Khối ngoại rút gần 900 triệu USD khỏi chứng khoán châu Á trong 1 tháng qua

Làn sóng thoái vốn của các quỹ đầu tư toàn cầu khỏi các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á có thể đẩy nhanh hơn sau cuộc họp của Fed trong tuần này. Chưa hết, các thị trường này đang chịu áp lực từ đà tăng mạnh của đồng USD.

Khối ngoại rút gần 900 triệu USD khỏi chứng khoán châu Á trong 1 tháng qua

Làn sóng thoái vốn của các quỹ đầu tư toàn cầu khỏi các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á có thể đẩy nhanh hơn sau cuộc họp của Fed trong tuần này. Chưa hết, các thị trường này đang chịu áp lực từ đà tăng mạnh của đồng USD.

Nhà đầu tư nước ngoài đã có 4 tuần bán ròng liên tiếp trên các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á (trừ Trung Quốc), số liệu từ phân tích của hãng tin Bloomberg cho thấy.

Trong 4 tuần kết thúc vào ngày 16/09, khối ngoại đã rút 858 triệu USD khỏi các thị trường này. Đây là đợt thoái vốn dài nhất của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi chứng khoán mới nổi châu Á kể từ tháng 7. Nhiều đồng tiền trong khu vực rớt xuống mức thấp kỷ lục và triển vọng của giá cổ phiếu ngày càng xấu đi.

“Rủi ro suy thoái kinh tế và chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ tại các nền kinh tế phát triển đang kéo giảm kỳ vọng lợi nhuận trên thị trường chứng khoán châu Á, và dòng vốn tại các thị trường mới nổi không còn như trước đây nữa”, Manishi Raychaudhuri, Trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng BNP Paribas, cho biết.

Cho tới khi rõ ràng hơn về lộ trình chính sách của Fed, “có vẻ như xu hướng rút vốn khỏi các thị trường châu Á mới nổi sẽ tiếp diễn”, ông Raychaudhuri nhấn mạnh.

Dự trữ ngoại hối và quản lý chính sách nói chung của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á hiện tốt hơn nhiều so với khi giai đoạn Fed thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2013. Tuy nhiên, đà tăng giá chóng mặt của đồng USD đang khiến hầu hết các nền kinh tế trong khu vực phải thắt chặt chính sách tiền tệ, và điều này khiến thị trường chứng khoán bị tác động tiêu cực.

Tính từ đầu năm, tổng lượng vốn rút ròng khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á (trừ Trung Quốc) khoảng 65 tỷ USD, cao hơn mức thoái vốn của cả năm 2021. Những thị trường có cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng vốn hoá lớn như Đài Loan và Hàn Quốc bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với mức giảm thuộc hàng tệ nhất trên thế giới trong năm nay.

Các nhà giao dịch cổ phiếu đang chờ xem Fed sẽ phát tín hiệu như thế nào trong thời gian tới sau cuộc họp vào ngày 21/09. Hiện giới đầu tư đang kỳ vọng Fed nâng 75 điểm cơ bản tại cuộc họp lần này. Theo đánh giá của Bloomberg Intelligence, mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tỷ giá đồng USD và các thị trường chứng khoán mới nổi cuối cùng đã trở nên hết sức rõ ràng và sâu sắc.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Trong khi khu vực Bắc Á suy yếu, dòng vốn chảy khỏi thị trường Ấn Độ đã đảo chiều, và một số thị trường như Indonesia thậm chí đang hút vốn ròng.

Chỉ số Nifty 50 Index của chứng khoán Ấn Độ đã tăng 11% trong quý 3 này, trong khi các thị trường Thái Lan và Indonesia cùng tăng khoảng 4%. Mức tăng này khả quan hơn nhiều so với mức tăng 1% của thị trường Hàn Quốc và trái ngược với sự giảm điểm của chứng khoán Đài Loan.

Một số nhà đầu tư đang tìm thấy sự an ủi ở các cổ phiếu phòng thủ. Cổ phiếu tiện ích đã trở thành nhóm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán châu Á trong quý 3 này, chỉ giảm 0.5% so với mức giảm 5.5% của chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản.

“Chúng tôi mua thêm một chút cổ phiếu phòng thủ, chủ yếu là cổ phiếu của các công ty viễn thông vì đang có một câu chuyện tăng trưởng thực sự sau nhiều năm đầu tư”, Sat Duhra, Chuyên gia thuộc công ty Janus Henderson ở Singapore, cho biết.

Vị chuyên gia này nói thêm công ty của ông đã cắt giảm việc nắm giữ cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI