Lại chuyện vơi, đầy lợi nhuận sau kiểm toán

Theo dữ liệu của VietstockFinance, trên 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM, tính đến ngày 01/04/2021, có tổng cộng 502 doanh nghiệp (ngoại trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) công bố BCTC kiểm toán có sự chênh lệch so với báo cáo tự lập.

Lại chuyện vơi, đầy lợi nhuận sau kiểm toán

Theo dữ liệu của VietstockFinance, trên 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM, tính đến ngày 01/04/2021, có tổng cộng 502 doanh nghiệp (ngoại trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) công bố BCTC kiểm toán có sự chênh lệch so với báo cáo tự lập.

Trong 502 doanh nghiệp trên, có 231 doanh nghiệp tăng lãi, 231 doanh nghiệp giảm lãi, 24 doanh nghiệp tăng lỗ, 14 doanh nghiệp giảm lỗ và 2 doanh nghiệp có lãi chuyển thành lỗ.

Tăng lãi hơn trăm tỷ đồng

Đứng đầu nhóm báo lãi tăng hơn trăm tỷ đồng là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (UPCoM: MVN) với con số lãi ròng đạt hơn 2,191 tỷ đồng, tăng gần 248 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Với Becamex (HOSE: BCM), do điều chỉnh giảm chi phí tài chính liên quan đến việc điều chỉnh loại trừ chi phí dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, giúp lãi ròng tăng gần 132 tỷ đồng, đạt 1,405 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp trên UPCoM nữa góp mặt trong danh sách này là Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) với lãi ròng tăng hơn 101 tỷ đồng nhờ ghi nhận bổ sung một phần doanh thu chênh lệch tỷ giá năm 2019 với giá trị 115 tỷ đồng, theo các tài liệu phát sinh sau ngày công bố thông tin BCTC quý 4/2021. Bên cạnh đó, Công ty cũng xác định lại và ghi nhận bổ sung chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

3 doanh nghiệp tăng lãi trên trăm tỷ sau kiểm toán (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Xét về tương đối, Than Cọc Sáu - Vinacomin (HNX: TC6) dẫn dầu nhóm tăng lãi sau kiểm toán với mức tăng 1,437%, đạt gần 38 tỷ đồng, do TKV điều chỉnh đơn giá mua than của Công ty.

Hay như Create Capital Việt Nam (HOSE: CRC) cũng tăng từ 13 tỷ đồng lên 22 tỷ đồng do chưa ghi nhận đủ lợi nhuận từ hoạt động tài chính.

Top 20 doanh nghiệp tăng lãi mạnh sau kiểm toán (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

“Chán chường” sau kiểm toán

Bên cạnh những số phận tươi sắc hơn sau kiểm toán, một bộ phận khác lại có vẻ khá u buồn khi lãi giảm hay lỗ “chất chồng”.

Theo BCTC kiểm toán 2021 của Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (HNX: SDU), việc kiểm toán đề nghị tăng chi phí thuế khác và trích bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp khiến lãi ròng giảm từ 2.9 tỷ đồng (theo báo cáo tự lập) xuống còn 895 triệu đồng.

Xi măng Sài Sơn (UPCoM: SCJ) cũng báo lãi giảm 64% do tăng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Về phía Đầu tư và Xây dựng Vina2 (HNX: VC2), lãi ròng sau kiểm toán ghi nhận chỉ hơn 61 tỷ đồng, giảm 29% so với con số trong báo cáo tự lập. VC2 cho biết, trong năm 2021, Công ty có doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản, dịch vụ xây lắp, chuyển nhượng quyền phát triển dự án cho CTCP Vina2 Homes (Công ty liên kết của VC2, tỷ lệ sở hữu 40% vốn). Trong quá trình hợp nhất, Công ty đã ghi nhận toàn bộ phần doanh thu và lợi nhuận phát sinh từ việc chuyển nhượng mà chưa loại trừ phần tương ứng sở hữu trong công ty liên kết.

Kiểm toán đã xác định lại và thống nhất giảm trừ tương ứng với tỷ lệ sở hữu. Giá trị lợi nhuận trước thuế tương đương phần vốn của Công ty là gần 32 tỷ đồng, đồng thời được chuyển sang phản ánh trên chỉ tiêu Doanh thu chưa thực hiện dài hạn, dẫn đến lợi nhuận quý 4 và cả năm 2021 giảm so với trước kiểm toán.

Top 20 doanh nghiệp giảm lãi ròng mạnh sau kiểm toán (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Không chỉ tăng lỗ từ 36 tỷ đồng lên gần 67 tỷ đồng sau kiểm toán, CTCP SDP (UPCoM: SDP) còn nhận loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về công nợ phải thu, phải trả… Đáng chú ý, kiểm toán còn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Công ty do lỗ thuần gần 67 tỷ đồng trong năm 2021, các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 65 tỷ đồng.

Top 20 doanh nghiệp tăng lỗ sau kiểm toán (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Thê thảm hơn, con số lãi ròng của nhiều đơn vị trong báo cáo tự lập bất ngờ bốc hơi, biến thành lỗ như HU1, CTICPI.

Cụ thể, do phát sinh hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi của Công ty con (Công ty HUD1.02) với số tiền là 4.8 tỷ đồng nên lợi nhuận của Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HOSE: HU1) chuyển từ lãi hơn 876 triệu đồng thành lỗ gần 3.9 tỷ đồng.

Cùng cảnh ngộ, Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (HOSE: CTI) ôm lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng trong khi trước kiểm toán lãi gần 3 tỷ đồng. Nguyên nhân là do kiểm toán điều chỉnh tăng mức trích lập dự phòng đầu tư vốn vào các công ty con.

Kiểm toán “bó tay”

Đáng chú ý, nhóm doanh nghiệp bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đều ghi nhận lỗ sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2021.

Các doanh nghiệp bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

9 năm liên tiếp đắm chìm trong thua lỗ đã nâng tổng lỗ lũy kế của Lilama 3 (UPCoM: LM3) gần chạm mốc 488 tỷ đồng. Không chỉ vậy, kiểm toán còn từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC năm 2021 của Công ty.

Tương tự, Vận tải biển và Hợp tác Lao động Quốc tế (UPCoM: ISG) cũng bị kiểm toán từ chối đưa ý kiến. Theo kiểm toán viên, dù lãi gần 136 tỷ đồng trong năm 2021, lỗ lũy kế của ISG là hơn 427 tỷ đồng, làm cho vốn chủ sở hữu âm 334 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 576 tỷ đồng và Tập đoàn chưa ghi nhận tiền lãi quá hạn cũng như lãi phạt của 3 tàu từ năm 2017 đến năm 2021.

Tiên Tiên

FILI