Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023

Bối cảnh quốc tế và trong nước

Sau hơn 2 năm kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID- 19, kinh tế thế giới vẫn gặp một loạt khó khăn ảnh hưởng đến đà phục hồi trong năm 2022. Trong những tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn xuất phát từ dịch bệnh COVID-19 với các biến thể mới, sự chậm trễ của không ít nền kinh tế trong việc đơn giản hóa quy định và điều kiện đối với xuất nhập cảnh, Mỹ với Trung Quốc gia tăng đối đầu chiến lược... Xung đột Nga-Ukraine đã có những ảnh hưởng sâu rộng, kéo dài ở bình diện toàn cầu đối với giá cả hàng hóa cơ bản, chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và an ninh năng lượng…

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã trở nên kém tích cực hơn. Các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu. Cụ thể, tháng 01/2022, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 và 2023 là 4,1% và 3,3%; nhưng đến tháng 9/2022, các dự báo tương ứng chỉ còn 2,8% và 2,3%. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận định, suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu khi các rủi ro làm giảm tăng trưởng gia tăng.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022, Chính phủ tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt, tỷ lệ bao phủ vắc xin được cải thiện và số ca nhiễm liên tục giảm. Theo đó, Chính phủ dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh…

Việt Nam đã có những hành động quyết liệt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được thực hiện khẩn trương, hiệu quả nhằm giảm chi phí sử dụng xăng dầu cho doanh nghiệp và người dân.

Công tác theo dõi, đánh giá tác động tiềm năng của các diễn biến, xu hướng lớn trên thế giới (trong đó có xung đột Nga- Ukraine đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được thực hiện sớm, thường xuyên. Việc xử lý các hành vi gian lận, thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng góp phần tạo niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với kỷ luật và minh bạch của thị trường chứng khoán…

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội về triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nhìn chung, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam được đánh giá là rất kịp thời, linh hoạt và hiệu quả. Bản thân Chương trình này cũng có một trụ cột riêng về thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh. Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục mở rộng không gian cho hoạt động kinh tế, đặc biệt thông qua các định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, liên kết vùng… Cùng với việc nỗ lực thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam tiếp tục duy trì hình ảnh của một đất nước không ngừng cải cách và hội nhập.

Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 - Ảnh 1

Kinh tế Việt Nam năm 2022

Trong bối cảnh khó khăn của năm 2022, Việt Nam vẫn đạt/thậm chí vượt hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản đặt ra từ đầu năm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm 2021, và tốc độ GDP cả năm 2022 đạt mức 8,02%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 7,8%. Trong đó, một số ngành công nghiệp quan trọng đều tăng trưởng như ngành chế biến, chế tạo tăng 8,10%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, ngành khai khoáng tăng 5,19%. Một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 như sản xuất đồ uống tăng 32,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 19,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 19,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tre nứa tăng 17,2%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 15,6%; sản xuất trang phục tăng 14,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 12,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10%. Những con số này cho thấy, các ngành sản xuất đã có sự phục hồi đáng kể từ sau đại dịch COVID-19, cũng phản ánh mức tiêu dùng trong nước cũng bắt đầu hồi phục.

Dù có những thời điểm có nhiều lo ngại về áp lực lạm phát, song diễn biến giá cả đã được điều hành tích cực, chặt chẽ, CPI bình quân tăng 3,15% trong năm 2022, thấp hơn mục tiêu đề ra (4%), qua đó giúp “ổn định” kỳ vọng lạm phát.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đảm bảo kết nối hàng hoá với thế giới và có mức thặng dư tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 - Ảnh 2

Việc khai thác các FTA tiếp tục giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đồng thời giảm được rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và các nước đối tác chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã góp phần mở rộng hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác ở khu vực Đông Á, đồng thời gắn kết Việt Nam với một khu vực đang phục hồi xuất khẩu mạnh mẽ. RCEP bước đầu đã có tác động củng cố vị thế thương mại, giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng năm 2022 khôi phục mạnh mẽ khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3,6 triệu lượt người, dù chưa phục hồi so với giai đoạn trước COVID-19 nhưng đã cao gấp 23,3 lần so với năm 2021. Cầu tiêu dùng trong nước đã trở thành một lực kéo mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng cao kỷ lục, mức tăng từ 5,0% so cùng kỳ năm trước trong quý I/2022, đã bật tăng 20,1% trong quý II/2022 khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn và 41,7% trong quý III/2022 và đến quý IV/2022 tăng 17,1%. Quy mô bán lẻ đã vượt qua mức trước đại dịch COVID-19 kể từ tháng 5/2022. Tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm trước.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao cho thấy nền kinh tế đã có sự phục hồi và ổn định ở mức độ nhất định. Trong năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.590,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn lao động, tăng 27,1% về số doanh nghiệp, giảm 1,3% về vốn đăng ký và tăng 14,9% về số lao động so với năm 2021.. Sự hồi phục mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước cho thấy sức bền bỉ của khu vực này.

Hoạt động đầu tư đã có sự phục hồi tích cực. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2021. Mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Xét theo Chỉ số phục hồi sau COVID-19 của Asia Nikkei, Việt Nam đã cải thiện xếp hạng khá nhanh, tăng tới 48 bậc lên vị trí thứ 14 trong tháng 5/2022, và lên thứ 2 trong tháng 6/2022. Ngay sau những kết quả tăng trưởng kinh vượt trội trong quý III/2022 được công bố, cùng với các đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế về triển vọng của cả năm, Tổ chức S&P Global Ratings (S&P) cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2023

Với những diễn biến kinh tế trong năm 2022, có thể đánh giá, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, rủi ro, thách thức mới trong năm 2023:

Thứ nhất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài sẽ khiến cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu tiếp tục trở nên trầm trọng. Các chuyến bay và các chuyến hàng qua đường biển Á - Âu đang bị chậm lại do xung đột tại Ucraina. Việt Nam mặc dù chịu các tác động trực tiếp không đáng kể nhưng tác động gián tiếp là rất lớn. Các lệnh trừng phạt giữa các nước và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể khiến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản tiếp tục kéo dài, thậm chí trầm trọng hơn.

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng ở hai thị trường Nga và Ukraine ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp ngành thủy sản trong nước. Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện, điện tử. Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lớn về niken, neon, krypton, nhôm và palladium, là những vật liệu quan trọng để sản xuất các nguyên phụ liệu cấu thành các thiết bị điện tử. Vì vậy, bất kỳ hạn chế hay gián đoạn nào về nguồn cung hàng hóa Nga có thể gây gián đoạn chuỗi sản xuất thiết bị điện tử, dù Việt Nam không trực tiếp nhập khẩu thiết bị điện tử từ Nga và Ukraine.

Thứ hai, nguy cơ lạm phát. Áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn, nhất là tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế hơn nữa vào thời điểm các hoạt động kinh tế vốn đang chững lại, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc ổn định lãi suất, tỷ giá của Việt Nam. Dù đã khá thành công trong kiểm soát lạm phát năm 2022 nhưng dự báo áp lực lạm phát năm 2023 tiếp tục còn nhiều thách thức. Trong đó, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục là nguy cơ lớn nhất đối với lạm phát và giá cả hàng hóa của Việt Nam. Với việc nhập khẩu phần lớn các nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, đặt biệt là xăng dầu, trong khi thách thức đối với điều hành tỷ giá USD/ VND trước sức ép đồng USD tăng giá và việc thắt chặt điều kiện tài chính tại Mỹ có thể làm tăng áp lực “nhập khẩu” lạm phát đối với Việt Nam.

Thứ ba, khó khăn đối với bảo đảm đủ số lượng lao động và đủ kỹ năng lao động cần thiết cho quá trình phục hồi kinh tế. Trong những năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với gián đoạn nguồn cung lao động tại một số thời điểm do hệ lụy của dịch COVID- 19. Khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của một bộ phận người lao động. Trong bối cảnh ấy, duy trì sự tham gia lao động đồng thời tạo dựng kỹ năng để người lao động thích ứng với những ngành nghề, hoạt động kinh tế mới sẽ là một yêu cầu quan trọng, song không dễ thực hiện.

Bên cạnh những thách thức, Việt Nam vẫn còn những động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2023.

Thứ nhất, Việt Nam đang có thuận lợi từ đà phục hồi kinh tế trong năm 2022 và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp đang có sự hứng khởi kinh doanh sau một thời gian dài gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Những ý tưởng kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã gia tăng đáng kể. Sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với các mô hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm… đã được cảm nhận rõ nét hơn.

Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là một hướng đi quan trọng. Bên cạnh các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, các nền kinh tế ở khu vực cũng quan tâm hơn đến việc nghiên cứu, đàm phán nâng cấp các FTA hiện có (như FTA giữa ASEAN-Australia-New Zealand, ASEAN-Hàn Quốc…). Các đối tác cũng tăng cường thảo luận về các nội dung hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam để một số lĩnh vực tiềm năng, như thương mại không giấy tờ, thương mại số…

Nếu xử lý hiệu quả các thách thức và tận dụng tốt các động lực, cơ hội trên đây, Việt Nam có tự tin hướng tới năm 2023 với những thành công trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát mà Quốc hội đã đề ra (Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng trưởng GDP năm 2023 là 6,5% và lạm phát ở mức 4,5%).

Một số kiến nghị chính sách

Việt Nam cần lưu tâm đến một số định hướng chính sách như sau:

Một là, duy trì cải cách gắn với quá trình phục hồi và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô: Công cuộc cải cách kinh tế cần phải được thực hiện đồng thời cùng với quá trình phục hồi, ổn định kinh tế vĩ mô. Cần nhấn mạnh vào việc tương tác giữa các chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế. Công tác giải trình chính sách kinh tế vĩ mô cần được thực hiện thường xuyên, hiệu quả hơn, nhằm tạo đồng thuận và ổn định tâm lý của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, qua đó hỗ trợ cho điều hành kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô.

Hai là, tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi cách tiếp cận không chỉ dừng ở các nguồn lực truyền thống như vốn, lao động, đất đai… mà còn cần khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên dữ liệu hiện có. Đồng thời, khai thác các lợi thế từ việc phát huy hiệu quả vấn đề liên kết vùng và thể chế liên kết vùng.

Ba là, tiếp tục mở rộng không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững: Phát triển và khai thác hiệu quả hoạt động kinh tế số; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; Phát triển kỹ năng lao động gắn với số hóa để tăng năng suất lao động; Đảm bảo ổn định chính sách và độ mở kinh tế, để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư và kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Các mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cần được thúc đẩy ngay trong quá trình thực hiện phục hồi kinh tế sau COVID-19. Hoàn thiện thể chế để các mô hình này phát triển bền vững, giảm phát thải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Cần lưu ý, quá trình này không nhất thiết phải đánh đổi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch càng trở nên cấp thiết và được thúc đẩy mạnh mẽ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bốn là, yêu cầu thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả: Hội nhập kinh tế quốc tế có vai trò quan trọng đối với thúc đẩy cải cách trong nước, góp phần vào việc thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn. Cam kết đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách thực chất, gắn với tăng năng lực cho doanh nghiệp, sẽ giúp tạo động lực đáng kể cho doanh nghiệp khai thác cơ hội từ các FTA thế hệ mới…

Năm là, tăng cường mức độ minh bạch, ổn đinh thị trường tài chính đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người dân, các nhóm doanh nghiệp để họ hiểu biết hơn về thị trường tài chính, các công cụ huy động và sử dụng vốn trên thị trường tài chính, rủi ro liên quan… từ đó có các quyết định chuẩn xác hơn. Hoàn thiện khung pháp lý cho sự vận hành linh hoạt, hiệu quả và minh bạch của thị trường tài chính (đặc biệt là Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng). Tăng cường năng lực giám sát thị trường tài chính, trong đó có vai trò thông tin, phối hợp giữa các cơ quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Tăng cường hệ thống thông tin phục vụ các quyết định đầu tư của các nhà đầu tư, trong đó có các quy định về công bố thông tin, thúc đẩy hoạt động hiệu quả của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm…

Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2023

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn