến vậy trong 50 năm chinh chiến. Song, đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch HĐQT của SASCO nhận định.

Giữa muôn vàn thách thức, vị Chủ tịch SASCO phải cố gắng lèo lái con tàu 27 năm tuổi băng qua cơn bão mà theo ông là khủng khiếp nhất trong cuộc đời.

Thị trường nội địa đến nay đã phục hồi, nhưng hành khách quốc tế vẫn chưa thể trở lại bởi dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp. Điều này vô hình trung đẩy những doanh nghiệp có nguồn thu lớn từ khách quốc tế như SASCO vào tình thế ngặt nghèo.

Hơn thế nữa, tâm lý e dè của người dân trong bối cảnh dịch bệnh cộng với sự suy giảm thu nhập khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không lao dốc và tác động đến hoạt động của các hãng kinh doanh dịch vụ phi hàng không như SASCO.

Trước cơn sóng dữ đó, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (UPCoM: SAS, SASCO) buộc lên kế hoạch lãi trước thuế vỏn vẹn 23 tỷ đồng, giảm tới 95% so với năm trước. Trên thực tế, con số này đã được điều chỉnh giảm từ kế hoạch lãi ban đầu là 185 tỷ đồng và qua đó cũng hé lộ thêm những gam màu tối về tương lai ngành dịch vụ hàng không.

Sự tương phản giữa tương lai bất định hiện tại và đà tăng trưởng mạnh trong quá khứ làm nổi bật những thay đổi khổng lồ mà đại dịch Covid-19 mang lại.

Dấu ấn

Tiền thân là Công ty Dịch vụ Cảng Hàng không Sân bay Miền Nam, SASCO được thành lập trong năm 1993 và trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Tại thời điểm đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã là một doanh nhân có tiếng. Từ bỏ công việc Thanh tra tài chính của hãng sản xuất máy bay Boeing tại Mỹ, vị doanh nhân gốc Khánh Hòa trở về Việt Nam lập nghiệp và là người đi tiên phong khai mở đường bay từ Tp.HCM sang Manila (Philippines) trong năm 1985.

Sau đó, ông gầy dựng Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) – một tập đoàn đa lĩnh vực chuyên về kinh doanh các cửa hàng miễn thuế tại sân bay, cửa khẩu, trung tâm bách hóa và là đối tác phân phối độc quyền của các thương hiệu nổi tiếng như Burberry, Cartier, Dior, Louis Vuitton, Rolex,… “Vua hàng hiệu” cũng là mỹ từ mà người đời dùng để nói về ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Ông "Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn. Đồ họa: Tuấn Trần

Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ phi hàng không và cũng hợp tác với SASCO từ thuở mới thành lập, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nắm rõ quá trình phát triển và quy cách kinh doanh của hãng dịch vụ phi hàng không này.

Mãi đến đầu năm 2015, mối cơ duyên lần đầu xuất hiện vào thời điểm SASCO cổ phần hóa. Được chọn làm đối tác chiến lược, IPPG thông qua các đơn vị trực thuộc đã chi trên 310 tỷ đồng mua 23.6% cổ phần từ SASCO.

Liên tiếp 2 năm sau đó, nhóm công ty IPPG tiếp tục mua lại cổ phần SASCO từ CTCP Hoàn Lộc Việt, nâng tỷ lệ sở hữu lên 43.65% và trở thành cổ đông lớn thứ hai chỉ sau Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (HOSE: ACV).

Kể từ tháng 04/2017, ông Johnathan Hạnh Nguyễn được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT SASCO thay cho bà Đoàn Thị Mai Hương – người đã gắn bó với SASCO từ những ngày đầu. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao vai trò dẫn dắt tại hãng dịch vụ phi hàng không này từ ACV sang IPPG.

Nhìn ngược về quá khứ, sự tăng trưởng của SASCO trong 5 năm qua mang đậm dấu ấn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

SASCO 5 năm nhìn lại

Nguồn: VietstockFinance

So năm 2019 với 2015 – thời điểm IPPG trở thành cổ đông chiến lược, doanh thu của SASCO tăng 175%, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng tới 210%. “Đây là kết quả của việc tiết kiệm chi phí. Tại sao hai người làm một việc mà không phải là một người làm hai việc”, vị doanh nhân gốc Khánh Hòa chia sẻ.

Kết quả là kể từ ngày đón “cơ trưởng” mới Johnathan Hạnh Nguyễn, biên lợi nhuận gộp của SASCO đã tăng từ 31% lên mức 48% trong năm 2019.

Các nguồn thu chính của SASCO đến từ kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại sân bay, khu nghỉ dưỡng… Trong đó, mảng đóng góp lớn nhất là lĩnh vực phòng chờ, chiếm gần 1/3 lợi nhuận của SASCO.

Khu phòng chờ vip (hình trên), khu bày bán mặt hàng miễn thuế (bên trái) và phòng chờ mới khai trương của SASCO (bên phải) tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nguồn: Báo cáo thường niên SASCO.

Lùi một bước, …nhảy mười bước

Đầu 2020, những tưởng SASCO sẽ có thêm một năm tăng trưởng khi vừa khai trương hàng loạt dịch vụ kinh doanh mới từ cuối năm 2019, như cửa hàng miễn thuế và phòng chờ thương gia mới tại Tân Sơn Nhất, khu nghỉ dưỡng 5 sao L’Azure Resort & Spa... Thế nhưng, Covid-19 đã làm thay đổi tất cả.

5 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của hãng dịch vụ hàng không này đánh dấu sự sụt giảm mạnh, trong đó lợi nhuận trước thuế giảm 78.45% so với cùng kỳ, xuống mức 35 tỷ đồng.

Giữa lúc nguồn thu bị hao hụt, giải pháp đầu tiên mà Chủ tịch SASCO nhắc đến là cắt giảm chi phí và không vay nợ.

Chúng ta không đỡ nổi với những thiên tai, SASCO không có doanh thu thì phải cắt giảm chi phí. Thế nhưng, Việt Nam vẫn còn thị trường nội địa. May là SASCO hiện không hề vay nợ mà ngược lại còn gửi tiền ngân hàng để hưởng lãi”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Ngoài ra, SASCO cũng lập tức chuyển sang tập trung toàn bộ lực lượng vào ga quốc nội trong bối cảnh Covid-19 đóng sầm cánh cửa hoạt động của ga quốc tế.

Nếu lúc trước, chúng ta kinh doanh ở mảng này 100 đồng, thì nay tăng lên 120 đồng, 150 đồng để lấy thặng dư từ mảng này bù vào phần lỗ ở mảng kia. Đây cũng là lúc Chính phủ đang tập trung vào kích cầu du lịch nội địa, do đó chúng ta phải phục vụ du khách nội địa để bù lại mảng quốc tế thay vì chia đôi lực lượng như lúc trước. Theo quan điểm của tôi, đây là phương án hay nhất đối với SASCO và những công ty mà đang trong mùa dịch”, ông chia sẻ.

Phát triển quỹ bất động sản cũng nằm trong kế hoạch của SASCO giữa lúc dịch bệnh tác động đến các mảng dịch vụ phi hàng không, theo lời của Chủ tịch SASCO.

Để phát triển dự án và sử dụng quỹ đất khủng hiện tại, chìa khóa của SASCO chính là những bước thay đổi về nhân sự.

Tại cuộc họp thường niên 2020, cổ đông đã đồng ý với Ban lãnh đạo về việc bổ nhiệm 2 cá nhân là ông Vũ Hoàng Long và bà Lê Thị Diệu Thúy vào HĐQT. Trong đó, bà Thúy là một thành viên trong ban lãnh đạo cấp cao ACV – ông chủ lớn nhất tại SASCO với tỷ lệ sở hữu hơn 49% tính tới cuối năm 2019. Còn ông Vũ Hoàng Long từng là thành viên của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) và có chuyên môn trong việc phát triển các dự án lớn.

Đẩy nhanh quá trình ra quyết định” là mục đích của những thay đổi này, theo lời ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Hiện SASCO đang triển khai hàng loạt dự án lớn ở Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang và Bình Dương, đáng chú ý như dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa (Đà Lạt), dự án khách sạn SASCO Nha Trang…

Bản đồ dự án của SASCO

Nguồn: Báo cáo thường niên 2019. Đồ họa: Tuấn Trần

Hơn hết, linh hoạt chính là điều cần có của bất kỳ doanh nghiệp nào trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang thay đổi rất nhanh và phức tạp, bởi ngành hàng không và du lịch có thể sẽ không còn như chúng ta từng biết đến.

Trong bối cảnh bất định hiện tại, ông Johnathan Hạnh Nguyễn thừa nhận “SASCO chắc chắn phải lùi một bước”. Nhưng ông rất tự tin rằng bước lùi là để sau đó “không chỉ tiến ba bước mà sẽ nhảy tới mười bước”.

“Sạch sẽ bên trong, chúng ta vẫn còn sống được”

Cho đến nay, Covid-19 vẫn chưa dừng lại và đặt ra bài toán khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và chính SASCO nói riêng. Tuy vậy, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng: “Mọi thứ không khủng khiếp như người ta nghĩ đâu”.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ với cổ đông tại cuộc họp thường niên 2020. Đồ họa: Tuấn Trần.

Theo ông, sức đề kháng của doanh nghiệp hàng không và dịch vụ hàng không tồn tại được bao lâu sẽ tùy thuộc vào quyết định mở cửa của Chính phủ. “Tuy vậy, tại sao chúng ta không chấp nhận phương án của Chính phủ đề ra và tự sống trong thị trường nội địa”, vị doanh nhân đặt vấn đề, đồng thời cũng bày tỏ hy vọng rằng người tiêu dùng, khách nội địa thay vì chi tiêu ở nước ngoài có thể chuyển hướng tiêu xài về Việt Nam.

Giữa bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng lối thoát là bình tĩnh xem xét và định hướng lại, “phải tự xoay xở và hướng tới nhu cầu thực tế”.

“Chúng ta không thể chấp nhận ngồi đó để chịu chết, không chấp nhận ngồi đó chờ phá sản. Nếu cần thì hãy đổi ngành nghề hoặc coi ngành nghề nào phù hợp và nằm trong lĩnh vực mình đang kinh doanh thì sẽ tập trung vào.

Chúng ta phải kiếm được ngành nghề gì để đáp ứng nhu cầu thực tế trong đại dịch, chứ không chỉ khăng khăng nói rằng tôi chỉ biết làm một thứ. Nếu chỉ biết kinh doanh ở quốc tế thì giờ không có khách biết phải làm gì?”, ông nói.

Dịch Covid-19 kéo dài càng lâu, sức đề kháng của doanh nghiệp sẽ càng đi xuống. Tuy vậy, với kinh nghiệm chinh chiến 50 năm, vị Chủ tịch khẳng định SASCO chắc chắn sẽ đứng vững.

Vẫn còn hy vọng. Sạch sẽ bên trong, chúng ta vẫn còn sống được” là cách mà ông nói về SASCO với cổ đông. “Chúng ta không thể chống dịch ngay trong hôm nay và chẳng thể có lãi lớn ngay trong hôm nay”.

Nội dung: Vũ Hạo

Đồ họa: Tuấn Trần

FILI