Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động của Dệt May Nha Trang

Tại ngày 30/06/2020, khoản nợ ngắn hạn của CTCP Dệt - May Nha Trang (UPCoM: NTT) lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 77 tỷ đồng. Theo ý kiến của kiểm toán, những điều kiện này cho thấy có sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động của Dệt May Nha Trang

Tại ngày 30/06/2020, khoản nợ ngắn hạn của CTCP Dệt - May Nha Trang (UPCoM: NTT) lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 77 tỷ đồng. Theo ý kiến của kiểm toán, những điều kiện này cho thấy có sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Ngoài ra, kiểm toán còn lưu ý đến khoản mục hàng tồn kho bị tổn thất do lũ lụt vào ngày 18/11/2018, được ước tính theo giá trị sổ sách hơn 2 tỷ đồng. Số hàng tồn kho này thuộc đối tượng được bảo hiểm theo các hợp đồng bảo hiểm do Công ty mua tại các Công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Đến thời điểm lập báo cáo, các Công ty bảo hiểm vẫn chưa xác định mức độ thiệt hại và giá trị bồi thường hàng tồn kho nêu trên.

Trước loạt ý kiến của kiểm toán, NTT giải trình, về chênh lệch giữa nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn, Công ty đang làm việc với các ngân hàng để điều chỉnh kế hoạch trả nợ nhằm đảm bảo khả năng thanh toán và duy trì hoạt động.

Bên cạnh đó, NTT ước tính giá trị sổ sách của lượng hàng tồn kho bị tổn thất do lũ lụt chưa thanh lý nhằm thể hiện đúng giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho trên thời điểm lập BCTC.

Một số chỉ tiêu tài chính của NTT tính đến ngày 30/06/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC quý 2/2020 của NTT

Tính đến cuối quý 2, nợ phải trả của NTT hơn 547 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 77% (421 tỷ đồng), trong khi tài sản ngắn hạn chỉ hơn 344 tỷ đồng.

Hàng tồn kho cũng tăng 12%, lên gần 220 tỷ đồng, với gần 109 tỷ đồng là thành phẩm và 57 tỷ đồng là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang ngắn hạn. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, NTT ghi nhận doanh thu thuần giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, còn 442 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận khác của NTT cũng lao dốc 90%, ghi nhận hơn 2 tỷ đồng, do NTT không có khoản tiền bồi thường và thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (cùng kỳ đạt hơn 20 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của NTT. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC quý 2/2020 của NTT

Khép lại nửa đầu năm 2020, NTT lỗ ròng gần 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 9.5 tỷ đồng. Theo NTT, nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Công ty, kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn, các đơn hàng bị hủy, thị trường tiêu thụ sụt giảm khiến người lao động phải nghỉ vì thiếu việc. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào (bông, xơ) không ổn định đã làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sợi của NTT.

Tại thời điểm 30/06/2020, lỗ lũy kế của NTT lên gần 82 tỷ đồng.

Tiên Tiên

FILI