Kiểm soát cổ đông lớn tại các ngân hàng

Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bất động sản

Báo cáo của các ngân hàng cho thấy, các cổ đông chiến lược của ngân hàng đã xuất hiện nhiều “đại gia” bất động sản nắm giữ trên 1% vốn điều lệ hoặc 1 doanh nghiệp góp vốn tại 3 ngân hàng. Chẳng hạn, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam đang là cổ đông lớn của 3 ngân hàng là VietinBank, MB và ACB với tổng cộng khoảng 193 triệu cổ phần đang nắm giữ trị giá gần 5.000 tỷ đồng.

Còn tại ABBank, trong 19 cổ đông đang sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, Tập đoàn Geleximco là cổ đông tổ chức nắm giữ lượng cổ phần lớn thứ 2 với hơn 132 triệu cổ phiếu, tương đương 12,78% vốn điều lệ. Không những thế, Công ty Cổ phần Glexhomes - một doanh nghiệp do Tập đoàn Geleximco sáng lập cũng đang sở hữu 4,43% vốn điều lệ tại ABBank. Mặt khác, ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch HĐQT của ABBank tuy không trực tiếp sở hữu cổ phần tại ABBank nhưng lại đang nắm giữ hơn 33% cổ phần tại Geleximco. Bên cạnh đó, ông Vũ Văn Hậu -em ruột ông Vũ Văn Tiền, cùng người liên quan đang sở hữu gần 180 triệu cổ phần, tương đương 17,41% vốn ABBank.

Tại Eximbank, theo thông tin được công bố và qua 2 lần được chấp thuận mua cổ phiếu, Tập đoàn GELEX là cổ đông tổ chức lớn nhất khi sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ.

Tại Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB), trong số 11 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên thì có tới 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái ROX Group (trước đây là TNG Holdings) nắm giữ gần 5,4% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty CP ROX Key Holdings, Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp như Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài với 4,96%; Công ty TNHH Thành phố Công nghệ Xanh Hà Nội với 4,97%; Công ty Xây dựng và Kinh doanh Cơ sở Hạ tầng KCN Hà Nội - Đài Tư với 4,98% vốn điều lệ.

Tại HDBank (mã HDB), Sovico Holdings - thành viên thuộc Tập đoàn Sovico (hoạt động trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hàng không, bất động sản và công nghiệp) nắm giữ 417,7 triệu cổ phần, tương đương 14,27% vốn điều lệ.

Ngoài bất động sản, nhiều quỹ ngoại và các doanh nghiệp lĩnh vực khác cũng nắm giữ một lượng lớn cổ phần tại các ngân hàng.

Như tại Techcombank, trong 13 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên thì có 4 quỹ ngoại gồm Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore sở hữu hơn 1%, Morgan Stanley & Co. International Plc với 1,45%, COG Investment I B.V và người liên quan với 7,9%, Vesta VN Investments B.V và người liên quan với 7,9% vốn điều lệ. Cùng với đó là Tập đoàn Masan và người liên quan nắm giữ 15,2% vốn của ngân hàng này.

Đặc biệt, từ cơ cấu cổ đông mà các ngân hàng công khai thì có một số cổ đông ngân hàng đã nắm giữ tỷ lệ vốn vượt quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Chẳng hạn, tại VIB, có 2 cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ theo quy định mới, thậm chí ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB và người có liên quan sở hữu trên 20,2% vốn điều lệ - vượt cả quy định cũ và mới. VIB cũng có 3 cổ đông tổ chức và người có liên quan sở hữu trên 15% vốn điều lệ.

Tại ABBank, 2 cổ đông tổ chức là Malayan Banking Berhad (Maybank) và Tập đoàn Geleximco cùng người có liên quan đều sở hữu trên 16% vốn điều lệ. Tại OCB, 6 cổ đông và người có liên quan đang sở hữu trên 15% vốn điều lệ.

Hạn chế sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Theo các chuyên gia, việc yêu cầu công bố công khai thông tin cổ đông và người có liên quan của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại các ngân hàng giúp thị trường có cơ hội tiếp cận đầy đủ hơn cơ cấu sở hữu, từ cổ đông cá nhân đến cổ đông là tổ chức, cổ đông chiến lược nước ngoài, đồng thời cũng là biện pháp cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng đầu tư “núp bóng”, hạn chế sở hữu chéo, thậm chí là thao túng ngân hàng.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc công bố và giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Theo quy định mới, giới hạn trần sở hữu tại một ngân hàng đối với cá nhân được giữ nguyên ở mức 5%, song một tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của TCTD, bao gồm cả sở hữu gián tiếp, thay vì 15% như trước. Cổ đông và người có liên quan cũng không sở hữu quá 15% vốn thay vì 20% như trước…

Theo các chuyên gia, việc giảm tỷ lệ sở hữu cần có lộ trình linh hoạt, nhưng phải có chế tài đủ mạnh để các cổ đông ngân hàng tuân thủ. Điều đáng mừng là việc ngày càng minh bạch hoạt động ngân hàng đã giúp hoạt động kinh doanh ngày càng cạng tranh hơn, triển vọng phát triển theo xu hướng dài hạn và ổn định hơn. Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán VPBankS, quy định công bố thông tin cổ đông từ 1% vốn điều lệ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn, từ đó đánh giá chính xác tiềm năng và rủi ro ngân hàng.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn