Khối ngoại mua ròng trong tuần rơi sâu, tân binh VNG xác lập kỷ lục thị giá

Chứng khoán Việt Nam nằm trong top thị trường giao dịch tiêu cực

Thị trường tài chính toàn cầu đón nhận thông tin tài chính quan trọng trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 2. Cục dự trữ liên bang Mỹ đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Ngân hàng trung ương Anh (BOE) sau đó đã đưa ra quyết định nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm.

ECB cũng đưa ra định hướng về việc có thể tiếp tục nâng thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng 3. Trong khi Fed được dự báo còn thêm 2 lần tăng lãi suất với mỗi lần 0,25 điểm phần trăm. Các quyết định lãi suất của các NHTW lớn theo khá sát kỳ vọng của thị trường. Phần lớn các thị trường chứng khoán không phản ứng tiêu cực khi quyết định của Fed được công bố.

Chứng khoán Việt Nam bất ngờ có một phiên giảm sâu ở giữa tuần. Ở nửa đầu tuần, VN Index dao động tại vùng hỗ trợ 1100 nhưng đã giảm hơn 35 điểm tại phiên ngày 01/02. Áp lực bán mạnh bất ngờ xuất hiện về cuối phiên chiều 01/02 cũng là nguyên nhân chính khiến các chỉ số chứng khoán Việt Nam mất điểm sâu tuần qua. VN-Index nằm trong top 10 chỉ số chứng khoán giảm sâu nhất tuần. Đây cũng là tuần điều chỉnh đầu tiên sau chuỗi 4 tuần tăng điểm liên tiếp của VN-Index.

VN-Index giảm 39,95 điểm (-3,6%) xuống 1.077,15 điểm, HNX-Index giảm 5,48 điểm (-2,5%) xuống mức 215,28 điểm. Riêng chỉ số sàn UPCoM nhích tăng 0,7%.

VN-Index điều chỉnh sau 4 tuần tăng liên tiếp. - Nguồn: TradingView

Dòng tiền sôi động khi giá rơi sâu, khối ngoại tiếp tục mua ròng

Điểm tích cực là phiên giảm sâu giữa tuần đã kích hoạt dòng tiền lớn tham gia mua cổ phiếu giá thấp. Riêng ở phiên 01/02, thanh khoản thị trường tăng vọt. Khối lượng giao dịch trở lại vượt mốc 1 tỷ cổ phiếu trên sàn HoSE.

Giá trị giao dịch trên HoSE đạt bình quân 13.339,22 triệu đơn vị/phiên, tăng 23,82% so với tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 755,11 triệu đơn vị/phiên, tăng gần 25%. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 38% lên bình quân đạt 1.381,37 tỷ đồng.

Trong tuần điều chỉnh của VN-Index, khối ngoại tiếp tục mua ròng với thanh khoản 1.858 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 1.681 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở cổ phiếu của Hoà Phát (gần 870 tỷ đồng). Xét về khối lượng giao dịch ròng, HPG  cũng là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất (39,7 triệu cổ phiếu). Chứng chỉ quỹ FUEVFVND và STB với lần lượt được mua ròng 13 và 12,9 triệu đơn vị cổ phiếu.

Khối tự doanh bán ròng trong nửa đầu tuần, đặc biệt bán mạnh ở phiên 01/02. Tuy nhiên, nhóm này cũng nhanh chóng giải ngân sau đó. Trên sàn HoSE, khối tự doanh mua ròng hơn 160 tỷ đồng.

Cổ phiếu tài chính giảm mạnh trong tuần điều chỉnh

Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự suy giảm, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu tài chính. Hàng loạt cổ phiếu dòng chứng khoán giảm mạnh, như SSI (-5,7%), HCM (-2,9%), VCI (-8%), VND (-7,4%), SHS (-7,2%)... Dòng ngân hàng với vai trò trụ cột thị trường với giá trị vốn hoá lớn cũng chịu áp lực điều chỉnh mạnh. Cổ phiếu TCB của Techcombank giảm 6,7%, ACB giảm 7%, VPBank giảm 7,4%...

Nhóm bất động sản cũng chứng kiến nhiều “ông lớn” giảm sâu như Vinhome “bốc hơi” tới 9,8% giá trị vốn hoá, Vingroup giảm 5,4%, cổ phiếu DXG giảm 5% giá trị... Cổ phiếu dược phẩm và y tế là điểm sáng của thị trường khi nằm trong số ít dòng tăng nhẹ.

Trong tuần qua, top 5 cổ phiếu kéo VN-Index giảm là VHM, VIC, MSN, VPB và VNM. Còn trên sàn HNX, cổ phiếu KSF, PVS, VCS, SHS là những đầu tàu ghìm chân chỉ số chung.

Giá trị tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm gần 2.400 tỷ đồng theo đà giảm của cổ phiếu VIC. Tuy nhiên, Chủ tịch Vingroup vẫn giữ vững vị trí số 1 về giá trị tài sàn chứng khoán. Cổ phiếu KSF giảm 5,35% cũng là nguyên nhân chính khiến tổng tài sản chứng khoán của ông Đỗ Anh Tuấn giảm hơn 700 tỷ đồng, duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng.

Cổ phiếu VNZ bắt đầu giao dịch

Tuần qua, VNZ đã bắt đầu xuất hiện giao dịch dù mỗi phiên chỉ có 100 cổ phiếu được khớp lệnh. Cổ phiếu của “ông lớn” ngành công nghệ VNG là tân binh đầu tiên chào sàn chứng khoán Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, sau gần một tháng lên sàn (từ 5/1), VNZ mới khớp lệnh trong ba phiên gần đây. Giá cổ phiếu VNZ tăng kịch biên độ, kết tuần qua ở mức 444.300 đồng/cổ phiếu. VNZ cũng đã nhanh chóng trở thành “quán quân” về  thị giá cổ phiếu. Giá trị vốn hoá của VNG theo đó tăng lên 15.925 tỷ đồng, tương đương gần 700 triệu USD.  

Cổ phiếu VNZ tăng mạnh cũng là nguyên nhân chính giúp UPCoM-Index vẫn tăng 0,7% trong khi cả hai chỉ số sàn niêm yết đều giảm mạnh. 

Xem thêm tại baodautu.vn